Nhảy Việc Cũng Cần Có Chiến Lược

Career Compass là chuỗi hội thảo hướng nghiệp chuyên ngành Marketing & Communication do AIM Academy tổ chức, nhằm giúp các bạn trẻ đam mê nghề tìm được lời giải cho những “lăn tăn” của mình. Bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về Marketing & Communication để chuẩn bị cho con đường sự nghiệp sắp tới? Đăng ký thông tin để nhận thông tin hội thảo tại AIM nhé.
Creative Communication

Nội dung bài viết

Như đã hứa, để giúp những bạn không có cơ hội đồng hành Career Compass sáng chủ nhật vừa rồi, AIM Academy xin gửi tới các bạn bài viết giải đáp 1001 trăn trở về nhảy việc trong ngành marketing. Với sự tư vấn của hai chuyên gia: chị Thuỷ Trần, Marketing & Account Relationships Director, MasterCard và anh Thông Phạm, Chief Marketing Officer, Lazada, buổi hội thảo đã diễn ra sôi động hơn bao giờ hết khi những câu hỏi thú vị liên tục được “mổ xẻ”.

Mở đầu buổi hội thảo, để giúp các bạn trẻ xua tan những mơ hồ về một phân ngành rộng lớn như Marketing & Communication, chị Phạm Thị Diệu Anh – Managing Director của AIM Academy đã phác hoạ “chân dung” ngành thông qua mô hình client và agency cùng nhiệm vụ cơ bản của các vị trí trong các công ty.

Ngay sau đó, chị Bảo Ngân – Head of Training & Consultancy tại AIM Academy dẫn dắt các bạn vào phần mong đợi nhất của buổi hội thảo – phần chia sẻ trực tiếp với chị Thuỷ và anh Thông.

I. Đừng để khó khăn làm bạn chùn bước

Bắt đầu phần chia sẻ của mình, Chị Thuỷ đã tóm tắt ngắn gọn kinh nghiệm sau 16 năm làm việc bằng 2 chữ: Đam mê.

Sau khi đỗ vào chương trình Quản trị viên tập sự (Management Trainee) của Unilever, chị bắt đầu hành trình 7 năm cùng những “client trong mơ” như Unilever, PepsiCo, Nestle, Wrigley.

Việc chuyển từ FMCG sang tài chính ngân hàng với HSBC và hiện tại là MasterCard thực sự là một bước ngoặt lớn với chị.

Chị cho rằng chỉ có đam mê mới khiến bạn luôn nỗ lực tìm tòi, suy nghĩ, tìm cách để làm tốt hơn công việc của mình. Cuối cùng chị Thuỷ nhấn mạnh: “Công việc nào cũng có khó khăn hết, đừng để nó làm mình chùn bước”.

trainer chia sẻ về chủ đề nhảy việc cần chiến lược
Chị Thuỷ Trần (tóc ngắn, trái) và anh Thông (giữa) đang trao đổi với các bạn về chủ đề nhảy việc

Phần giới thiệu của anh Thông khiến các bạn “mắt tròn mắt dẹt” vì “chiến tích” 8 năm – 8 công ty và thi trượt tất cả các chương Management Trainee lúc bấy giờ. Không nản lòng, anh nhanh chóng tìm được niềm đam mê với marketing và liên tục thử sức mình với Nielsen, Vinamilk, P&G ở Thái Lan.

Những tưởng môi trường tuyệt vời của P&G sẽ giữ chân anh ở lại, nhưng thực tế không phải vậy. Rời P&G, anh quyết định mở start-up trong mảng nội thất. Mặc dù không thành công, dự án đã giúp anh nhìn thấy được tiềm năng của thương mại điện tử (e-commerce) và mobile marketing.

Không chần chừ, anh quyết định gia nhập đội ngũ Lazada với vị trí Partnership Manager và trở thành CMO của Lazada sau 3 năm. Để tóm lược kinh nghiệm của mình, anh khẳng định: Nhảy việc là điều hết sức bình thường trong ngành marketing”. Bên cạnh việc rèn luyện Tiếng Anh, anh cũng cho rằng các bạn trẻ nên băn khoăn ít đi, thử thật nhiều lên. Khi tìm thấy một công ty phù hợp thì trập trung, dồn sức cho nó.

“Băn khoăn ít đi, thử thật nhiều lên.
Khi tìm thấy một công ty phù hợp thì tập trung, dồn sức cho nó.”

II. Nhảy việc cũng cần có chiến lược

Với trải nghiệm tại những client lớn, chị Thuỷ khuyên các bạn nên thử sức tại các công ty đa quốc gia nhằm tiếp cận với quy trình làm việc bài bản – điều rất khó có được nếu làm tại các công ty nhỏ.

