7 điều cần nhớ dành cho bạn trẻ muốn theo nghề account management

Một bên là khách hàng, một bên là team nhà, làm sao khi bạn phải đứng giữa 2 “chiến tuyến”? Chị Nguyễn Thị Hoàng Lan (Director, Content+, Mindshare Vietnam) đã giúp bạn đưa ra giải pháp: Đừng xem đó là 2 “chiến tuyến”. Hãy đứng cùng phía với khách hàng, xem thành công của khách hàng là mục tiêu của mình. Đó là một trong những bài học cho các bạn đang quan tâm đến nghề Account được tổng hợp trong bài viết này, với những chia sẻ rất gần gũi từ các chuyên gia trong nghề.
Creative Communication

Nội dung bài viết

I. Lộ trình thăng tiến của một account

Nghề Account có lộ trình thăng tiến rất rõ ràng. Mỗi nấc thang đòi hỏi thâm niên cũng như kinh nghiệm nhất định. Quá trình tùy thuộc vào tố chất và sự cố gắng, kiên trì của từng người. Có 5 cấp độ cơ bản như sau:

Nghề Account có lộ trình thăng tiến rất rõ ràng gồm 5 cấp cơ bản

Đọc thêm: Từ Account Executive đến Account Manager – Những tố chất bạn cần có

Tuyến đường chính của sự nghiệp sẽ luôn có đường song hành hoặc những ngã rẽ. Khi bạn đi đủ lâu với nghiệp Account thì bạn khao khát những thử thách mới – độ khó mới thì 3 ngã rẽ phổ biến là:

  • Independent consultant: ngã rẽ này đòi hỏi sự cọ xát của bạn với các ngành hàng khác nhau và dễ hiểu là nó không dành cho các bạn còn quá trẻ và chưa dồi dào kinh nghiệm.
  • Business ower: tên gọi dân dã hơn là tự doanh. Trong quá trình làm Account, bạn phát hiện ra khách hàng đang có một vấn đề mà thị trường chưa có dịch vụ nào có thể đáp ứng được. Vì vậy, bạn tạo ra một loại dịch vụ phục vụ thị trường ngách đó.
  • Trainer: Giả sử, bạn có nhen nhóm một khát khao chia sẻ những trải nghiệm – kiến thức của mình hay bạn có hoài bão đào tạo nhân sự kế thừa thì ngã rẽ trở thành trainer là ngã rẽ sáng suốt.

Ba ngã rẽ này bạn đã thấy phổ biến nhưng chỉ phù hợp để rẽ khi bạn đi đủ lâu với nghề và thấy được hết các mặt của vấn đề trong cuộc sống của Account. Vậy tư duy nào là thiết yếu để bạn đi lâu và giữ lửa nhiệt huyết với nghề?

II. Business mindset là kỹ năng yếu thiết

“Director hay manager mới cần tư duy này”. Cách nghĩ này chưa đúng hoàn toàn! Vì trong thị trường lao động nói chung và nghề Account nói riêng thì kĩ năng chuyên môn ở mọi người dường như tương đồng. Nhưng để khác biệt và bứt phá trong sự nghiệp bạn sẽ cần trang bị Business Mindset ngay khi làm Account Executive.

Theo chia sẻ của chị Mai Cẩm Linh (Business Development Director – YouNet Media), “Business Mindset” là một cách suy nghĩ mà bạn quan sát và xem vấn đề là cơ hội, sau đó biến những cơ hội đó thành một công việc kinh doanh.

Ví dụ, khách hàng gặp một vấn đề A, ngoài vấn đề bề mặt A ra, họ có thể thấy những vấn đề cốt lõi mà không có trong brief. Với cái nhìn sâu sắc và kỹ năng chuyên môn, bạn có thể đề xuất một giải pháp hiệu quả cho khách hàng. Từ đó, bạn có cơ hội bán thêm một dịch vụ đi kèm và dần xây niềm tin trong mối quan hệ với khách hàng. Do đó, ngoài việc bạn làm đúng, bạn có thể làm tốt hơn để tạo mối quan hệ win – win với khách hàng.

