Bản thân có hứng thú với event nhưng lại ngại nộp CV vì chưa hiểu rõ nghề event là làm gì và bản thân có đủ tố chất làm event hay không?
Đây là những trăn trở của rất nhiều bạn trẻ khi tâm sự với anh Lê Huy Quốc – Event Director tại Metan Vietnam trong buổi học thử Event Management.Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm những sự kiện quy mô như Heineken Countdown, The World Of Heineken, Johnnie Walker Voyager, anh Quốc sẽ giải đáp những thắc mắc ‘không biết hỏi ai’, giúp ‘lính mới’ có thêm tự tin vào nghề.
I. Làm event là làm gì?
Event vốn là nghề vất vả, đi sớm về khuya, bất chấp mưa gió bão bùng. Khi đến với công việc này bạn là người lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ. Ở sau hội trường không ai biết bạn là ai, nhưng bạn sẽ thực sự hạnh phúc khi nhìn thấy những nụ cười, những tiếng vỗ tay dành cho chương trình của mình. Đó chính là ‘phần thưởng’ của người làm event.
Bản thân là công việc đòi hỏi sự tương tác giữa người với người nhưng không vì thế mà bạn có thể làm event theo ‘cảm tính’. Event thực chất lại dựa trên cơ sở khoa học.
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao các nhà hàng 5 sao lại có cách setup bàn ghế gần như nhau? Vì đó là tiêu chuẩn của nhà hàng 5 sao ư? Không hề, độ cao, khoảng cách hợp lý giữa bàn và ghế đều từ việc đo đạc, tính toán để tối ưu trải nghiệm của khách. Đó chẳng phải khoa học hay sao.
Anh Quốc cũng có chia sẻ hóm hỉnh với các bạn học viên, đối với nghề này ‘biết hay không thì tùy mà không biết thì kỳ’. Muốn làm event, cái gì cũng cần biết một chút. Nào giao thông (điều phối traffic khách đến tham dự sự kiện), quản lý con người (ca sĩ, dancer, PG và cả ngàn người tham dự), âm thanh ánh sáng, giải trí nghệ thuật, kiến thức vật lý, hóa học (tại sao sự kiện này lại xài khói lạnh mà sự kiện kia lại xài khói nóng),… Càng biết nhiều sẽ càng giảm thiểu được rủi ro trong quá trình tổ chức sự kiện.
II. Làm event cần tố chất gì?
1. Học ăn, học nói, học gói, học mở
- Học ăn, học nói: Đứng sau một sự kiện thành công luôn là cả team chứ không phải một cá nhân. Thế nên cách ứng xử của mỗi thành viên khi làm việc với đồng nghiệp sẽ quyết định mức độ hiệu quả của teamwork. Đã là ‘người một nhà’, bạn biết gì phải nói để đồng đội học hỏi, không biết cũng phải nói để người khác chỉ cho. Hãy học cách truyền đạt sao cho người khác hiểu đúng ý mình, kẻo ‘sai một li, đi một dặm’.
- Học gói, học mở: Làm event thì không thể thiếu óc tổ chức, kỹ năng sắp xếp công việc hợp lý, khoa học. Bạn cần nắm rõ cái gì làm trước, cái gì làm sau để sự kiện không bị ‘loạn xì ngầu’.
2. Có sức khỏe
Dù bạn là ai, làm nghề gì cũng cần có sức khỏe. Riêng với nghề sự kiện, sẽ có những ngày bạn phải làm việc xuyên đêm và vận động rất nhiều. Nếu không biết tự giữ gìn sức khỏe, bạn sẽ sớm tự xin ‘đào ngũ’ khỏi ngành. Đó là lý do mà nghề event nhân sự vào thì nhiều mà ra cũng nhiều luôn.
Một số ‘bí kíp’ của dân event là không bao giờ bỏ ăn, luôn có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi bù khi phải thức đêm setup chương trình. Tự chăm lo cho sức khỏe của mình cũng chính là giúp bản thân làm việc hiệu quả hơn.
3. Tự tin
Hàng ngày báo đài vẫn ‘ra rả’ về sự tự tin. Nghe xong thấy hừng hực khí thế, bạn cũng quyết tâm ‘mình phải tự tin lên’ nhưng chưa đầy một ngày sau là ‘xìu’ ngay. Vì sao thế? Vì bạn có chịu làm gì đâu. Tự tin được thể hiện qua hành động chứ không chỉ bằng lời nói.