Trong khi đó, anh Thông lại cho rằng việc lựa chọn công ty nào nên dựa vào mục tiêu của bạn tại thời điểm đó. Ví dụ như khi “fail toàn tập” với các chương trình quản trị viên tập sự vì lý do Tiếng Anh kém, anh đã “quyết chí phục thù” bằng cách vào làm việc tại Nielsen và “dưới trướng” trực tiếp của sếp người Thuỵ Điển.

Ngay sau đó, quyết định rời Nielsen – một trong những research agency hàng đầu, qua Vinamilk rồi sau đó là P&G cũng vì anh muốn biết việc thấu hiểu consumer insight, consumer behaviour… sẽ giúp brand đi được bao xa. Tương tự như vậy, anh “đầu quân” vào Lazada cũng vì nhận thấy “lỗ hổng” về digital, online marketing khi làm start-up ở giai đoạn trước đó.

“Nhảy việc sẽ không phải là cách giải quyết nếu bạn chưa làm rõ mong muốn và mục tiêu của mình ở vị trí, công việc tiếp theo.”

Như vậy, trước khi đến một công ty mới, bạn cần luôn tự đặt câu hỏi: “Tôi sẽ học được gì hơn so với nơi cũ?” Thông thường, lý do dẫn tới sự “rơi rụng” của các bạn trẻ là áp lực công việc, lương và sếp trực tiếp. Tuy nhiên, nhảy việc sẽ không phải là cách giải quyết nếu bạn chưa làm rõ mong muốn và mục tiêu của mình ở vị trí, công việc tiếp theo.

Vì sao bạn lại vào làm ở công ty từ lúc đầu? Liệu những bức xúc hiện tại có phải là những khó khăn không thể giải quyết? Ngay sau khi trả lời được, bạn đã có trong tay “bản chiến lược” cho công việc mới, từ đó sẽ không còn đắn đo nhiều trong việc lựa chọn công ty nữa.

Đọc thêm: Học Trái Ngành Có Làm Marketing Được Không?

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ đã, đang và sẽ bước vào thế giới Marketing năng động
Gương mặt chăm chú của các bạn tham dự tại hội thảo

III. “Ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng

Để giúp các bạn vượt qua “cửa ải” đầu tiên – nhà tuyển dụng, anh Thông và chị Thuỷ đã đưa ra những lời khuyên hết sức thực tế từ chính trải nghiệm tìm “nhân tài” của mình:

Làm công ty nhỏ hay công ty lớn, làm intern hay executive không phải yếu tố quan trọng. Cách bạn thể hiện kinh nghiệm đã có, cách bạn trả lời phỏng vấn trực tiếp mới là thứ nhà tuyển dụng chú tâm. Thay vì chỉ ngồi đó, băn khoăn và không làm gì thì bạn hãy cứ làm đi, những trải nghiệm đó sẽ hỗ trợ cho bạn không bằng cách thì bằng cách khác.

Nhà tuyển dụng thường căn cứ vào 2 yếu tố để thuê bạn.

  • Thứ nhất, bạn có đáp ứng được công việc đó hay không.
  • Thứ hai, tiềm năng của bạn thế nào.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Thông thấy rằng những người đáp ứng được công việc ngay thường không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Vì vậy, anh thường chú ý vào các bạn có nhiều tiềm năng để xây dựng nhân lực dài hạn cho công ty.

Với các câu hỏi về dự định của bạn trong tương lai, mong muốn cụ thể tại vị trí đang ứng tuyển, những điều bạn học được từ công việc trước đó, anh có thể xác định được bạn có phải là “người hùng ẩn giấu” mà team đang tìm kiếm.

Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, anh cũng “bật mí” rằng không đòi hỏi quá cao về kiến thức, điều giúp bạn “ghi điểm” lại chính là cách nói chuyện, khả năng tư duy phản biện (critical thinking) và độ trưởng thành.

IV. Insight “thầm kín” của sếp…

Muốn bắt được cọp thì phải vào hang cọp, muốn làm sếp thì phải nhìn từ góc nhìn của sếp. Sau đây là 03 “sự thật ngầm hiểu” được những “đầu tàu” của bộ phận Marketing chia sẻ:

1. Luôn trang bị nắm bắt những gì đang diễn ra trên thị trường.

Marketing là ngành luôn thay đổi bởi vì bản thân thị trường, thói quen của người dùng đã thay đổi. Nếu như cách đây 5 năm, làm marketing đơn giản chỉ là làm TVC hoành tráng thì giờ đây, bạn sẽ cần biết về digital, về social, về mobile marketing. Chính vì vậy nếu lười thay đổi, không nỗ lực học hỏi những cái mới thì bạn sẽ bị tụt hậu. Và đã tụt hậu, thiếu linh hoạt thì tức là bạn đã không còn phù hợp với một ngành luôn đòi hỏi sự thay đổi, tươi mới như marketing nữa.

