Lộ Trình Tự Học Content Marketing (Phần 1)

Là một marketer hành nghề ở vị trí Content, mình biết thứ bạn muốn tìm kiếm - Đó là một lộ trình tự học content marketing dành cho người mới. Vậy thì, đây chính là bài viết dành riêng cho bạn! Cùng mình - một content marketer “tự thân” - tìm hiểu và phát triển một lộ trình tự học content dành riêng cho bạn nào!
Creative Communication

Nội dung bài viết

Là một marketer hành nghề ở vị trí Content, mình biết thứ bạn muốn tìm kiếm – Đó là một lộ trình tự học content marketing dành cho người mới. Vậy thì, đây chính là bài viết dành riêng cho bạn!

Cùng mình – một content marketer “tự thân” – tìm hiểu và phát triển một lộ trình tự học content dành riêng cho bạn nào!

I. Tổng quan về Content Marketing

Nhắc lại bài cũ: Content Marketing (hay tiếp thị nội dung) là một cách tiếp thị tập trung vào việc tạo dựng và phân phối nội dung có giá trị, phù hợp và đồng nhất đến với khách hàng. 

Hay nói đơn giản, content marketing là thu hút khách hàng bằng “nội dung”. Và “nội dung” ở đây không chỉ là các bài viết thông thường, mà còn bao gồm hình ảnh, kịch bản video, email,… Ở đâu có nội dung, ở đó có mặt content marketer.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nội dung đa kênh, 1 content marketer như mình còn đảm nhận nhiều đầu việc khác nhau trong phòng ban Marketing của công ty, chẳng hạn:

  • Chịu trách nhiệm quản lý các trang mạng xã hội của công ty (Facebook, Instagram, TikTok,…) 
  • Xây dựng và quản lý nội dung và hình ảnh trên các trang mạng xã hội.
  • Phối hợp cùng đội ngũ Marketing để hoạch định chiến lược nội dung cụ thể cho các kênh social. 
  • Đảm nhiệm vai trò sản xuất nội dung truyền thông như: ý tưởng, bài viết, hình ảnh, video,…
  • Viết bài PR cho sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu.
  • Xây dựng kế hoạch nội dung của các kênh truyền thông của công ty (WebsiteEmail, PR, seeding,…)
  • Thực hiện các công việc liên quan đến nội dung theo sự chỉ đạo của Trưởng Bộ phận Marketing hoặc Ban lãnh đạo.

Sau một thời gian tự học và “hành nghề”, mình nhận thấy, làm content không dễ như mình đã tưởng tượng.

Tuy nhiên, nó không khó đến mức bắt buộc phải có một chiếc bằng cấp hay giấy chứng nhận đặc thù như một số ngành nghề khác. Cả mình và bạn, tất cả đều có thể tự học content marketing, và trở thành một marketer “lành nghề”.

Và điều bạn cần hiện tại là một lộ trình học tập vững chắc – điều mình sẽ tiết lộ ngay sau đây.

II. Lộ trình tự học Content Marketing

Giai đoạn 1: Tổng quan về kiến thức

Thực ra, có rất nhiều bạn trẻ đã lầm tưởng về content marketing ngay từ đầu, cho rằng đó “chỉ là” một bài văn hay tương tự như một tác phẩm văn chương mà người viết có thể tự do “phóng bút”, thể hiện cái tôi hay cá tính,… Cho đến khi bắt đầu hành nghề thì bị nghề “hành” tối tăm mặt mũi, viết cả đống nhưng không ai xem, không ai “xài”.

Đính chính lại: bạn đang dấn thân vào “content marketing”, tức là chữ “marketing” đi kèm theo “content” – cũng chính là mục tiêu hàng đầu, đồng thời là giới hạn của nội dung bạn đang hướng đến.

Chính vì phục vụ cho marketing, “ngòi bút” của bạn phải “chuyển hướng” – không còn việc tự do thể hiện cái tôi như một trang nhật ký hay blog cá nhân, mà lấy khách hàng làm trọng tâm và cung cấp nội dung họ “muốn”.

