Account Ở Đâu Trong Quá Trình Từ Brief Đến Thành Phẩm?

Được ví như sợi dây kết nối client và agency, cũng như các team nội bộ trong cả dự án, người account dù không trực tiếp tạo ra thành phẩm nhưng lại mang trên vai hai “sứ mệnh” vô cùng quan trọng, quyết định sự tồn tại của mối quan hệ client – agency: Làm client “mãn nguyện” thông qua việc đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và “kiếm tiền” cho agency. Chính vì vậy, họ “có mặt” hầu như ở mọi giai đoạn, mỗi bước đi của một dự án. Và trong mỗi giai đoạn, họ được yêu cầu hoá thân vào những nhiệm vụ khác nhau với những kỹ năng đặc thù.
Marketing Management

Nội dung bài viết

Câu trả lời chính xác là ở… khắp mọi nơi!

Được ví như sợi dây kết nối client và agency, cũng như các team nội bộ trong cả dự án, người account dù không trực tiếp tạo ra thành phẩm nhưng lại mang trên vai hai “sứ mệnh” vô cùng quan trọng, quyết định sự tồn tại của mối quan hệ client – agency: Làm client “mãn nguyện” thông qua việc đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và “kiếm tiền” cho agency.

Chính vì vậy, họ “có mặt” hầu như ở mọi giai đoạn, mỗi bước đi của một dự án. Và trong mỗi giai đoạn, họ được yêu cầu hoá thân vào những nhiệm vụ khác nhau với những kỹ năng đặc thù.

Vậy, những nhiệm vụ đó là gì và người account cần nâng cao kỹ năng nào? Post này dành tặng cho những bạn “sắp sửa” trở thành account để hiểu thêm về yêu cầu của nghề. Còn những bạn account chân chính, bạn có thấy hình ảnh của mình trong hành trình quen thuộc dưới đây?

I. Giai đoạn 1: từ brief đến ý tưởng

sơ đồ giai đoạn 1: client brief,raise quotation đến creative brief, brainstorm ideas, internal review, write proposal

Giai đoạn đầu là lúc agency trong tâm thế háo hức để đón chờ thử thách mới. Account sẽ là người trực tiếp làm việc với client để mang về (1) CLIENT BRIEF – “đề bài” chứa đựng tất cả những yêu cầu, cũng như tâm tư nguyện vọng của client gửi gắm đến agency.

Với một số mối quan hệ mới, trước khi bắt đầu “giải” brief, thông thường account sẽ phải kinh qua bước đề xuất ngân sách (2) RAISE QUOTATION để nắm bắt tâm ý client và “liệu cơm gắp mắm”.

Ngay khi có được cái gật đầu từ “thượng đế”, (3) CREATIVE BRIEF – yêu cầu sáng tạo sẽ ra đời qua bàn tay “ma thuật” của planner, giúp phòng sáng tạo dù “bay” nhưng vẫn “gần mặt đất”. Ở một số agency chưa có bộ phận Planning – hoạch định chiến lược truyền thông, bước quan trọng này sẽ do chính account chịu trách nhiệm.

Tiếp theo là những bận “rang tôm” – (4) BRAINSTORM IDEAS liên miên nhằm tìm ra những ý tưởng bám sát đề bài.

Cuối cùng, (5) INTERNAL REVIEW – màn thử lửa cuối trong nội bộ để tìm ra ít nhất 03 idea sáng giá trước khi viết bản đề xuất – (6) WRITE PROPOSAL – thứ “bùa mê” giúp agency bán được kế hoạch của mình.

“Garbage in, garbage out” – Đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác, câu này hoàn toàn vận đúng vào vai trò của người account. Nếu như ở đầu vào (1) CLIENT BRIEF – người account không đủ bản lĩnh để xoáy vào vấn đề kinh doanh của client và tìm được hướng đi cũng như truyền cảm hứng đến các team nội bộ thì ở đầu ra (5) INTERNAL REVIEW chính họ sẽ là người phải “trả giá”.

II. Giai đoạn 2: bán ý tưởng

sơ đồ giai đoạn 2 sơ đồ bán ý tưởng:  present ideas/plan, revise & re-present

Dù đã nắm trong tay bản proposal với những solution “đỉnh của đỉnh”, agency vẫn phải đương đầu với ải khó nhất (7) PRESENT IDEAS/PLAN – thuyết trình để nhận được sự đồng thuận từ phía client.