Hiểu được khái niệm về tư duy này, bạn sẽ thể hiện tốt hơn vai trò của một Account và sở hữu tố chất của Business Development. Tiếp tục, phần chia sẻ của chị Linh đưa ra Business Mindset được thể hiện cụ thể trong 4 việc:

  • Tối ưu hoá chi phí: Chi phí trong nội bộ (chi phí trong giờ làm của team creative, chi phí khi thuê nhân sự bên ngoài).
  • Tối ưu hoá lợi nhuận: Khi bạn tối ưu hoá tốt chi phí thì bạn đã tối ưu lợi nhuận. Vì lợi nhuận bằng doanh thu trừ đi chi phí.
  • Tăng trưởng doanh thu: Khi bạn cần đưa một bảng báo giá có giá trị lớn thì bạn phải cung cấp lý do hợp lý – một giá trị tương xứng cho khách hàng. Ngoài ra, bạn có thể chăm sóc và upsell khách hành cũ.
  • Tìm kiếm khách hàng mới: Nhờ vào việc chăm sóc khách hàng tốt họ có thể giới thiệu những khách hàng mới cho bạn.

III. Work-life balance không là “xa xỉ”

Cần thiết lập thời gian biểu phù hợp để cân bằng sở thích và công việc

Bên cạnh 8 tiếng làm việc thì tất nhiên bạn cũng cần quan tâm đến gia đình và những mối quan hệ quan trọng khác trong cuộc sống. Do đó, bạn cần thiết lập thời gian biểu để “dung hòa” sở thích và trách nhiệm trong mọi khía cạnh.

Việc dung hòa là cách bạn đong đếm thời gian của chính mình. Bạn có dành thời gian chơi thể thao hay không? Bạn có dành một bữa ăn ngon cho chính mình vào cuối tuần không? Và bạn có đủ thời gian cho người yêu và gia đình – bạn có thường xuyên về nhà ăn cơm với họ hay không?

Khi bạn đã dành đủ thời gian cho chính mình và những người thân yêu thì quỹ thời gian còn lại bạn sẽ dành trọn vẹn cho công việc, đam mê của mình.

Lý thuyết là thế! Nhưng áp dụng thì không đơn giản chút nào.

Do đó, chị Nguyễn Thị Hoàng Lan đã chia sẻ một tips mà chị đang sử dụng, đó là “làm một việc trong một lúc”. Giống như bạn không thể vừa làm văn vừa giải toán vậy. Có thể thấy, khi đã thiết lập một thời gian biểu phù hợp thì bạn sẽ không bị chênh vênh khi có “sóng gió” ập tới trong công việc hay gia đình.

IV. Những điều cần lưu ý khi làm việc với khách hàng

Phần lớn thời gian của một Account là tiếp xúc, trao đổi với khách hàng. Làm sao để các bạn mới vào nghề không bị “choáng” đây?

1. Đừng hoảng sợ trước câu “Ủa em?”

Câu hỏi ngắn ngủi đang báo động một điều không hay đang xảy ra với bạn. Bạn đã làm sai điều gì, hay khách hàng cần bạn điều chỉnh những gì? Để giải quyết thì đầu tiên bạn đừng hoảng sợ. Nếu không hoảng sợ trước phản hồi chưa tốt thì bạn sẽ cởi mở, lắng nghe và làm rõ yêu cầu. Từ đó, bạn sẽ có tâm thế tỉnh táo đưa ra hướng giải quyết. Do đó, bạn đừng sợ mà “xù lông nhím”, hãy chủ động giải quyết vấn đề.

Và để không phải nghe khách hàng “Ủa em”, thì một Account không nên nói câu “Em tưởng…”

Bạn phải luôn chắc rằng mình kiểm soát được tình hình, làm rõ mọi khúc mắc trước khi thực hiện để không rơi vào những tình huống “em tưởng”.

2. Đừng “thả trôi” một vấn đề cần giải quyết

Có một vấn đề nan giải mà khách hàng cần bạn giải quyết trong khi bạn chưa thể có đáp án cho vấn đề đó? Lúc đó, bạn không nên đợi có câu trả lời rồi mới phản hồi với khách hàng. Hãy chủ động phản hồi với họ dù bạn vẫn chưa có cách. “Em cần thêm thời gian để tìm hiểu sự việc này, em sẽ đưa ra câu trả lời chính xác cho chị vào ngày mai.”