Hay nói cách khác, ngay tại thời điểm bạn tiếp cận content marketing, đồng nghĩa với việc nội dung sắp tới của bạn KHÔNG còn “thỏa mãn cái tôi” của bạn, mà phải “thỏa mãn khách hàng”, bất kể việc bạn “sáng tạo”, “sâu sắc” như thế nào…

Nghe có vẻ bí bức, khó chịu phải không? Thế nhưng, công tâm mà nói, “kỷ luật chính là tự do” – việc “marketing” giới hạn về nội dung cũng chính là mang đến tính thực tiễn, định hướng cụ thể, rõ ràng cho bài viết của bạn.

Thô nhưng thật: Không khách hàng nào muốn tiếp cận những nội dung không mang đến bất kỳ lợi ích hay thông tin, kiến thức hữu ích nào cho họ! Dưới đây là một số loại hình content marketing phổ biến hiện nay bạn có bắt đầu học tập, tìm hiểu

Cùng bắt đầu học tập và tìm hiểu một số loại hình content marketing phổ biến hiện nay
  • Social Media

Bao gồm các việc như thiết kế ảnh, viết nội dung fanpage như bài bán hàng, bài uy tín, bài feedback…

  • Blog

Trên các bài Blog, doanh nghiệp có thể đóng vai là một chuyên gia, cung cấp các thông tin và kiến thức liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ thông qua việc cung cấp, đề cập đến lợi ích cam kết mang lại, những trải nghiệm tích cực mà khách hàng sẽ được trải nghiệm,…

  • Email

Thông qua email, giữa doanh nghiệp và khách hàng mục tiêu sẽ tương tác chủ động và trực tiếp với nhau. Đây cũng là một trong những cách nhanh nhất để bạn có thể quảng cáo về sản phẩm mới, thông báo các chương trình khuyến mãi, hay nhắc nhở khách hàng về quá trình mua hàng mà họ chưa hoàn thành.

  • Video

Mặc dù có thể tốn kém hơn về mặt chi phí sản xuất cũng như công sức của đội ngũ sáng tạo nội dung, hình thức xây dựng content marketing dưới định dạng video có thể nói là đang dẫn đầu trong thị hiếu người dùng Việt Nam. Nhiều bạn trẻ ngày càng hứng thú với việc xem video hơn các văn bản bằng chữ, vì nó có thể kết hợp cả 2 yếu tố âm thanh và hình ảnh.

  • Infographics

Loại hình content marketing này đặc biệt phù hợp với nội dung chứa nhiều số liệu. Việc minh hoạ thông tin và số liệu trên infographics giúp cho việc xử lý và tiêu hoá thông tin của người đọc dễ dàng hơn. 

  • Cùng một số loại hình khác như E-books, podcast,…

Như bạn có thể thấy, nội dung hiện hữu ở khắp nơi, trên mọi nền tảng từ truyền thống đến hiện đại, thế nhưng, chúng sẽ khác nhau về hình thức, đối tượng tiếp nhận cũng như cách thức truyền tải đến những đối tượng ấy. Sẽ không có việc một nội dung có thể “xài” ở mọi nền tảng – tương tự như việc đi du lịch vòng quanh thế giới nhưng chỉ mang…một cái áo!

Vậy nên, bước đầu tiên nhất mà các content marketer cần làm, đó là “nhìn” tổng quan và tìm hiểu sơ bộ các loại hình content marketing đang hiện hữu, nhằm hình dung “sơ bộ” về nội dung, nguyên tắc, cách viết, mood&tone,…cho từng loại hình. 

Tương tự với việc tự học content marketing, chúng ta sẽ “choáng ngợp” trước khối lượng thông tin, kiến thức khổng lồ, tương ứng với sự đa dạng nội dung đang hiện hữu. Chính vì thế, ưu tiên hàng đầu chính là xác định “thứ” bản thân muốn học.

Trước khi bắt đầu tự học về content marketing, bạn cần trả lời được câu hỏi sau: “Bạn thích/muốn học về loại hình content marketing nào?”

Và để có thể trả lời câu hỏi ấy, hãy tìm hiểu “đủ” nhiều về content marketing đã nhé!

Giai đoạn 2: Định hướng 

Ở giai đoạn này, các newbie content marketer sẽ phải định hướng học tập cho bản thân về nội dung theo đuổi trong tương lai gần. Đây cũng là giai đoạn thường xuyên bị các bạn newbie “đốt cháy”, dẫn đến hậu quả là sự nản chí, thất vọng ngay trước khi bắt đầu học tập.

