Tại sao lại cần marketing để làm ra tiền?

Không phải lúc nào những marketer cũng có hứng thú giải thích những gì họ đang làm cho các ông chủ doanh nghiệp được tận tường. Và ngược lại cũng không phải ông chủ nào cũng biết lắng nghe những kế hoạch marketing.
Marketing Management

Nội dung bài viết

Không phải lúc nào những marketer cũng có hứng thú giải thích những gì họ đang làm cho các ông chủ doanh nghiệp được tận tường. Và ngược lại cũng không phải ông chủ nào cũng biết lắng nghe những kế hoạch marketing. 

Có thể thấy hiện nay, các doanh nghiệp làm marketing chỉ vì họ sợ hậu quả của việc nếu không tiến hành marketing chuyên nghiệp thì họ sẽ thua các doanh nghiệp khác. Thật ra, các ông chủ hay những marketers đều biết tiếp thị là quan trọng. Nhưng tại sao nó quan trọng và vì sao phải thực hiện thì hiếm người nắm bắt được.

Tôi tin tưởng vào marketing vì tôi biết nó có hiệu quả thực sự nếu doanh nghiệp làm đúng cách. Marketing có thể làm thay đổi quyết định của những người tiêu dùng. Marketing khiến cho những người từng không chọn sản phẩm của bạn thì giờ đây phải chạy đua nhau đến các cửa hàng, đại lý chỉ để sở hữu sản phẩm “hot” của công ty bạn.

Và tương tự, marketing cũng có thể đẩy khách hàng tiềm năng của bạn vào tay đối thủ cạnh tranh. Nếu bạn không chủ động thực hiện các chiến dịch mới để tiếp thị thương hiệu hay sản phẩm của công ty, một cách nào đó các đối thủ sẽ tái định vị thay bạn bằng cách tiếp thị thương hiệu hay sản phẩm của họ.

Trong bài viết Marketing Business – Tiếp thị kinh doanh, tôi đã đề cập đến mục đích duy nhất của marketing là lôi kéo thêm nhiều khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp một cách thường xuyên hơn. Đó cũng là lý do duy nhất để các ông chủ doanh nghiệp quyết định chi tiền cho marketing. 

I. Marketers hãy ngưng tự đánh lừa bản thân với ý nghĩa marketing là một công việc bí ẩn mà thay vào đó hãy nghiêm túc trong công việc kinh doanh

Mục đích duy nhất của marketing là lôi kéo thêm nhiều khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp một cách thường xuyên hơn

Giai đoạn 2016-2018, loạt quảng cáo của Samsung về “Samsung Note” hay “Samsung S” được lan tỏa trên tất cả các phương tiện truyền thông. Năm 2017, Coca Cola đầu tư hẳn 5 chiếc xe bus phủ đầy thương hiệu “Coke vị gừng” đi diễu hành khắp phố phường Việt Nam.

Các nhãn hàng làm vậy để làm gì? Có phải đơn giản chỉ để mọi người trầm trồ khen ngợi. Thật phù phiếm nếu họ chỉ nghĩ đơn giản như vậy. 

Theo marketing truyền thống, hành động của Samsung và Cocacola nhằm tạo top-of-mind về hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng, để khi khách hàng nghĩ đến việc mua điện thoại hay lon nước ngọt, nhóm đối tượng này sẽ nghĩ ngay đến họ.

Đối với marketing hiện tại, các bạn nghĩ Samsung hay Cocacola có còn dám thực hiện những hoạt động này. Khi tình hình giãn cách phức tạp, các nhãn hàng sẽ phải thay đổi hình thức quảng cáo và bán hàng theo hành vi người tiêu dùng từ offline sang online, và thậm chí là giao tận nhà.

Với marketing hiện đại, tôi thấy rõ mối liên kết sâu sắc giữa đội ngũ kinh doanh và nhân viên marketing. Ngành bảo hiểm nhân thọ trong bối cảnh hiện nay, đa số các công ty bảo hiểm như Generali, FWD, AIA Vietnam đều đang triển khai hàng loạt các chiến dịch chuyển đổi từ đội ngũ kinh doanh truyền thống sang đội ngũ kinh doanh công nghệ.

Nhiệm vụ của marketing trong các chiến dịch này không những chuyển đổi thói quen của nhóm khách hàng mục tiêu (target audience) mà còn chuyển đổi hành vi của nhóm đại lý truyền thống. Với duy nhất một mục tiêu là mang tiền về cho công ty. Marketers ngày nay nên tập trung vào kết quả, không phải chỉ dừng lại ở các hoạt động quảng cáo, truyền thông thuần tuý.

