Marketing du kích là gì? Marketing du kích là phương thức tiếp thị sử dụng những chiến thuật sáng tạo và độc đáo nhằm mang lại hiệu quả với chi phí thấp. Nếu như thuật ngữ “đánh du kích” trong chiến tranh nói đến yếu tố bất ngờ, thì marketing du kích cũng phần nào như vậy.
I. Lịch sử khái niệm marketing du kích
Thuật ngữ marketing du kích hay guerrilla marketing xuất hiện lần đầu trong cuốn sách cùng tên của Jay Conrad Levinson xuất bản năm 1984. Thuật ngữ này được lấy cảm hứng từ chiến tranh du kích – sử dụng các chiến thuật nhỏ như phục kích, đột kích, có yếu tố bất ngờ và được tiến hành bởi dân thường có vũ trang.
Marketing du kích cũng mang nhiều đặc điểm tương tự. Tiếp thị du kích vận dụng những chiến lược độc đáo, sáng tạo, làm cho người tiêu dùng ngạc nhiên, để lại ấn tượng không thể xóa nhòa. Và trong thời đại digital này, nó phải tạo được sự viral trên mạng xã hội. So với các phương pháp tiếp thị truyền thống như truyền hình, báo đài, in ấn, marketing du kích mới mẻ hơn và tiết kiệm được nhiều ngân sách hơn, có thể được áp dụng bởi các doanh nghiệp nhỏ với số tiền khiêm tốn.
II. Một số chiến thuật marketing du kích thường gặp
1. Outdoor Guerrilla Marketing
Outdoor Guerrilla Marketing sử dụng những artwork ngoài đường phố như tranh vẽ, tượng…
Graffiti: Loại hình vẽ chữ nghệ thuật đường phố này chưa bao giờ hết truyền cảm hứng cho người xem. Ở Somali, bạn sẽ choáng ngợp khi các banner, biển hiệu cửa hàng đều được thay thế bằng những hình vẽ Graffiti vui nhộn nhiều màu sắc.
Stencil Graffiti: Đây là graffiti sử dụng khuôn tô. Khi bạn tô màu lên khuôn có sẵn, màu sẽ tự tạo thành hình vẽ như mong muốn. Nếu bạn muốn vẽ cùng một hình ở nhiều nơi, nhiều bề mặt khác nhau thì sử dụng khuôn là một cách tiện lợi.
Reverse Graffiti: Trái ngược với loại trên, Reverse Graffiti lại “loại bỏ” một lớp sơn, một lớp bụi để tạo thành hình vẽ.
Stickers: Những miếng dán màu sắc ở khắp nơi cũng là một cách lan tỏa thương hiệu “nhẹ nhàng”.
2. Indoor Guerilla Marketing
Tương tự như loại trên nhưng chỉ khác địa điểm là ở trong nhà như các ga tàu, cửa hàng, tòa nhà hay khuôn viên trường học…
3. Event Guerilla Marketing
Event Guerilla Marketing là chiến lược tổ chức các sự kiện gây chú ý như một buổi hòa nhạc, buổi thi đấu thể thao…
- Flash Mobs: Nhảy cộng đồng với khả năng gây sự chú ý cực cao đã được áp dụng trong nhiều chiến dịch, từ dịp lễ, dịp đặc biệt, khai trương hay giới thiệu sản phẩm mới. Đội ngũ nhảy có thể là dancer được thuê hay là chỉ là các tình nguyện viên yêu thích việc nhảy.
- Publicity Stunts: Những pha mạo hiểm – chiến thuật khai thác rõ nhất yếu tố giật gân, bất ngờ. Năm 2012, trong dự án Red Bull Stratos, vận động viên người Áo Felix Baumgartner đã nhảy dù từ độ cao của tầng bình lưu 128.000 feet (hơn 39km). Dự án còn lập nhiều kỉ lục thế giới khác, được xem trực tiếp trên YouTube bởi 9.5 triệu người dùng.
4. Experiential Guerilla Marketing
Loại này tập trung vào trải nghiệm và tương tác của người dùng.