Nhiều người thường bảo rằng, hành trình tự học cần những động lực to lớn, cao cả để bản thân có thể “cam kết” đi đến cuối cùng. Tuy nhiên, mình nghĩ, yếu tố chủ yếu “giữ chân” chúng ta trên hành trình ấy không phải là “động lực”, mà là “định hướng”: định hướng về nội dung học tập, cách thức học, thời gian,… 

Định hướng bằng cách nào? Tương tự như Harry Potter chọn “Nhà” khi nhập học ở Hogwarts, trước khi học, phải chọn “thứ” để học!

Đến giai đoạn này, sở thích của bạn cần được “hòa nhập” vào những thể loại nội dung mới (so với những bài “sáng tác” tự do như trước) – tức là chọn ra một loại hình content bạn yêu thích trong vô số loại hình content marketing bạn đã bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu. 

Trên thực tế, các doanh nghiệp đều mong muốn “sở hữu” một content marketer giỏi có thể “chinh chiến” trên mọi loại mặt trận, “làm chủ” tất tần tật các thể loại nội dung. Sẽ không sai nếu như bạn muốn học “tất” để “biết tuốt”.

Tuy nhiên, muốn “đa năng”, trước hết phải có “kỹ năng” – đòi hỏi quá trình lựa chọn và học tập để trở nên thành thạo một số ít loại hình nhất định.

Tất nhiên, mình luôn khuyến khích sự “đa năng” và mong muốn trở thành một content marketer “đa năng”, nhưng đó lại là câu chuyện của “tương lai” – khi bản thân đã đủ “thành thạo” ở bất kỳ loại hình nào.

Chính vì độ phức tạp riêng biệt ở mỗi loại hình, nên trước khi trở nên “đa năng”, chúng ta vẫn nên trau dồi kiến thức và “phát triển” bản thân ở một số loại hình cụ thể – đây cũng là nền tảng đầu tiên xây dựng sự tự tin của một content marketer, đồng thời có khả năng “triệt hạ” sự “cả thèm chóng chán” trong chúng ta ngay trước khi nó kịp nhen nhóm.

Bạn có tin không, làm content vẫn cần lợi thế “sân nhà” đấy! Vậy nên, không học “bừa” được đâu…!

Giai đoạn 3: Học tập

Bạn có thể chuẩn bị tài liệu tự học từ nhiều nguồn khác nhau

Sau sự lựa chọn sẽ là sự học – để trở nên thành thạo. 

“Tự học”, đồng nghĩa với việc chúng ta phải “tự” tìm kiếm nguồn tài liệu về kiến thức, giáo án cho riêng mình.

Việc tra cứu sẽ rất dễ dàng, dĩ nhiên, nhưng quá trình sàng lọc trước khi tiếp thu kiến thức mới là vấn đề nan giải, vậy nên, trước khi bắt tay vào “học tập”, chúng ta cần đầu tư một chút thời gian, công sức vào việc “chuẩn bị tài liệu” từ nhiều nguồn khác nhau, cụ thể:

  • Từ những người thầy trên mạng xã hội: đó là những người dạy Content (hoặc dạy đúng chủ đề mà chúng ta muốn học) – những bài viết họ chia sẻ trên facebook, hoặc video hướng dẫn nếu họ có kênh youtube riêng.
  • Từ những người giỏi, có chất riêng và tầm ảnh hưởng nhất định trong ngành: những bài viết của họ lúc nào cũng thú vị, đặc sắc. Ví dụ như anh Hiếu orion, thầy Bát Nhã, anh Trần Thịnh Lâm… Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ họ (cách nhìn nhận vấn đề, góc độ quan sát, cách triển khai & xây dựng bài viết,…)
  • Từ những trang web: muốn học về viết blog, chắc chắn bạn cần chăm chỉ “dạo” quanh các website – “chốn” đặc thù của những bài viết dạng blog. Ngoài những kiến thức về blog (đặt tiêu đề, bố cục bài,…), bạn có thể học thêm kiến thức từ ngành nghề khác thông qua nội dung của blog ấy.
  • Từ sách: đây là một nguồn rất cần thiết và uy tín nhưng thường bị “ngó lơ” vì sự “ngại” đọc sách. Sách cung cấp nguồn kiến thức nền tảng hữu dụng, đã được tinh lọc và “kiểm duyệt” bởi những chuyên gia trong “ngành”, nên có thể nói, đọc hết 20-30 cuốn sách về Content là cũng thành tài 1/2 rồi đó!
  • Ngoài ra, bạn có thể tiếp cận kiến thức thông qua các nguồn khác như ebook, podcast,…