Trong quá trình công tác tại các Tập đoàn, tôi có đặt câu hỏi rằng: “Bạn dự định chiến dịch marketing năm sau sẽ làm gì?”. Tôi khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời như: “Marketing năm sau mình đã chuẩn bị gần xong quá trình nghiên cứu thị trường, sẽ tung ra sản phẩm mới vào giữa năm, mẫu mã sản phẩm sẽ được cải tiến…” Tôi vẫn luôn chờ đợi ai đó nói rằng: “Năm sau, khi đã ra mắt sản phẩm mới, dự tính khi thực hiện hết các hoạt động quảng cáo marketing sẽ đem về 20% doanh thu tăng trưởng cho công ty”. 

Các bạn marketers thân mến, những hoạt động rời rạc trên chưa đủ để được gọi là marketing. Marketing là sử dụng tổng hoà những hoạt động, công cụ quảng cáo để chiếm được thị phần. 

Nó giống như cách bạn xây một ngôi nhà. Gạch, đá, xi măng, thép, nhân công… là những thành phần cần thiết để bạn sử dụng cho quá trình xây dựng ngôi nhà. Nhưng có thể thành hình ngôi nhà hay không, thì phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định và cách bạn phối trộn nguyên vật liệu từ lúc đặt những viên gạch đầu tiên đến khi hoàn chỉnh phần sơn phết. 
Marketing là một hoạt động chiến lược xuyên suốt của doanh nghiệp và cần tính kỷ luật cao để đạt được mục đích cuối cùng là bán thật nhiều sản phẩm để mang về thật nhiều tiền cho doanh nghiệp.

II. Tiếp thị là một hoạt động đầu tư

Tiếp thị là một hoạt động đầu tư

Thế giới đang chuyển động rất nhanh và các nhà đầu tư (hay cổ đông) sẽ cực kỳ khó chịu khi các công ty phải tiêu tiền vào những thứ không mang lại lợi nhuận.

Điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Ban Giám đốc sẽ không chấp nhận phòng marketing làm điều vô nghĩa. Với marketing hiện đại, dù bạn sở hữu một lượng lớn sản phẩm trên các khung kệ siêu thị hay với nhiều chuỗi cửa hàng phân phối và thậm chí là hàng ngàn đại lý kinh doanh thì vẫn chưa đủ để được xem là định vị sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng.

Marketers ngày nay đã phải bắt đầu “marketing định vị sản phẩm” nghĩa là “Nó định ra sự kỳ vọng của khách hàng và khi bạn có thể thoả mãn khách hàng vượt trên cả sự mong đợi của họ, họ sẽ tiếp tục quay lại và mua thêm sản phẩm của bạn” – Marketing giỏi phải kiếm được tiền.

Nhiệm vụ của marketers là giải thích cho nhóm đối tượng khách hàng của mình lý do vì sao họ nên mua sản phẩm của công ty mình và yêu cầu họ mua ngay hôm nay – call to action.

Nếu marketers không thể hướng khách hàng của công ty họ mua sản phẩm, sau một thời gian ngắn, họ không những không có khách hàng mới mà còn mất luôn nhóm khách hàng hiện hữu.

Ngày nay, các doanh nghiệp đều hướng đến nhóm khách hàng tiềm năng là nhóm Millennials hay Gen Z, họ nghĩ rằng nếu họ chiếm được phần lớn nhóm khách hàng này, họ sẽ sở hữu tệp khách này suốt đời. Đó là suy nghĩ sai lệch.

Sự yêu thích sản phẩm hay thương hiệu sẽ không mang tính trọn đời, trừ trường hợp sản phẩm bạn luôn được đổi mới hay luôn đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ – “hot trend”. Bạn có thể thấy Nike và Adidas là hai case study về marketing định vị sản phẩm đáng nghiềm ngẫm. Trong khi Converse hay Levi’s đã hành động chậm và thất bại. 

Một khi đã hiểu rõ bản chất của marketing, các marketers sẽ mạnh dạn đề xuất các hoạt động chiến lược của mình. Vì chỉ khi thực hiện marketing bài bản, doanh nghiệp của bạn mới có thể tăng doanh số, lợi nhuận cũng sẽ tăng, và thị phần được mở rộng.

Chỉ có cách chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho công cuộc tự mình tái định vị doanh nghiệp và sản phẩm thì nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh thổi bay ra khỏi cuộc chơi sẽ giảm xuống.

Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ đề cập đến chủ đề Marketing – Bán mọi thứ doanh nghiệp bạn có thể làm ra. Chủ đề này tôi sẽ xoáy vào các chỉ số mà các doanh nghiệp rất để tâm đến như ROA – tỉ lệ lợi nhuận sinh lời trên tài sản công ty (Returns on assets), chi phí cận biên (marginal cost), định phí (fixed cost)… Tôi hy vọng các marketers sẽ làm marketing thật bài bản để vị thế marketing ngày càng được trân trọng.

Hiểu rõ bản chất marketing để “sinh lời” cho doanh nghiệp với khoá học HANDS-ON MARKETING

Điền form đăng ký ngay để AIM tư vấn chi tiết hơn cho bạn!