Brainstorm Là Gì? Các Kỹ Thuật Brainstorm Hiệu Quả (Phần 1)

Để có thể duy trì trạng thái “sáng tạo” trong ngành Marketing & Communication, cải thiện & nâng cao hiệu suất, các marketers cần thực hiện những quá trình brainstorm cật lực để gia tăng tỷ lệ “xuất hiện” của những ý tưởng thú vị. Cùng AIM tìm hiểu một số phương pháp brainstorm hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé!
Creative Communication

Nội dung bài viết

Để có thể duy trì trạng thái “sáng tạo” trong ngành Marketing & Communication, cải thiện & nâng cao hiệu suất, các marketers cần thực hiện những quá trình brainstorm cật lực để gia tăng tỷ lệ “xuất hiện” của những ý tưởng thú vị. Cùng AIM tìm hiểu một số phương pháp brainstorm hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé! 

I. Brainstorm là gì? Brainstorm trong quảng cáo là gì?

Brainstorming được hiểu là phương pháp động não, suy nghĩ một vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Bằng cách dựa trên các ý tưởng tập trung xung quanh vấn đề cần giải quyết, những người brainstorming sẽ xem xét các mặt lợi ích – tồn đọng rồi rút ra đáp án tốt nhất, sau đó tiếp tục triển khai.

Trong lĩnh vực quảng cáo, định nghĩa brainstorm được tạo ra bởi “ông trùm” lĩnh vực quảng cáo bấy giờ – Alex Faickney Osborn và nó đã xuất hiện đầu tiên trong quyển sách do ông biên soạn vào năm 1984. Sau đó, brainstorming trở thành thuật ngữ quen thuộc với mọi người, không kể công việc hay ngành nào.

Trong quá trình sáng tạo, giai đoạn brainstorm (hay nói một cách thân thuộc là “động não”) thường là giai đoạn “nóng bỏng”, mang đến cảm giác yêu – ghét sâu sắc,…đối với mỗi con dân sáng tạo nói riêng và phần lớn chúng ta nói chung.

Nói đơn giản, đối với con dân sáng tạo, đời “nở hoa” hay “bế tắc” phụ thuộc vào việc não thăng hoa hay “bí” tắc. Sẽ rất tuyệt vời và “thỏa mãn” khi bạn có thể nghĩ ra những ý tưởng xuất sắc, nhưng khi “bí” ý tưởng thì sẽ không mấy dễ chịu. Chính vì thế, con dân sáng tạo trong ngành quảng cáo cần những quá trình brainstorm ý tưởng có “kỹ thuật” nhằm tối ưu hóa chất xám của bản thân lẫn đội nhóm của mình.

II. Những nguyên tắc khi brainstorm ý tưởng sáng tạo

Những nguyên tắc khi brainstorm ý tưởng sáng tạo

Trong môi trường sáng tạo của ngành Marketing & Communication (đặc biệt là môi trường agency), brainstorm đem đến sự tích cực và tạo ra giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề. Thông qua trao đổi, thảo luận, các marketers sẽ tiếp nhận nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo khác nhau với cùng một chủ đề, vấn đề. Sau khi có sự thống nhất của tập thể, vấn đề sẽ được giải quyết một cách tối ưu nhất và sáng tạo nhất. 

Chính vì những tính chất trên, brainstorm (đặc biệt đối với brainstorm tập thể) cần “tuân theo” một số nguyên tắc “ngầm” nhất định để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh sự lan man hay xích mích lẫn nhau. Vì suy cho cùng, mục đích “tối thượng” của mỗi cuộc brainstorm là tìm ra giải pháp/câu trả lời cho vấn đề, nên rất cần sự đồng lòng của tất cả các thành viên thuộc tập thể.

Sau đây là những nguyên tắc “ngầm” của brainstorm mà bất cứ marketers nào cũng cần nắm bắt & tuân thủ:

1. Tập trung vào số lượng hơn chất lượng

Nghe có vẻ “ngược đời” phải không? – khi các sếp/quản lý thường đòi hỏi chúng ta mang đến những ý tưởng, giải pháp chất lượng nhất. 