Một điều cần lưu ý khác trong quá trình học là, khi đề cập đến “content marketing”, chúng ta thường biết đến nó như một “phạm trù” kiến thức “không xác định” – tức là sẽ không có bất cứ tài liệu, kiến thức nào “hoàn toàn” đúng hay sai; sẽ không có công thức nào “chuẩn chỉnh” áp dụng cho tất cả content marketer trên đời…

Những kiến thức chúng ta có thể tiếp thu từ những nguồn “chung” chỉ là những kiến thức “chuyên ngành”, những kiến thức liên quan đến kỹ thuật, “mẹo vặt”; ngoài ra, việc định hình, phát triển “ngòi bút” phụ thuộc nhiều vào cá nhân mỗi người và đòi hỏi quá trình lâu dài. 

Vậy nên, đừng quá lo lắng về việc học “không đủ” ở thời điểm hiện tại, vì sự học là suốt đời.

Đọc thêm: 05 Loại Cảm Xúc Khiến Content Marketing Trở Nên Hấp Dẫn

Giai đoạn 4: Thực hành

Thành thực mà nói, đối với content marketing, chúng ta thường “lồng ghép” thực hành vào ngay trong giai đoạn 3 – tức là luyện tay nghề ngay trong quá trình học. Tuy nhiên, lý do mình tách “thực hành” sang giai đoạn 4, vì mình muốn bạn phân biệt rõ ràng về khái niệm “thực hành” tại giai đoạn “đặc biệt” này.

Cụ thể, “thực hành” ở giai đoạn 4 sẽ không là “làm bài tập”, luyện viết tự do cá nhân (dù tự luyện viết có thể được xem là “thực hành”). Ở giai đoạn này, “thực hành” đồng nghĩa với “thực chiến” – tức là chúng ta sẽ “công khai” “ngòi bút” của bản thân với thế giới, và bắt đầu kiếm tiền bằng “ngòi bút” của mình.

Có 2 định hướng phổ biến của một content marketer tại giai đoạn này:

1. Freelance

​Như một thợ săn, bạn sẽ bắt đầu “lùng sục” khách hàng từ khắp các nền tảng: các website tuyển dụng, các hội nhóm, cộng đồng,… Ưu thế của một freelance content marketer là dễ dàng định hướng “ngòi bút” đến sự đa năng, đa chủ chề; kèm theo sự “tự do” trong việc lựa chọn “khách hàng” cũng như chủ đề bản thân “thuận tay”.

Tuy nhiên điều đó cũng sẽ là hạn chế nếu bạn không “cập nhật” tay nghề của mình thường xuyên (mở rộng chủ đề, thể loại,…)

2. In-house/Agency

​Thay vì trở thành một “kẻ du mục” và hành nghề trong đơn độc, phương án “an toàn” hơn là tìm cho bản thân một “bến đỗ”. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng vị trí content writer (hay copywriter đối với các agency) nhằm xây dựng đội ngũ phát triển thương hiệu của công ty trên các nền tảng kỹ thuật số.

Ngoài ưu thế “an toàn” về chế độ lương bổng, bạn sẽ được “đào tạo” bài bản, chuyên sâu về kỹ năng, có lộ trình thăng tiến và hành nghề trong quy trình vận hành khép kín giữa các phòng ban, đội nhóm trong công ty.

Và tất nhiên, “ngòi bút” của bạn sẽ thuộc sở hữu của công ty – điều đó sẽ giới hạn chủ đề, thể loại,…của nội dung.

Bạn muốn tìm một “bến đỗ”, hay trở thành một “kẻ du mục”?

Lưu ý: điểm chung giữa những định hướng chính là phụ thuộc vào việc bạn “công khai” khả năng của bản thân.

Hay nói cách khác, bạn cần sự đánh giá và công nhận từ người khác – “đánh giá” để sửa chữa những lỗi sai, thiếu sót; và “công nhận” để có tiền đề nâng tầm giá trị của “ngòi bút”.

Suy cho cùng, đã là một “tay viết”, ai cũng cần “khán giả”. “Khán giả” chính là nguồn động lực “ngầm” nâng cao chất lượng nội dung của một content marketer.

