Account Management: Làm Sao "Dẫn Dắt" Cả Client Và Agency?

Điều quan trọng nhất vẫn luôn là con người và làm sao để tất cả các thành viên cùng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể. Một account giỏi sẽ quản lý các mối quan hệ client và creative theo định hướng chiến lược của mình chứ không ‘chiều chuộng’ bên nào cả. Trong hành trình làm account của mình, anh không tự coi mình là một ‘account’ đơn thuần mà là sự kết hợp giữa creative, planning và production
Creative Communication

Nội dung bài viết

Agency khoái thể hiện cái tôi SÁNG TẠO. Client thích bộc lộ tình yêu THƯƠNG HIỆU. Để “dẫn dắt” hai đối tượng có chỉ số “ngang bướng” cao ngất trời này đòi hỏi người account không những phải khéo léo mà còn cứng rắn và quyết đoán.

Anh Nguyễn Hà Vĩnh – Group General Manager của Metan Việt Nam đã khẳng định điều quan trọng nhất của nghề Account: Để có thể dẫn dắt cả client và agency, trước tiên, bạn phải có quan điểm riêng của mình.

Là diễn giả đặc biệt trong Career Compass ngày 01.07.2017 tại AIM Academy, anh Vĩnh đã chia sẻ những trải nghiệm tâm huyết nhất trong suốt hơn 20 năm đi lên từ vị trí Account Executive nhằm giúp các bạn trẻ quản lý mối quan hệ client và agency một cách hiệu quả nhất.

Giới thiệu sơ đồ các vị trí trong client và agency, chị Diệu Anh – Giám đốc điều hành AIM Academy cho biết: “Account Management sẽ chịu trách nhiệm điều phối nội bộ và đại diện cho bộ mặt của agency khi làm việc với client”.

Trong những năm gần đây, nghề account là một vị trí tuyển dụng hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ muốn dấn thân vào môi trường agency năng động. Từ vị trí Account Executive (AE), bạn có thể phát triển lên Account Manager (AM) và Account Director (AD).

workshop career compass nghề account và cơ hội thăng tiến của nghề account
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ yêu thích nghề account

I. Làm sao để thăng tiến từ Account Executive?

Bắt đầu từ vị trí AE của Leo Burnett vào năm 1997, anh Vĩnh chính là một trong những thế hệ đầu tiên của ngành Marketing & Communication tại Việt Nam. Nhìn lại cuộc hành trình “from zero to hero”, anh Vĩnh đúc kết 5 “defining moments” – những cột mốc quan trọng đã định hình nên con người anh bây giờ. Đây cũng chính là 5 bài học đắt giá dành cho các bạn trẻ đang và sẽ theo đuổi nghề account.

#1: Thấu hiểu những thách thức của thương hiệu

Cột mốc đầu tiên chính là 6 tháng “sống cùng client” để tìm hiểu thương hiệu thuốc lá Marlboro khi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào Leo Burnett.

Chính tại đây, anh Vĩnh đã tận mắt nhìn thấy sức ép của các Brand Manager khi trình bày ý tưởng của agency, trực tiếp trò chuyện với Sales để hiểu được những khó khăn rõ ràng hơn… So với khi ngồi ở agency, khoảng thời gian trải nghiệm cùng client đã giúp anh nhìn thấy được những thách thức sâu tự bên trong.

Nhờ vậy, kế hoạch truyền thông thường niên của anh đã được client đánh giá cao bởi sự thấu hiểu thương hiệu Marlboro với đề xuất giải pháp về điểm bán mặc dù bản thân anh chưa bao giờ hút thuốc!

#2: Giải quyết khủng hoảng hiệu quả

Khủng hoảng không chỉ là “nỗi ám ảnh” của các marketer mà còn “liên luỵ” không hề nhỏ đến account. Không ai có thể chịu đựng những cơn thịnh nộ của client khi những tổn thất do khủng hoảng gây nên có thể lên đến hàng tỉ đồng.

Chương trình promotion “Hãy gia nhập CLB Tiger 9X” (2001) với những ngôn từ khó hiểu in dưới nắp chai không trúng thưởng là một scandal lớn đối với bia Tiger nhưng lại là bài học vô cùng quý giá trong cuộc đời làm account của anh Vĩnh.

Chính nhờ scandal này mà anh đã học được cách giải quyết khủng hoảng từ Brand Manager của Tiger: Tập trung tìm kiếm giải pháp thay vì “truy tìm thủ phạm” lúc đang “dầu sôi lửa bỏng”.

Chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ bàn luận cùng nhau, cả team đã lựa chọn giải pháp “xin lỗi chân thành” với một Sorry Ad chạy liên tục trong 10 ngày. Kết quả, chương trình khuyến mãi vẫn đạt chỉ tiêu của client dù gặp khủng hoảng.

#3: Tạo ra những giá trị mang tính đột phá

Cột mốc tiếp theo đánh dấu sự nâng cấp bản thân của anh chính là chuyến đi tu nghiệp 6 tháng tại Sydney (Australia). Anh Vĩnh đã mang kinh nghiệm strategic activation trở về Việt Nam để áp dụng cho chiến dịch “Tiger Crystal Journey”.

Cuộc hành trình trải nghiệm không gian lạnh -1 độ C đã mang đến thành công cho chiến dịch và đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng mới của Leo Burnett.

Anh Vĩnh cho rằng: “Mình cần phải xác định những giá trị có thể phát triển doanh nghiệp chứ không phải ‘danh tiếng’ khi làm việc ở nước ngoài. Và đó cũng chính là lý do tại sao anh quyết định trở về Việt Nam sớm hơn 1 tháng để tạo ra một strategic activation đột phá”.

#4: Lắng nghe cái tôi bên trong

Đối với nghề account, kỹ năng thuyết trình là một yêu cầu không thể thiếu. Bản thân anh Vĩnh cũng phải kiên trì tập luyện mỗi ngày mới có thể tự tin trình bày ý tưởng và thuyết phục client.

Anh từng luyện nói trước gương 20 lần trong toilet để chuẩn bị cho buổi thuyết trình với Ban Giám Khảo một cuộc thi châu Á về event “Tiger Blue Christmas” (2012). Đây là một trong những event lớn mà anh từng làm trước khi rời khỏi Leo Burnett đánh dấu bước chuyển sang mảng Integrated.

Làm account không chỉ là chịu trách nhiệm cho các mối quan hệ khách hàng, bạn cần phải biết khẳng định bản thân bằng các giải thưởng. Khi lắng nghe cái tôi bên trong, bạn sẽ không còn tự giới hạn bản thân và sẵn sàng trau dồi các kỹ năng để tạo cơ hội thăng tiến trong tương lai.

#5: Sẵn sàng tiên phong trong mọi “mặt trận”

Cột mốc cuối cùng chính là sự kiện khiến anh cảm thấy tự hào về bản thân nhất trong suốt 20 năm gắn bó với ngành Marketing & Communication: “Champions League Heineken”. Đây chính là dự án yêu thích nhất của anh Vĩnh với rất nhiều thách thức khi phải tổ chức chuỗi sự kiện lớn suốt 4 ngày liên tiếp tại 4 thành phố khác nhau.

Một lần nữa, anh khẳng định sức mạnh của tập thể chính là yếu tố chủ chốt góp phần tạo nên thành công của sự kiện. Khi sẵn sàng đi tiên phong cho mọi “mặt trận”, bạn cũng cần biết cách kiểm soát cá nhân để có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.

Anh Vĩnh kết luận về hành trình đi lên cấp bậc quản lý từ vị trí Account Executive: “Điều quan trọng nhất vẫn luôn là con người và làm sao để tất cả các thành viên cùng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể. Một account giỏi sẽ quản lý các mối quan hệ client và creative theo định hướng chiến lược của mình chứ không ‘chiều chuộng’ bên nào cả. Trong hành trình làm account của mình, anh không tự coi mình là một ‘account’ đơn thuần mà là sự kết hợp giữa creative, planning và production.”

II. Nghề account và những thắc mắc chẳng biết hỏi ai

Sau phần chia sẻ đầy tâm huyết của anh Vĩnh, rất nhiều cánh tay các bạn trẻ đã đưa lên để tìm kiếm câu trả lời cho những băn khoăn của mình về nghề account.

1. Làm sao để kêu gọi tài trợ cho dự án của agency?

Bạn cần có 3 điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, xây dựng mối quan hệ với các nhân vật có tầm ảnh hưởng hay chịu trách nhiệm quyết định trong phòng Marketing của doanh nghiệp;

  • Thứ hai, tìm hiểu thật kỹ về mục tiêu, concept chính của chương trình họ sắp triển khai là gì, đích thân tham dự event của họ để trải nghiệm;

  • Thứ ba, chuẩn bị một proposal thật chi tiết trình bày những ý tưởng liên quan đến chương trình có thể đáp ứng mục tiêu của họ và đề xuất một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên.