Tuy nhiên, “brainstorm” là từ chỉ quá trình, không là một khái niệm đơn nghĩa. Một câu nói kiểu “Hãy brainstorm đi” không thể khiến ý tưởng tuôn trào ngay lập tức. Brainstorm là quá trình cần thời gian, nhất là với những người mới thì họ cần có sự bắt nhịp để quen dần. Chính vì thế, tổ chức các buổi brainstorm tức là mang ra, trình bày tất cả ý kiến mà bạn có – bất kể chúng có ngớ ngẩn như thế nào đi chăng nữa.

Ở giai đoạn này, không tồn tại khái niệm “ngớ ngẩn”, tất cả các ý tưởng đều bình đẳng về tính chất – đó là tính chất “xây dựng”. Vì lý do đó, đừng lo lắng về việc tạo ra các ý kiến chất lượng mà hãy tập trung vào số lượng.

Có thể khác nhau giữa các ngành, nhưng đối với riêng ngành quảng cáo sáng tạo (và một số ngành nghề khác), cần ưu tiên số lượng trước chất lượng! 

2. “Khoanh vùng” để đảm bảo tập trung bằng việc luôn bắt đầu từ “vấn đề”

Suy nghĩ nhiều ý tưởng là việc tốt, tuy nhiên, bạn không nên quá “free to go”, đi qua những chủ đề không liên quan hoặc không thể đạt được vì các lý do khác nhau. Hãy xem xét “khoanh vùng” chủ đề/vấn đề; đồng thời thiết lập những “giới hạn cần thiết”: về ngân sách, thời gian, mục tiêu, vấn đề,… Động thái này sẽ giúp buổi brainstorm của bạn đi đúng hướng, mang đến sự tối ưu về “chất xám” và tuân thủ mục tiêu chính của hoạt động brainstorming.

Ví dụ, nếu ngân sách cho chiến dịch tiếp thị mới là 2.000 đô la, nhưng bạn biết bạn không muốn tiêu tiền cho quảng cáo trả phí mỗi lượt nhấp, bạn có thể sử dụng sức mạnh brainstorm của mình cho các phương thức khác.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện tốt nguyên tắc này bằng việc xác định “vấn đề”: Vấn đề là gì? Ở đâu?… Trong ngành Marketing & Communication, “vấn đề” dễ tìm thấy nhất chính là nằm trong brief.

Cụ thể, bạn cần thực hiện “công tác” chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi tiến hành quá trình brainstorm. Tất nhiên, mục tiêu hàng đầu của brief là giải quyết vấn đề của khách hàng – đồng nghĩa với việc bạn cần nắm bắt, thấu hiểu insight khách hàng cũng như mục tiêu tổng quan (của chiến dịch, của team bạn,…).

Một ý tưởng phù hợp có thể sẽ chưa “xuất sắc”, nhưng ý tưởng đó không bao giờ có thể được gọi là “xuất sắc” nếu như không phù hợp.

Hãy ưu tiên tính chất “hữu dụng” trước tính “bay bổng”. “Vấn đề” ở đâu, idea sẽ ở đó!

3. “Don’t kill, build instead” – Đừng “giết” ý tưởng mà hãy “xây dựng”

Sẽ rất khó chịu nếu như bạn bị “cụt hứng” trong quá trình brainstorm vì bất cứ lý do nào – khi bản thân đang từng bước đạt đến sự thăng hoa của trí tuệ, sức sáng tạo. Đặc biệt trong brainstorm tập thể, tình trạng này càng “tối kỵ” hơn, vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của cả nhóm, tạo ra những xích mích không đáng có,…

Dựa trên nguyên tắc số 1 – “ưu tiên số lượng”, tất cả ý tưởng đều có tiềm năng và quý giá như nhau, chính vì thế, hãy giữ lại “nguyên vẹn” ý tưởng khi bạn nghĩ ra chúng. Dù là brainstorm tập thể hay một mình, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn có một ý tưởng tốt hơn, hãy cứ để ý tưởng cũ nằm một chỗ lưu trữ – bạn có thể sử dụng nó sau này cho một dự án khác hoặc thậm chí trong giai đoạn thứ hai của dự án hiện tại.