Khán giả chính là nguồn động lực “ngầm” nâng cao chất lượng nội dung của một content marketer
Làm content, muốn giỏi phải có “khán giả”!

III. Rèn luyện kỹ năng làm Content Marketing

Càng về lâu dài, content marketing càng không chỉ đơn thuần là “viết”, sáng tạo nội dung. Trong quá trình hành nghề, để những con chữ có thể thuyết phục khách hàng, đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng khác bổ trợ vào kỹ năng viết lách, sáng tạo để có thể phát huy tối đa hiệu quả truyền đạt.

Dưới đây là một số kỹ năng người hành nghề content cần rèn luyện:

1. Kể chuyện (Storytelling)

Storytelling là một phương thức phổ biến để tạo dựng, phát triển thương hiệu một cách thông minh, gần gũi với khách hàng thông qua câu chuyện, nhận xét cũng như phản hồi từ câu chuyện đó.

Tuy nhiên, những câu chuyện muốn được “lắng nghe”, phải khởi nguồn từ sự thấu hiểu sâu sắc cảm xúc, suy nghĩ của khách hàng; và được thể hiện một cách chân thực, gần gũi

Để nội dung truyền tải đạt được những tiêu chí đó, người viết cần tạo dựng cốt truyện và nhân vật hấp dẫn, thuyết phục. Cách tốt nhất chính là góp nhặt, hệ thống hóa những suy nghĩ nhằm tạo nên một cốt truyện câu chuyện hoàn chỉnh. Ngoài ra, dàn bài (outline) của bạn phải trả lời được những câu hỏi:

  • Bạn muốn kể câu chuyện gì? Cho ai nghe?
  • Bạn muốn kể về ai?
  • Bạn muốn kể câu chuyện đó để làm gì?

Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhất quán góc nhìn của mình bằng cách liên tục trả lời những câu hỏi có tính liên quan. Ví dụ như: Thông điệp nào bạn mong muốn truyền tải đến khách hàng? Liệu bạn đã có đủ “chất liệu” để tạo nên câu chuyện thật sự hiệu quả hay không?

Một lưu ý cuối cùng, bạn cần có sự kết hợp giữa hình thức và nội dung để câu chuyện không rơi vào sự nhàm chán.

2. Sử dụng voice (giọng văn) linh hoạt

Do phải tiếp cận đến đa dạng thể loại nội dung, chủ đề khác nhau, đòi hỏi các content marketer cần “linh hoạt” về voice (giọng văn) giữa các chủ đề.

Bạn không thể sử dụng giọng điệu hài hước, vui nhộn cho một văn bản dịch vụ cần sự hòa nhã, trang trọng. Hay một bài blog chia sẻ kiến thức đòi hỏi sự đầu tư lớn về kiến thức chuyên môn thì sử dụng một voice “bình dân” là nước đi không mấy “khôn ngoan”…

Vì thế, content marketer là người biết biến hóa giọng văn của mình để phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng, thể loại, nội dung cụ thể.

Để làm được điều đó, bạn cần nắm rõ tâm lý của đối tượng mà bạn đang hướng. Mặt khác, việc biến hóa giọng văn đa dạng là điều cần thiết trong ngành content, thế nhưng bạn cũng cần giữ được “chất” riêng của mình.

3. Nhận dạng và sử dụng từ ngữ

Có thể nói, quá trình một bài content hình thành là quá trình “làm tình” cùng con chữ.

Lý do mình so sánh như thế bắt nguồn từ việc sử dụng từ, và tình trạng lặp từ ở những bài content – một trong những nguyên nhân gây khó chịu cho người đọc, tương tự như việc “làm tình” chỉ với một tư thế vậy…

Một bài content có tính thuyết phục phải có khả năng đưa độc giả, khán giả đến với sự thăng hoa về cảm xúc, và từ ngữ chính là phương tiện để thực hiện điều đó.

Bạn không thể gia tăng “khoái cảm” của độc giả, khán giả và đưa họ “lên đỉnh” chỉ với những câu từ nghèo nàn, lặp đi lặp lại.

Để có kỹ năng nhận dạng và sử dụng từ ngữ, bạn cần dành nhiều thời gian tìm hiểu cũng như vận dụng kỹ năng thường xuyên. Đọc nhiều tài liệu để học hỏi cách sử dụng từ ngữ của các tác giả khác, đồng thời bổ sung thêm vốn từ. Hơn nữa, bạn cũng cần phải viết bài thường xuyên để việc sử dụng từ ngữ của bạn trở nên linh hoạt.