2. Khi creative không giải quyết được thử thách của client thì phải làm sao?

Đây là câu chuyện muôn thuở khiến không ít account phải “đau đầu”. Anh Vĩnh hài hước so sánh: “Creative và Account giống như một đôi vợ chồng. Muốn có một đứa con khỏe mạnh thì cần có sự cố gắng của cả hai người”.

Hãy tạo cơ hội cho creative tìm hiểu business challenge – thử thách của doanh nghiệp với các chuyến đi trải nghiệm thực tế, tham gia những cuộc họp chung với client… Nếu creative vẫn nhất quyết không theo định hướng của client, đó chính là lúc account cân nhắc tìm kiếm freelancer để có thể hợp tác tốt hơn.

anh Nguyễn Hà Vĩnh – Group General Manager của Metan Việt Nam chia sẻ cách để có thể dẫn dắt cả client và agency
Anh Vĩnh không ngại ngần giải đáp những thắc mắc của các bạn tham dự

3. Làm sao để deal với những client khó chịu?

Không phải lúc nào account cũng có thể gặp được những client “dễ thương” có thể thấu hiểu nhau và hợp tác một cách suôn sẻ. Đối với những client “khó chịu”, bạn nên “học cách yêu brand” của họ thay vì để tâm quá nhiều đến những trải nghiệm không vui trong giao tiếp hằng ngày.

Hãy xem như đây là một thử thách cho bản thân bạn mà phần thưởng lớn nhất chính là kết quả công việc sau khi vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

4. Nếu các client đòi hỏi thêm nhiều ý tưởng?

Hãy luôn chuẩn bị sẵn khi bạn brainstorm cùng creative! Anh Vĩnh bật mí, chuẩn bị nhiều option cũng là một cách để bạn “dò sóng ra đa” của client. Đừng vội “kill idea” của creative như Ninja, vừa dễ dẫn đến xung đột lại vừa có thể “bỏ phí” một idea dự phòng để trình bày khi client hỏi “Còn ý tưởng nào khác không em?”.

5. Có cách nào từ chối client mà không mất lòng?

Đối mặt với những đòi hỏi không hợp lý từ client như sử dụng dịch vụ miễn phí, anh Vĩnh khuyên các bạn nên học cách thương lượng. Đặc biệt, khi workload của team đã quá tải, hãy tìm cách thu xếp lại, đừng chiều chuộng client thái quá để tạo thành tiền lệ.

Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, không ít agency phá giá hoặc chấp nhận làm các dịch vụ “free” để thu hút client. Tuy nhiên, account nên liệt kê chi phí của dịch vụ “free” trong bảng báo giá để client trân trọng hơn thành quả của team.

6. Nên chọn agency Việt Nam (local) hay quốc tế (global)?

Trước áp lực quản lý trong agency Việt Nam và sức hấp dẫn của môi trường làm việc quốc tế, rất nhiều bạn trẻ phân vân giữa hai lựa chọn: local và global.

Anh Vĩnh cho rằng áp lực dẫn dắt cả team trong các local agency là một cơ hội giúp các bạn rèn luyện kỹ năng quản lý.

Nếu như các bạn có thể học hỏi phong cách làm việc chuyên nghiệp với các chiến dịch macro-marketing của các global agency thì local agency lại giúp bạn trải nghiệm tư duy thực tế trong micro-marketing.

Tùy theo mục tiêu hiện tại của bạn là muốn “học hỏi” hay “trải nghiệm” nhiều hơn mà có quyết định phù hợp nhất.

Khép lại buổi hội thảo, anh Vĩnh nhấn mạnh đừng vì cái nhãn “global” mà quên mất yếu tố con người.

Có những local agency tập hợp những con người rất giỏi, chiến thắng cả global agency một cách ngoạn mục. Khi quyết định chuyển từ Leo Burnett sang Metan Việt Nam vào năm 2013, anh Vĩnh cũng đã phải đắn đo rất nhiều để lựa chọn cơ hội thay đổi sau 17 năm gắn bó với một global agency hàng đầu.

Và từ vị trí Account Executive, bạn hoàn toàn có thể thăng tiến lên vị trí quản lý cấp cao nếu luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới mẻ. Những môi trường đào tạo như AIM Academy cũng là lựa chọn thích hợp để bạn trau dồi bản thân.

Career Compass là chuỗi hội thảo hướng nghiệp chuyên ngành Marketing & Communication do AIM Academy tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ đam mê nghề tìm được lời giải cho những “lăn tăn” của mình. Bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về Marketing & Communication để chuẩn bị cho con đường sự nghiệp sắp tới? Chat với AIM ngay để được tư vấn về những hội thảo hướng nghiệp với nhiều chuyên đề thú vị và đặc sắc.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ AIM Academy ngay!