Để tới được bước (11) APPROVE là cả một hành trình phản hồi, điều chỉnh, thuyết trình lại – (8) (9) REVISE & RE-PRESENT với không ít “niềm đau chôn giấu”. Cảnh bạn copywriter “đập bàn” khi lần (10) REVISE thứ N, phương án được chọn lại quay về phiên bản đầu tiên là điều không hiếm.

Cuối cũng, phần thử thách “tình yêu” giữa agency-client chính là đề xuất và bảo vệ ngân sách (chính thức) – [RAISE QUOTATION]. Cho đến lúc này, agency mới biết liệu “đứa con” sáng tạo của mình sẽ toàn vẹn đủ đầy hay “khiếm khuyết” vài chỗ do ngân sách không thể đáp ứng.

Cái “tầm” của account trong giai đoạn này nằm ở những những lần Revise bất tận. Feedback sao cho “êm tai” để creative không chạm tự ái mà sửa đúng ý, từ chối yêu cầu “lạc đề” của client thế nào để tình cảm không sứt mẻ, khi nào nên nói không với Revise để chuyển qua giai đoạn sản xuất cho kịp tiến độ… tất cả đều cần sự quyết đoán và khéo léo.

III. Giai đoạn 3: từ ý tưởng đến thành phẩm

sơ đồ giai đoạn 3 từ ý tưởng đến thành phẩm:pre-production, production, launch, monitor/report

30 chưa phải là Tết. Giai đoạn cuối cùng thường là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ của nhiều “mối tình” client – agency khi ý tưởng được duyệt một đằng, thành phẩm lại một nẻo.

Một lần nữa, vai trò của người account là đảm bảo khâu chuẩn bị (12) PRE-PRODUCTION phải thật chính xác, đặc biệt, đối với việc sản xuất TVC hay chụp hình, những cuộc meeting, rehearsal là điều không thể thiếu.

Đồng thời, account phải là người trực tiếp giám sát quá trình sản xuất (13) PRODUCTION cũng như chắc chắn phần hậu kỳ (14) POST-PRODUCTION được tiến hành “chuẩn” brief. Ngoài kiểm soát chất lượng đầu ra cuối cùng, người account còn phải đối mặt với thử thách chính là giữ tiến độ dự án đúng hạn (deadline) để chuẩn bị cho giai đoạn ra mắt thành phẩm (15) LAUNCH cũng như (16) MONITOR/REPORT – vận hành và báo cáo dự án sau đó.

Khả năng làm việc dưới áp lực và deadline, độ sâu sát để theo dõi từng chi tiết trong khâu sản xuất chính là 2 yếu tố làm nên giá trị của người account trong giai đoạn cuối cùng này.

IV. Túm lại

Cái “sướng” cũng là cái “khổ” của người account chính là phải “dính” theo suốt chu trình làm ra sản phẩm sáng tạo từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc. “Sướng” là bởi vì bạn được giữ “quyền sinh, quyền sát” để lèo lái dự án đến đích. Chính vì quyền hạn lớn, nên mới sinh ra cái “khổ” là trách nhiệm lớn. Để làm tốt công việc này, người account phải xây dựng bản lĩnh và không ngại dấn thân để làm giàu kinh nghiệm.

sơ đồ hoàn chỉnh các giai đoạn mà account có mặt khi làm dự án MarCom
(Click vào hình ảnh để download hình full size về máy nhé)

Có thể nói, account là một nghề hoàn hảo để trui rèn những thủ lĩnh. Hãy mạnh dạn lao vào, bắt tay làm và va chạm thật nhiều. Sau năm tháng nhìn lại, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn, khéo léo hơn và quan trọng nhất, bạn biết mình có thể xoay sở mọi thứ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tóm lại, yêu cầu dành cho account rất lớn và áp lực có thể đổ xuống đầu bất cứ lúc nào. Thế nên bạn cần có đam mê cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không bị những áp lực xuyên suốt làm nản lòng. Những bí quyết sống còn để làm chủ bản thân, kỹ năng cơ bản trong việc dung hòa mối quan hệ của client và agency, lời khuyên đáng giá trong quá trình thực hiện dự án từ những anh chị kỳ cựu trong nghề là đòn bẩy cần thiết để bạn tiến xa hơn trong nghiệp Account của mình!

Để nhận những tin tức mới nhất từ AIM, bạn hãy để lại thông tin tại mục Nhận bản tin ở cuối trang AIM Academy nhé.