- Undercover Marketing: Còn gọi là “marketing trà trộn”. Một ví dụ cho dễ hiểu. Trong một chiến dịch của Sony năm 2002, các diễn viên được thuê đã đi lang thang trong thành phố, nhờ những người lạ qua đường chụp ảnh họ. Khi tương tác như vậy, họ sẽ ngầm “khoe” được chiếc điện thoại Sony chụp hình tuyệt như thế nào.
- Treasure Hunts: Tiếng Việt nghĩa là truy tìm kho báu. Bạn tạo ra một trò chơi truy tìm giả lập cho khán giả, khiến họ hào hứng và thích thú. Người chiến thắng sẽ giành được một giải thưởng, một phần quà hấp dẫn nào đó.
5. Digital Guerilla Marketing
Sự phát triển của digital làm phát sinh nhiều hình thức “du kích online” như viral video, user generated content
Bạn có thể đọc thêm bài viết marketing trên TikTok để hiểu thêm về loại nội dung do người dùng tự tạo.
Với những ý nghĩ táo bạo, marketing du kích còn vô vàn những “biến thể” khác. Khám phá thêm ở phần sau của bài viết.
Cũng như những phương thức khác, marketing du kích có những điểm mạnh và điểm yếu riêng mà bạn cần cân nhắc.
Ưu điểm
- Chi phí thấp: Dù bạn dùng graffiti hay flash mobs thì giá tiền vẫn rẻ hơn khá nhiều so với các loại quảng cáo truyền thống khác.
- Mảnh đất của tư duy sáng tạo: Marketing du kích không “bạo vì tiền” mà “bạo vì ý tưởng”.
- Tăng cường truyền miệng: Các chiến thuật marketing du kích tạo ra hiệu ứng word-of-mouth rất xuất sắc. Không gì tốt hơn là để mọi người nói về chiến dịch của bạn theo cách riêng của họ.
- Ảnh hưởng đến báo chí: Một số chiến dịch gây tiếng vang rất có thể sẽ xuất hiện trên báo chí mà bạn không cần mất tiền PR.
Nhược điểm
Thông điệp có thể bị hiểu sai: Thông thường, một chiến dịch marketing du kích thường có chút “bí ẩn” để làm tăng tính bất ngờ. Trong một số trường hợp không may, khán giả có thể không hiểu hoặc hiểu sai ý đồ của thương hiệu.
Năm 2007, ekip bộ phim hoạt hình Aqua Teen Hunger Force lặng lẽ đi khắp thành phố để lắp đặt các bảng đèn LED nhấp nháy nhằm quảng bá cho phim. Tuy nhiên, chúng bị nhầm lẫn với các… thiết bị gây nổ và tạo ra một phen hoảng loạn toàn thành phố.
Các đội phá bom được huy động để xử lý. Những người được thuê đi lắp đặt các thiết bị thậm chí đã bị bắt giữ, nhưng sau đó được thả ra. Vụ việc xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông nên về mặt nào đó cũng gọi là… tạo được tiếng vang.
Bị chính quyền “hỏi thăm”: Một số “trò” bạn tổ chức ngoài đường phố có thể bị xem là gây rối trật tự công cộng. Vì vậy nên xin phép trước nếu bạn muốn tổ chức sự kiện, vẽ graffiti lên tường…
Tình huống ngoài ý muốn: Các chiến dịch marketing du kích thường dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thời gian hoặc những sự cố lớn nhỏ khác.
Nói tóm lại thì tiếp thị du kích phù hợp với ai? Với những doanh nghiệp ưa thích sự sáng tạo nhưng phải dám chấp nhận rủi ro.
IV. Những ví dụ đầy cảm hứng về marketing du kích
1. The Blair Witch Project và tin đồn ma quái
The Blair Witch Project là một bộ phim tâm lý kinh dị Mỹ năm 1999, được sản xuất bởi một nhóm sinh viên. Họ chỉ có 1 chiếc máy quay duy nhất cùng một ngân sách ít ỏi. Đoán xem họ đã quảng bá như thế nào?
Họ tiến hành một chiến dịch trên internet với tin đồn đầy bí hiểm: “Tháng Mười năm 1994, ba nhà làm phim sinh viên biến mất trong khu rừng gần Burkittsville, Maryland khi đang quay một bộ phim tài liệu. Một năm sau, đoạn phim của họ đã được tìm thấy.”