Đấy là chưa kể đến việc bạn phải dùng “đúng” từ chuyên ngành nữa đấy!

4. Nghiên cứu, khai thác thông tin

Kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với những freelance content writer, và cần thiết với tất cả những ai làm việc với nội dung như mình và bạn. Để viết content thú vị về bất cứ lĩnh vực nào, hiểu rõ về lĩnh vực ấy hiển nhiên chính là điều bắt buộc. Việc không tìm hiểu kỹ lưỡng sẽ làm cho bài viết của bạn trở nên sáo rỗng hay thậm chí là đưa ra những thông tin sai lệch. Nội dung vì thế sẽ không đón nhận được sự hưởng ứng tích cực của người đọc.

Vì thế, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt đầu “viết”. Bạn có thể dựa vào một số gợi ý sau đây để có thể cải thiện kỹ năng này: 

  • Nghiên cứu sản phẩm: Công năng, hiệu suất, mức độ uy tín,… của sản phẩm. Bài viết có thể đề cập tới một vài đặc điểm của sản phẩm (thông số, kích thước, màu sắc,…).
  • Nghiên cứu thương hiệu: Giá trị cốt lõi, điểm mạnh của thương hiệu,… để tạo dựng niềm tin của khách hàng.
  • Nghiên cứu khách hàng: Bạn cần biết đối tượng mà mình muốn hướng tới là ai, thị hiếu của họ như thế nào. Từ những thông tin đó, bạn sẽ sáng tạo content đáp ứng nhu cầu của họ.
  • Nghiên cứu đối thủ: Học hỏi những điểm mạnh và rút kinh nghiệm những hạn chế của đối thủ chính là một trong những cách phát triển năng lực, trình độ tốt nhất.

Trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, một content marketer phải “bổ sung” vào đấy sự sàng lọc thông tin.

Hiện nay có rất nhiều kênh để cho bạn tìm kiếm, tra cứu thông tin. Tuy nhiên, những thông tin đó có thể chưa thực sự đúng đắn, nên luôn cần sự sàng lọc. Ngoài ra, các thông tin trong bài viết phải được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tạo nên tính logic, mạch lạc. 

5. Có đôi mắt tinh tế, nhạy bén

Dân sáng tạo thường kháo nhau rằng: “Cảm hứng/ Ý tưởng đến từ khắp mọi nơi!”. Tuy nhiên, để không “bỏ lỡ” những khoảnh khắc cảm hứng “cập bến”, đòi hỏi ở người sáng tạo phải có “đôi mắt” khác biệt so với người thường. Đặc biệt, trong lĩnh vực content, người có con mắt tinh tế, nhạy bén luôn là những người sở hữu lợi thế nhất định.

Khi bạn thể hiện được cái mới mẻ, độc đáo trong bài viết, bạn sẽ thu hút được lượng lớn người quan tâm cũng như kích thích khả năng tiêu dùng của khách hàng. 

Để thể hiện được kỹ năng này, bạn cần chủ động tiếp cận, liên tục cập nhập thông tin. Bên cạnh đó, thông tin bạn thu thập được phải được đánh giá tổng quan, sắp xếp một cách hợp lý để tạo ra hiệu quả thẩm mỹ cao.

6. Tư duy sáng tạo không ngừng

Tư duy sáng tạo là yếu tố không thể thiếu đối với người làm content. Nếu thiếu khả năng tạo ra những giá trị mới mẻ, mang tính đột phá, bạn sẽ không thể đáp ứng được thị hiếu của khách hàng và đem tới những bài viết thu hút, có tính tương tác cao.

Ngoài ra, sự sáng tạo cũng giúp cho content của bạn gây ấn tượng mạnh đối với khách hàng, tạo nên khác biệt giữa bạn với những đối thủ cạnh tranh. Nếu thiếu, bài viết của bạn sẽ nhạt nhòa, không có sự hấp dẫn. Dưới đây sẽ là một vài gợi ý có thể khơi gợi sự sáng tạo trong bạn:

  • Tiêu đề gây tò mò, tạo ấn tượng mạnh.
  • Có những hình ảnh minh họa độc đáo, mới mẻ.
  • Tạo dựng video chất lượng, hấp dẫn.

