Marketing không phải điều bí ẩn

Như đã đề cập ở bài trước: “Marketers – chúng ta có thể làm gì tốt cho doanh nghiệp” về khái niệm “Marketing giỏi phải kiếm được tiền”. Ở phần này tôi chia sẻ đến các bạn đọc cái nhìn rõ nét hơn về “kiếm được tiền” là như thế nào?
Marketing Management

Nội dung bài viết

Trong phần này, tôi muốn dùng nỗ lực của mình để truyền tải đến các bạn đọc về những nguyên tắc của kinh doanh thực tiễn. Bạn sẽ tự hỏi thực tiễn kinh doanh có liên quan gì đến Marketing?

Những nguyên tắc này không phải do tôi tự nghĩ ra, mà đã được các bậc thầy Marketers kiểm chứng qua các thương hiệu nổi tiếng như Coca-Cola, Sprite.

Tôi chỉ là một học trò muốn truyền lửa cho các bạn Marketers tại Việt Nam. Cám ơn quyển sách của Sergio Zyman – “Marketing giỏi phải kiếm được tiền” đã truyền lửa, nhờ đó tôi mới định hướng đúng cho mỗi chiến dịch của mình.

I. Marketing – trái tim doanh nghiệp 

Bạn hãy nhớ rằng, cốt lõi của Marketing là xác định được chiến lược đi lâu dài, là trái tim của bất kỳ doanh nghiệp nào đang trong tiến trình khẳng định thương hiệu và trở nên bứt phá trong mọi hoạt động kinh doanh.

Marketing giúp xác định bạn là ai, bạn làm gì, tại sao bạn làm điều đó, và bạn làm nó cho ai.

Sẽ không bao giờ đủ khi client chỉ đi đến và thuê agency thực hiện một dự án. Vậy nên với tôi, Marketing là trách nhiệm chung của client và agency trên mỗi dự án. Thực tế ai là Marketer? – client hay agency? – đã thực thi một dự án thì mọi người phải là một phần của nó. Và để đảm bảo tất cả đồng lòng thì các thành viên cần phải hiểu công việc bán hàng, định vị hàng hoá và đảm bảo rằng khách hàng sẽ mua hàng.

Đó là trách nhiệm của marketers bởi vì marketing bao hàm rất nhiều điều – từ định vị thương hiệu cho đến cách bán sản phẩm và cách người tiêu dùng được phục vụ.

Marketers gắn kết với người tiêu dùng và đảm bảo họ hạnh phúc với thương hiệu mà họ chọn
nguồn ảnh: mavrck

Ngày trước khi tôi còn làm ở Leo Burnett, mọi người hay tranh cãi về việc Marketing là tất cả những điều kể trên hay liệu nó không khác gì ngoài một quảng cáo đẹp đẽ mà nhãn hàng đặt lên trên mạng xã hội (Digital Platform), hay là những bảng điện tử nhiều màu sắc xuất hiện trên đường phố (OOH: Out of Home). Khi tôi về làm cho client side, đồng nghiệp hỏi tôi liệu Marketing có phải là tạo ra một hình ảnh trong tâm trí khách hàng hay không?!

Dĩ nhiên là nó phải tạo ra một hình ảnh thương hiệu đáng nhớ. Từ góc nhìn một người làm marketing, tôi thấy các suy nghĩ này đều đúng. 

Nhưng khi đứng ở khía cạnh người kinh doanh thì tôi buộc phải có thêm một câu hỏi: “sau khi bạn làm hết những thứ kể trên thì bạn đạt được gì?”. Có phải bạn chỉ mang đến cho người tiêu dùng những hình ảnh bắt mắt, những câu khẩu hiệu (tagline) thuận tai dễ nhớ, hay người làm marketing sẽ kích hoạt nó để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng, và ngày càng mua nhiều hơn, ở giá cao hơn và doanh nghiệp của bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn?

Các Marketers không có quyền nghĩ rằng hoạt động marketing tốt trong quá khứ hoặc có nhiều khách hàng mua sản phẩm ngày hôm qua là kết quả kinh doanh ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia của doanh nghiệp luôn ổn. Việc tăng thêm các chiến dịch quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông không phải là câu trả lời.

Các bạn bắt buộc phải tìm cách bán sản phẩm của mình, quá trình này lặp đi lặp lại liên tục. Và tất cả những gì bạn cần làm trong các chiến dịch marketing là để kết nối với khách hàng. Như tôi đã đề cập ở phần trước, “Làm Marketing là làm gì cũng được, miễn sao chúng ta chiếm được cái chợ (Market) mà ta nhắm đến” – anh Tăng Gia Hải Lam (Managing Director, Buzzmetrics). 

Điển hình tại thị trường Việt Nam, từ năm 2016 – 2019, mọi người sẽ thấy Samsung đầu tư rất nhiều cho quảng cáo dành cho đủ các đối tượng. Nhưng họ chỉ thành công ở thị phần tầm trung hoặc giá rẻ, trong khi Apple không mất một đồng chi phí quảng cáo nào vẫn có một lượng khách hàng trung thành.

Dựa vào những trải nghiệm của chính mình và những người bạn đồng hành trong các chiến dịch Marketing, tôi luôn chỉ ra rằng các thương hiệu và sản phẩm được tồn tại là bởi vì người tiêu dùng cho phép nó tồn tại. Nhất là trong làn sóng dài tập không hồi kết “Cô Vy giá đáo” thì tôi càng thấy nhu cầu tái thiết lập sự gắn kết với khách hàng trở nên lớn hơn. Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên chuyển đổi. Thị trường tự do nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Điều này khiến các marketers quay về bài học căn bản khi làm marketing là phải lấy nhu cầu của người tiêu dùng để làm kim chỉ nam.

