Trong nhiều năm qua, các thương hiệu đã thử nghiệm với lĩnh vực trò chơi điện tử, nghĩ rằng nó chỉ “vui là chính”. Nhưng chơi game không chỉ xoay quanh việc theo đuổi điểm số cao; nó là một hiện tượng văn hóa cực kỳ mạnh mẽ đang định hình lại cách hàng triệu người tiếp cận truyền thông, giao tiếp và thậm chí là mua sắm. Nếu thương hiệu của bạn chưa “bước vào cuộc chơi”, bạn đang bỏ lỡ một cơ hội trị giá hàng tỷ đô la.
I. Gen Z là những game thủ bẩm sinh
Chơi game là lựa chọn hàng đầu của Gen Z khi muốn giải trí. Theo một nghiên cứu gần đây của Deloitte, 87% Gen Z chơi video game. Đối với nhóm thanh thiếu niên: 40% tự nhận mình là game thủ và dành trung bình hơn 10 tiếng mỗi tuần chỉ để chơi game. Đây không chỉ là một sở thích – đó là một lối sống.
Điều quan trọng là: Game thủ ngày càng khó tiếp cận thông qua các kênh truyền thống như thể thao hay TV. Họ cũng là chuyên gia trong việc “né” quảng cáo. Một khảo sát gần đây của GlobalWebIndex chỉ ra rằng gần một nửa số người từ 16-34 tuổi sử dụng phần mềm chặn quảng cáo, khiến việc tiếp cận họ qua quảng cáo kỹ thuật số thông thường trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của Gen Z, chơi game không còn là lựa chọn nữa – đó là điều cần thiết.
II. Đó là mạng xã hội kiểu mới
Quên các bộ lọc Instagram đi – thế hệ trẻ đang gắn kết với nhau qua những chiến thắng “clutch” (chiến thắng ngoạn mục) và các buổi phát sóng trực tiếp trên Twitch. Những trò chơi như Fortnite và Roblox là các “quảng trường kỹ thuật số” nơi bạn bè kết nối, người sáng tạo xây dựng cộng đồng, và các thương hiệu có thể tham gia vào cuộc trò chuyện một cách tự nhiên.
Đối với Gen Z, Gen Alpha, và thậm chí cả Millennials, chơi game là cách họ tương tác với nhau, không chỉ đơn thuần là giải trí. Theo Deloitte, 40% thừa nhận họ giao tiếp với bạn bè trong game nhiều hơn ngoài đời thực. Một báo cáo khác từ Gamefam cho thấy Gen Z và Gen Alpha dành trung bình 150 phút (2,5 tiếng) mỗi ngày trên Roblox, so với 107 phút trên TikTok và 67 phút trên YouTube.
Sự khác biệt đáng kể về thời gian tương tác này cho thấy sự ưu tiên ngày càng tăng dành cho trải nghiệm 3D tương tác so với việc tiêu thụ nội dung 2D. Tại sao phải lướt qua các bức ảnh tĩnh khi bạn có thể tham gia cùng bạn bè trong một cuộc phiêu lưu thời gian thực? Nếu thương hiệu của bạn không nói được ngôn ngữ của họ, người khác sẽ làm điều đó.
III. Game thủ kiếm được nhiều tiền hơn
Định kiến “game thủ nghèo” đã là chuyện của quá khứ. Ngày nay, game thủ là những người có tiềm lực tài chính và thường kiếm thu nhập cao hơn mức trung bình. Thực tế, khán giả xem các buổi phát sóng game có tỷ lệ giàu có cao hơn hẳn so với dân số chung, với ba phần tư người mua hàng xa xỉ là game thủ. Khi chơi game trở thành xu hướng chính, chúng ta đang thấy các chuyên gia, phụ huynh và doanh nhân tự hào nhận mình là game thủ.