7. Hình dung

Có một thực tế khá phũ phàng đối với dân viết như mình và bạn, đó là: bản chất tự nhiên của con người là ưa thích hình ảnh, hình khối hơn chữ viết. 

Do vậy, để thu hút được khách hàng, nhiệm vụ của bạn không chỉ là truyền tải thông điệp dưới dạng chữ viết mà còn cần có khả năng “hình ảnh hóa” nội dung. Sản phẩm của bạn cần được thiết kế một cách ấn tượng, bắt mắt nhưng vẫn phải truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu, ngắn gọn, thuyết phục.

Hay nói cách khác, bạn sẽ “thôi miên” khách hàng, khiến họ cùng “hình dung” đến những hình ảnh trong đầu bạn thông qua ngôn từ.

8. Tối ưu hóa SEO

Rèn luyện kỹ năng làm Content Marketing bằng công cụ tối ưu SEO

SEO (Search Engine Optimization) có nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Đây là cách giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, thứ hạng và khả năng hiển thị website khi người dùng tìm kiếm với các từ khóa liên quan. Tối ưu các yếu tố SEO sẽ khiến bài viết tiếp cận được nhiều khách hàng nhất có thể. Bạn có thể tối ưu các yếu tố SEO theo gợi ý sau đây: 

  • Đặt tiêu đề thu hút Google và người xem là cách giúp bạn gia tăng lượt truy cập website.
  • Viết mô tả meta ngắn gọn, rõ ý và lôi cuốn giúp bạn mô tả hiệu quả trang web với người xem và thu hút sự quan tâm của họ.
  • Chèn từ khóa tự nhiên và có chiến lược: Google sẽ đẩy kết quả tìm kiếm ở mức thấp nếu bạn chỉ chăm chăm lặp lại từ khoá. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng những từ đồng nghĩa, việc này cũng giúp content marketing của bạn trở nên hấp dẫn, thu hút người đọc.

9. Nắm bắt xu hướng và công nghệ

Việc nắm bắt xu hướng và áp dụng công nghệ vào Marketing có thể gia tăng đáng kể hiệu quả của các chiến dịch truyền thông. Bởi vậy, sử dụng thành thạo các công cụ Marketing online đã và đang trở thành một kỹ năng bắt buộc đối với bất cứ nhân viên content nào. Dưới đây là một vài website có thể giúp ích cho bài viết content marketing

  • Công cụ thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh: Canva, Fotor,…
  • Phần mềm kiểm tra đạo văn: copyscape, spineditor, smallseotools,…
  • Trang web lấy ảnh đẹp: freepik, unsplash, smartmockups,…

10. Kỹ năng quản lý, lập kế hoạch

Content marketer thường phải đương đầu một khối lượng công việc lớn. Do vậy, để tăng hiệu suất công việc, bạn cần có cách làm việc khoa học và hợp lý để phát huy tối đa sự sáng tạo. Cụ thể, bạn cần: 

  • Lập danh sách việc cần làm theo ngày, tuần và tháng. Đồng thời, bạn nên học cách nhận biết và sắp xếp những công việc ưu tiên.
  • Thiết lập timeline, đặt thời hạn cho những đầu việc, từ đó chọn lọc và ưu tiên những đầu việc “gấp”
  • Tránh xa các thiết bị điện tử nếu công việc của bạn không cần đến, hoặc ngồi làm việc trong không gian yên tĩnh,…

11. Học hỏi và cộng tác

Khả năng học hỏi và cộng tác là những kỹ năng không thể thiếu trong mọi lĩnh vực nói chung, và công việc content marketing nói riêng. Bạn làm việc trong một tập thể, cùng hướng tới lợi ích chung là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nên sự cộng tác là điều bắt buộc. Kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc sẽ được thu thập, học hỏi và đúc kết từ bản thân cũng như từ cộng đồng, môi trường tập thể.

Lộ trình tự học content marketing (phần 2) bài viết chia sẻ kinh nghiệm làm content marketing và tips hữu ích để bạn có thể biết cách nâng trình kỹ năng của bản thân. Tiếp tục đọc luôn!

Điền form đăng ký về khoá CONTENT MARKETING ngay để AIM tư vấn phù hợp theo mục đích của bạn.