Trong giai đoạn loạn lạc như bây giờ, người tiêu dùng đang có nhu cầu gì, làm sao các marketers có thể giải quyết các nhu cầu đó của người tiêu dùng. Làm việc tại bộ phận Truyền thông và tăng năng suất đội ngũ kinh doanh, tôi khám phá ra nhu cầu của một nhóm nhỏ đối tượng muốn kiếm tiền.

Nhưng là ở cương vị một doanh nghiệp, một công ty bảo hiểm thì làm cách nào có thể giúp họ kiếm tiền?! Rất may công ty tôi có sản phẩm vừa giúp người tiêu dùng đầu tư vừa đảm bảo tính bảo vệ, việc của tôi là trao đi, tạo sự kết nối giữa khách hàng và đội ngũ kinh doanh, giúp người tiêu dùng có thể đầu tư hoặc có thể tham gia đội ngũ kinh doanh của công ty tôi.

Họ đang áp dụng mô hình Marketing đa tầng, hay Marketing theo mạng lưới (MLM – Multi-Level-Marketing) vào hoạt động kinh doanh – tôi sẽ trình bày khái niệm này ở bài khác để bạn đọc không hiểu lầm tôi đang làm cho một công ty đa cấp.

II. Vậy marketer làm được gì cho trái tim ấy? 

Thành công của một người làm marketing là xác lập được sự gắn kết với người tiêu dùng có nghĩa là bạn phải đi đến chỗ họ sống, giải thích tại sao họ nên mua sản phẩm mà họ chuẩn bị mua, của nhãn hàng của bạn mà không phải của đối thủ. Điều này áp dụng cho tất cả các marketers làm ở tất cả các lĩnh vực trong tất cả thị trường, ở tất cả phân khúc và bằng tất cả ngôn ngữ.

Thương hiệu giống như một mối quan hệ. Marketing đang thiết lập mối quan hệ đó, và đảm bảo người tiêu dùng hạnh phúc với thương hiệu mà họ chọn.

Marketing giúp xác định bạn là ai, bạn làm gì, tại sao bạn làm điều đó, và bạn làm nó cho ai

Việc thấu hiểu phân khúc khách hàng của bạn và hiểu rõ khách hàng của bạn làm gì và những điều gì lôi cuốn họ, bạn sẽ gửi thông điệp cần gửi. Khách hàng sẽ tiếp cận bằng sự chủ động và tích cực. Và cuộc hôn nhân của nhãn hàng và người tiêu dùng sẽ mỹ mãn.

Đâu đó ngoài kia trong thế giới của marketing, vẫn còn nhiều người giả vờ như họ là những anh hùng Marvel. Chính những câu nói của họ làm hạ chuẩn mực của những marketers chân chính, đại loại như “Bạn không phải là người làm marketing, cho nên bạn không thể hiểu được”, hay “Dự án này sẽ tốn nhiều tiền, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ” hay “Tôi tin chiến dịch này sẽ hiệu quả, bạn không thể đánh giá hiệu quả của nó ngay đâu”. Thời đại đó đã qua rồi, làm marketing nếu không mang về doanh số thì làm marketing sẽ vô nghĩa.

Sự thật Marketing không phải là điều gì huyền bí. Nó thực sự là một môn kinh doanh quy củ, và nó phải được thực hiện dựa theo những công thức kinh doanh nghiêm túc.

Nếu Marketer không nhận ra điều đó và nếu họ không chịu thay đổi không chỉ là ở nhận thức mà cả thực tế những gì họ đang làm, thì sau này họ không chỉ bị đào thải khỏi công việc, mà cả công ty họ đang làm việc cũng sẽ thất bại. Và điều đó hẳn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành Marketing trong thị trường.

Tôi yêu Marketing, và hy vọng các bạn cũng vậy. Đừng để chúng ta rơi vào chiếc bẫy của Marketing. Đừng bị lúng túng bởi vẻ hào nhoáng, những giải thưởng, những buổi diễn thuyết, hay là những chuyến du lịch sang trọng. Hãy nhớ làm Marketing là làm tốt công việc bán hàng, và đừng cố gắng che giấu sự thất bại bằng cách dán nhãn “Marketing là phép màu”.

Ngày nay, tại hầu hết công ty, Marketing đang không hiệu quả và do đó bị coi là một hoạt động không cần thiết. Nhiều người sẽ bất đồng quan điểm, nhưng thực tế khi nào ngân sách bị siết chặt, Marketing là một trong những hạng mục đầu tiên bị cắt đi. Với niềm tin và tình yêu, tôi tin rằng Marketing là một môn khoa học và chi tiền cho Marketing là một sự đầu tư và sẽ mang về lợi nhuận. 

Đọc thêm: 7 ‘Khẩu Quyết’ Giúp Tân Binh Giữ Lửa Với Nghề Marketing

—————

Tác giả

Kiệt Nguyễn – Marketer, Trainer and Writer

EXPERTS@AIM là chuyên mục do AIM Academy phối hợp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực Marketing Communication để mang đến cho bạn đọc nguồn thông tin đáng tin cậy cũng như những góc nhìn thú vị của người trong ngành.

Hãy đón xem EXPERTS@AIM hằng tuần nhé!

Nếu bạn cũng yêu Marketing và muốn được trau dồi kiến thức bài bản nhưng không xa rời câu chuyện kinh doanh, hãy ghé thăm khóa học HANDS-ON MARKETING tại AIM nhé!

Điền form đăng ký ngay để AIM tư vấn chi tiết hơn cho bạn!