Họ không chỉ là khách hàng – họ là những khách hàng có giá trị cao. Theo Anzu, tại Mỹ, 76% game thủ theo dõi các thương hiệu thời trang và người có sức ảnh hưởng, với 66% đầu tư vào các sản phẩm xa xỉ. Porsche nắm bắt rất rõ cơ hội này và gần đây đã hợp tác với Overwatch 2 để quảng bá dòng xe điện hoàn toàn của họ. Kết quả là, người chơi có khả năng sở hữu Porsche cao hơn 2,5 lần so với khách hàng thông thường. Tiền đã nằm trong túi họ rồi. Bạn chỉ cần đưa thương hiệu của mình vào bối cảnh chơi game một cách chân thực để kết nối với họ.
IV. Họ yêu thích tài trợ
Game thủ là một trong những nhóm khách hàng trung thành với nhà sáng tạo nhất. Một lời giới thiệu tài trợ từ một streamer yêu thích trên Twitch hoặc YouTube sẽ giống một gợi ý đáng tin cậy hơn là quảng cáo. Báo cáo Twitch Attitudes Towards Advertising 2022 cho thấy 64% người xem Twitch có khả năng mua sản phẩm được các streamer yêu thích giới thiệu.
Và điều thú vị là – nghiên cứu của Instreamly chỉ ra rằng mọi người thường theo dõi vì thích streamer cụ thể, không chỉ vì yêu thích game. Điều này không phải ngẫu nhiên. Nó đã được “ghi khắc” trong văn hóa của cộng đồng game thủ: luôn ủng hộ những người họ yêu thích. Muốn thương hiệu của bạn thành công? Hãy hợp tác với những nhà sáng tạo đã chiếm được trái tim của game thủ và chứng kiến lòng trung thành với thương hiệu bạn tăng vọt.
Xem thêm: TikTok Search Ads Campaign – ‘Vũ Khí’ Mới Của TikTok Trong Cuộc Đua Quảng Cáo Tìm Kiếm
V. Họ trung thành với các thương hiệu “hiểu họ”
Sự thật là game thủ có thể nhận ra sự thiếu chân thành nhanh hơn cả một đứa trẻ 12 tuổi trong Call of Duty. Nhưng khi các thương hiệu xuất hiện trong không gian game với các chiến dịch chân thực và phù hợp, họ sẽ nhận được lòng trung thành bền vững. Game thủ sẽ dành sự yêu thích cho các thương hiệu tôn trọng văn hóa của họ – chứ không phải những kẻ chỉ tìm cách “kiếm lời” từ nó. Thậm chí, 79% người xem Twitch xem quảng cáo như là cách hỗ trợ cho các nhà sáng tạo.
Và khi các thương hiệu làm đúng, lợi ích mang lại rất lớn. Dữ liệu từ inStreamly cho thấy điều này rõ ràng, các chiến dịch quảng cáo theo ngữ cảnh trên các buổi phát sóng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, trung bình 15% về khả năng nhận diện thương hiệu và mức độ yêu thích thương hiệu – được đo lường qua câu hỏi: “Những thương hiệu nào bạn nghĩ đang hỗ trợ game thủ/streamer?”.
Đã đến lúc “thăng hạng”
Cộng đồng game thủ không chỉ là một thị trường tiềm năng – mà còn là một phong trào, một cộng đồng có chung niềm đam mê. Để thu hút được sự quan tâm của các game thủ, thương hiệu cần tránh đối xử với game thủ bằng những định kiến cũ. Thay vào đó, các thương hiệu cần phải nhìn nhận game thủ như những cá nhân đa dạng, năng động và có đam mê sâu sắc với game.
Nguồn: thedrum.com
Để chinh phục cộng đồng game thủ và nắm bắt thị trường đầy tiềm năng này, tư duy chiến lược là yếu tố then chốt. Khóa học Strategic Communication Planning sẽ giúp bạn rèn luyện kỹ năng xây dựng chiến dịch truyền thông hiệu quả cùng các planners hàng đầu. Đăng ký khóa học ngay để đưa thương hiệu của bạn “vào cuộc chơi”!