Điều khiến Phan Thanh Nhiên – người Việt đầu tiên chinh phục được ‘nóc nhà thế giới’ thành công là tiếp tục tiến về phía trước chứ không phải ngồi nhà tuyên bố “Tôi sẽ chinh phục đỉnh Everest”.
Vậy nên, nếu thích event thì cứ tự tin apply, xin thực tập, xin làm không lương, công ty này không nhận thì nộp công ty khác. Đừng vì lo lắng không đâu mà để tuột mất cơ hội. Đã thích event rồi thì đừng sợ, cứ làm.
4. Học tập không ngừng nghỉ
Đây cũng chính là tố chất quan trọng nhất để làm nghề này. Một khi bạn đã nghĩ mình giỏi, ‘tôi đây biết tuốt’ với chút kiến thức hạn hẹp của mình cũng là lúc cơ hội phát triển trong nghề của bạn dần khép lại. Học hỏi, lắng nghe từ những người đi trước, từ đồng nghiệp và cả thế hệ sau sẽ giúp bạn bổ sung kiến thức, bắt kịp với xu hướng và thấu hiểu tâm lý nhiều đối tượng khác nhau khán giả trong sự kiện của mình.
Đọc thêm: “Săm soi” chiếc CV của một Event Organizer – Người tổ chức sự kiện
III. Các vị trí trong một event agency
Tùy quy mô mà mỗi event agency sẽ có cấu trúc khác nhau, nhưng 3 bộ phận cốt lõi bao gồm: Account, Creative và Production.
-
Account
Là vị trí cầu nối giữa khách hàng (client) và agency. Các nhiệm vụ chính xoay quanh viết proposal, xây dựng kịch bản, báo giá chương trình, lên kế hoạch, phối hợp với các team còn lại để triển khai thi công tổ chức sự kiện, điều phối và chạy sự kiện.
-
Creative
Nhận brief từ account, lên ý tưởng sự kiện và thiết kế đồ họa.
-
Production
Bộ phận kỹ thuật, dàn dựng âm thanh, ánh sáng,… cho chương trình.
IV. Mới vào nghề, bắt đầu từ đâu?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn đặt ra cho anh Quốc. Anh cũng khuyên các bạn hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất. Đừng ngại đóng gói sampling, kiểm hàng,… Để làm công việc đơn giản một cách chỉn chu cũng không hề đơn giản.
Được sếp giao tìm chất liệu in poster, standee mà bạn lại chưa bao giờ làm việc này, ‘google hoài’ không biết chọn loại nào. Giờ sao? Khó quá thì bỏ ư? Không đâu, dân event đích thực sẽ đến ‘ăn dầm nằm dề’ với supplier cho tới khi biết được lợi ích, điểm yếu, giá cả và tình huống sử dụng của từng loại thì thôi. Đó mới là tinh thần học hỏi, ‘never say no’ mà ngành sự kiện cần.
Xuất phát điểm của bạn ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn không chần chừ, dám dấn thân. Nếu chưa có kinh nghiệm, hãy chạy từ những sự kiện nhỏ: sự kiện của câu lạc bộ, của trường, tiệc cưới,… Khi đã có chút kinh nghiệm rồi, bạn có thể apply vị trí khởi điểm ngành event là account executive. Hãy cố gắng không ngừng nghỉ, nghề này luôn chào đón những cá nhân nỗ lực.
Event Management là công việc multitasking, để tránh trường hợp làm việc này lỡ việc khác, bạn cần một quy trình đầy đủ, ngắn gọn, súc tích. Lính mới lo mình sẽ ‘lơ ngơ’ khi mới bước chân vào ngành?
Khóa EVENT & ACTIVATION MANAGEMENT với giảng viên là những director, manager chinh chiến hàng chục năm trong nghề sẽ giúp bạn nắm rõ tất tần tật quy trình tổ chức sự kiện, từ khâu viết proposal cho tới lên báo giá và quản lý diễn biến sự kiện.
Điền form đăng ký ngay để AIM tư vấn chi tiết hơn cho bạn!