Câu nói trên giúp bạn xác nhận với khách hàng là bạn đã nắm được vấn đề và đang tìm hướng giải quyết. Qua đó khách hàng cũng thấy bạn có tinh thần chủ động trước các vấn đề khó.

3. Cương nhu đúng lúc

Team creative thường thể hiện “cái tôi sáng tạo” có khi ảnh hưởng tiến độ của dự án. Anh Lê Minh Nhựt (Manager, Content+, Mindshare Vietnam) đã chia sẻ “ai mà được chiều quá thì cũng sẽ hư”.

Anh Nhựt chỉ ra giải pháp cho tình huống này, bạn sẽ cần cương – nhu đúng lúc để dẫn dắt người trong nhà đồng thời đảm bảo hiệu quả cho khách hàng. Do đó, lạt mềm buộc chặt là một nghệ thuật bạn cần để ý khi làm dâu trăm họ.

V. Công thức xây dựng niềm tin với khách hàng

Trong cuốn sách “The Trusted Advisor”, chị Nguyễn Hoàng Lan đã chia sẻ một công thức tổng quát mà chị đã áp dụng suốt quá trình 20 năm làm việc với khách hàng:

  • Tử số: Tổng của (Tín nhiệm của công ty + Độ tin cậy với bạn + Mức độ thân thiết với bạn)
  • Mẫu số: Cái tôi của bạn

Bạn cần lưu ý ở đây, công thức là phép chia vì vậy tử số và mẫu số tỉ lệ nghịch với nhau. Giả sử, bạn gặp một phản hồi khó nhằn từ khách hàng mà bạn có thái độ chủ động giải quyết và chủ động nhận lỗi thì ắt hẳn chỉ số “độ tin cậy với bạn” của bạn đã được tăng lên, khi bạn làm điều đó thì chỉ số “cái tôi của bạn” sẽ giảm đi.

VI. Đứng chung “chiến tuyến” với khách hàng

Một trong những câu hỏi được các bạn gửi về AIM Academy: “Làm sao cân bằng lợi ích của khách hàng và lợi ích của công ty?”. Với câu hỏi trên, chị Lan đã phân tích và thấy rằng bạn đã vạch rõ biên giới với khách hàng. Nếu bạn nghĩ “khách hàng đạt được mục tiêu cũng là niềm tự hào của chính bạn” thì bạn đang tăng mức độ thân mật và tin cậy của bạn đối với khách hàng. Theo công thức niềm tin, bạn chỉ có suy nghĩ đó khi chỉ số “cái tôi” của bạn thấp.

Chỉ khi nghĩ như vậy thì bạn sẽ có tầm nhìn dài hơi trong một mối quan hệ với khách hàng. Ví dụ, dự án hiện tại bạn có thể giảm đi một đồng cho khách hàng thì trong dài hạn bạn sẽ có cách bù lại một đồng đó ở dự án khác.

VII. Đừng nề hà công việc, hãy chủ động nhận thêm việc

Ngoài những công việc được giao, bạn cần xung phong làm thêm những nhiệm vụ khác. Dù việc này không được ghi rõ trong mô tả công việc nhưng hãy tự nhắc nhở mình rằng, làm thêm một việc là bạn học được thêm một điều.

Đặc biệt với những bạn còn trẻ, mới vào nghề, làm nhiều chính là cơ hội để bạn phát triển thêm chuyên môn và kĩ năng.

Tóm lại, những điều này bao trùm ở 2 khía cạnh đó là bên trong bạn (tư duy, lộ trình thăng tiến) và bên ngoài bạn (thái độ với khách hàng, đồng nghiệp và cấp trên).

Bài viết dựa trên những chia sẻ của các diễn giả trong Webinar “Business Development – Hướng đi tất yếu của nghề Account” do AIM Academy tổ chức vừa qua.

Để nhận những tin tức mới nhất từ AIM, bạn hãy để lại thông tin tại mục Nhận bản tin ở cuối trang AIM Academy nhé!