2. Luôn làm nhiều hơn những gì mình được yêu cầu.

Trước khi lên vị trí Chief Marketing Officer của Lazada, anh Thông đã làm việc qua hầu hết các phòng ban trong bộ phận Marketing. Một trong những bí mật để thăng tiến chính là bạn phải sẵn sàng làm phần việc nằm ngoài phạm vi công việc (scope of work) của mình. “Khi muốn tìm một vị trí leader trong công ty, họ luôn chọn người đã có khả năng làm được 70% công việc thực tế của một người leader” – chị Thuỷ chia sẻ. Nếu bạn đợi tới khi được “thăng chức” mới bắt đầu thay đổi, thì bạn sẽ còn ở vị trí hiện tại khá lâu nữa đó.

“Khi đã nắm trong tay fundamental thì dù “thả” ở sông nào bạn cũng vẫn có thể “bơi” được. Ngoài ra, fundamental là cũng là một yếu tố để bạn tiến lên các vị trí cao hơn.”

Luôn có cái nhìn sâu hơn đằng sau những công cụ mới của marketing. Kiến thức nền tảng (fundamental) là từ khoá mà anh Thông muốn nhấn mạnh với các bạn trẻ trong cơn bão digital hiện nay. Chia sẻ này đến từ thực trạng “đắm đuối” với công cụ mà không nắm được phương pháp phía sau.

Influencer marketing hay content marketing đều là những “chiêu” để doanh nghiệp thuyết phục khách hàng. Và muốn làm được, mọi công ty đều phải quay về với bài toán consumer insight.

Công cụ có thể thay đổi, nhưng phương pháp thì không. Khi đã nắm trong tay fundamental thì dù “thả” ở sông nào bạn cũng vẫn có thể “bơi” được. Ngoài ra, fundamental là cũng là một yếu tố để bạn tiến lên các vị trí cao hơn.

V. E-commerce và thanh toán thẻ – có khó thì mới ra được chuyện hay

Thương mại điện tử (e-commerce) là ngành đang bùng nổ tại Việt Nam với tốc độ tăng trên 30% mỗi năm. Tín dụng và thanh toán thẻ cũng là mảnh đất rất màu mỡ vì thị trường còn sơ khai và bạn hoàn toàn có thể thành công nhờ lợi thế đi đầu nếu đi bài bản. Chính vì vậy, số lượng các start-up theo mô hình B2B, B2C với thế mạnh thanh toán, vận chuyển không phải hiếm.

hội thảo career compass chủ đề nhảy việc
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ đã, đang và sẽ bước vào thế giới Marketing năng động

Với kinh nghiệm gọi vốn thành công cho start-up của mình, anh Thông đã chia sẻ 3 chiếc “kiềng” để tạo nên một start-up vững chắc. Đó chính là: một team ăn ý, nguồn lực tài chính tốt và kiến thức về quản lý chung (general management).

Có rất nhiều start-up ý tưởng thì tốt nhưng “chết yểu” ở khâu vận hành vì các founder không đồng lòng, vốn không đủ và đặc biệt, người quản lý không nắm được kỹ năng quản lý về tài chính, nhân sự…

Nhắc đến start-up thì không thể bỏ qua xu hướng sử dụng payment gateway – cổng thanh toán trực tuyến. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp tận dụng yếu tố tự động hoá để giảm chi phí vô hình. Với câu hỏi về mức phí sử dụng payment gateway quá cao, chị Thuỷ cho rằng các start-up nên nhìn vào bài toán dài hạn để thấy cái lợi lâu dài về hiệu quả kinh doanh.

Có một thực tế là start-up Việt Nam đang phải “tự bơi” rất nhiều do hạn chế từ hệ sinh thái chung (ý thức người dân, chính sách, cơ sở hạ tầng). Vì vậy, khi đối diện với những khó khăn chung, anh Thông khuyên các start-up cần chủ động điều chỉnh mô hình kinh doanh, cấu trúc lại cách thức vận hành để thích nghi thay vì chờ đợi vào những thứ không thể tác động.

Career Compass là chuỗi hội thảo hướng nghiệp chuyên ngành Marketing & Communication do AIM Academy tổ chức, nhằm giúp các bạn trẻ đam mê nghề tìm được lời giải cho những “lăn tăn” của mình.

Bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về Marketing & Communication để chuẩn bị cho con đường sự nghiệp sắp tới? Điền form thông tin để nhận thông tin các hội thảo hướng nghiệp tại AIM nhé.