Tháng 4 năm 1998, bản xem trước đã tạo nên một cơn sốt nhờ sự tò mò từ người xem, dù cho bộ phim lúc ấy còn chưa hoàn thành.
2. Bounty và những “đống bầy nhầy”
Hãng khăn giấy Bounty đã có một màn thuyết phục ấn tượng rằng lúc nào bạn cũng cần khăn giấy bên người.
Họ đặt những vật với kích thước khổng lồ trên đường phố – cây kem đang tan chảy, ly cà phê bị đổ. Bên cạnh đó là những mẩu khăn giấy được phát, và biển quảng cáo mang thông điệp “Makes small work of BIG spills”.
Bài học có thể rút ra – xác định vấn đề lớn nhất và sản phẩm/dịch vụ của bạn có thể giải quyết và “nói” với công chúng bằng một hình thức đặc biệt, tốt nhất không nên dùng nhiều lời.
3. The GRAMMYS và những tấm áp phích biết hát
Ví dụ này có thể không thực sự phù hợp để đưa vào vì nó “không diễn ra trong đời thực” mà chỉ được dàn dựng trên video. Nhưng bạn hoàn toàn có thể đưa ý tưởng này vào thực tế.
Hãy tưởng tượng xem, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể tạo những tấm áp phích có phát nhạc, có hình ảnh chuyển động cho thương hiệu của mình? Hãy chọn những địa điểm mà khách hàng mục tiêu của bạn thường lui tới và “bày trò” gì đó khiến họ bất ngờ, thích thú và tương tác.
4. Burger King và drama bên lề
Trong một bài post bình thường như bao ngày của hãng Burger King thì một anh chàng vô danh nào đó vào bình luận bâng quơ rằng bạn gái anh mất 20 phút để mua bánh tối qua. Lập tức bạn gái anh ta vào chất vấn ngay dưới bình luận rằng cô ấy không hề mua và thậm chí không thích Burger King. Vậy “bạn gái” mà anh đang nói đến là ai?
Vậy là “bà con” Instagram mang bắp nước ra để ngồi xem một drama chia tay trong trang của một hãng thức ăn nhanh. Một vài người đủ nhạy cảm để nghi ngờ vụ việc này được sắp đặt dưới chính bàn tay của Burger King.
Khi marketing du kích đã lan sang môi trường digital, hãy hoan nghênh (hoặc tự tạo ra) những cuộc hội thoại gây chú ý như thế này.
Đọc thêm: Marketing 0 Đồng – Có Hay Không?
5. UNICEF và những chai nước bẩn
Ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới, người dân vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bẩn để sinh hoạt hằng ngày. Tổ chức UNICEF đã nảy ra sáng kiến đem đóng chai nguồn nước này và mang đến những nước có điều kiện sống tốt hơn, trưng bày trong các máy bán hàng tự động. Mỗi nút lựa chọn là tên một loại bệnh gây ra do thiếu nước sạch.
Rất nhiều người đã “mua” nước bẩn để ủng hộ tiền quyên góp, tất nhiên là chẳng ai uống cả. Nhưng cách này đã truyền tải tuyệt vời thông điệp: Không phải nơi nào trên thế giới cũng được tiếp cận nước sạch.
Marketing du kích có thể áp dụng được cả với cách chiến dịch phi lợi nhuận. Thay vì dùng những hình ảnh đau buồn, chết chóc, bạn có nhiều cách khác để truyền tải một ý nghĩa từ thiện và thu hút sự tương tác từ cộng đồng.
Sau khi đã hiểu rõ marketing du kích là gì, nếu doanh nghiệp bạn không có tiềm lực tài chính dư dả nhưng lại dồi dào trí tưởng tượng, hãy thử sức với hình thức tiếp thị này.
Event và activation cũng được xem là một loại hình marketing du kích. Đây giải pháp hiệu quả để tiếp cận nhóm lớn người tiêu dùng cùng một lúc. Hãy đăng ký ngay khóa học EVENT & ACTIVATION MANAGEMENT tại AIM để được:
- Đào tạo bài bản về cả tổ chức sự kiện và kích hoạt thương hiệu
- Thực hành và tham quan thực tế để có cái nhìn cận cảnh với nghề