Những ý tưởng tưởng chừng có vẻ “lạc hậu”, “ngớ ngẩn” cũng có thể trở thành biện pháp hữu hiệu sau này.

Ngoài ra, khi brainstorm tập thể, hãy dành 100% sự tôn trọng đối với những ý tưởng của đồng đội. Có thể bạn biết rằng những ý tưởng ấy không phù hợp, nhưng đừng từ chối thẳng thừng hay “ngó lơ”. Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể tiếp nối sự thăng hoa của đồng đội bằng việc “build up” ý tưởng của họ để đi đến kết quả tốt hơn hoặc đẩy nhanh quá trình tìm kiếm ý tưởng.

Đã ngồi vào bàn brainstorm, đừng “giết” – hãy “xây dựng”!

4. Quy tắc 3 “Không” – Không hài lòng, không ngừng và không “cam kết”

Quy tắc này ít khi xảy ra, tuy nhiên không thể “loại” bỏ hoàn toàn khỏi danh sách. Khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời trong buổi brainstorm, bạn có thể cảm thấy cám dỗ bởi “cái tôi” và sự hài lòng, để rồi thực hiện “cam kết” với nó.

Tình trạng này có khả năng cao sẽ đưa bạn vào ngõ cụt trong vô thức, vì khi ấy bạn có thể chỉ đang brainstorm quanh ý tưởng “tuyệt vời” kia thay vì brainstorm một cách tự do. Chưa kể đến việc trong tâm thế “không hề hay biết”, bạn đã gắn kết quá trình brainstorm của mình vào ý tưởng đó để biến nó thành hiện thực – điều này sẽ hình thành tính cố chấp trong tư duy sáng tạo nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Giải pháp cho tình huống này là gì? Đó chỉ là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chính vì thế mà ta có quy tắc số 4 này – nói “Không” với ba thứ sau:

  • Không hài lòng với bất cứ ý tưởng nào hoàn toàn
  • Không ngừng sản xuất ý tưởng mới dựa trên nhiều góc độ khác

(Lưu ý: Việc ngừng tìm angle và ngừng để nghỉ ngơi là hai vấn đề khác nhau!)

  • Không “cam kết” với sự hài lòng, “thỏa mãn” của bản thân

Mục tiêu của buổi brainstorm, tất nhiên, là hoàn thiện một ý tưởng, giải pháp cuối cùng. Nhưng cho đến khi bạn đã tiếp cận sự “cuối cùng” đó từ tất cả các góc độ có thể, vẫn còn một quá trình dài để khám phá nhiều ý tưởng mới, tiềm năng hơn, hiệu quả hơn.

Hãy nhớ 3 “Không” – Không hài lòng, không ngừng và không “cam kết”!

5. Cứ đặt câu hỏi và trả lời, bạn sẽ có idea

Chất “kích thích” quá trình brainstorm là những câu hỏi. Hãy hỏi về những yếu tố xoay quanh vấn đề, càng nhiều càng có lợi – bạn sẽ càng “sản xuất” thêm nhiều idea, cũng như mở rộng tầm nhìn của bản thân về vấn đề.

Thậm chí, bạn có thể tự hỏi bản về thân nguồn gốc của những ý tưởng, để “khái quát” lại những khía cạnh bản thân đang chú ý, cũng như khám phá những khía cạnh mới chưa được chạm đến.

6. Nghỉ ngơi đúng lúc

“Vận” não tìm ý tưởng là điều cần làm (và phải làm). Tuy nhiên, nếu bạn muốn duy trì hiệu suất trong buổi brainstorm của mình, việc nghỉ ngơi là điều cần thiết. Đi dạo, lướt mạng xã hội hoặc ra ngoài ăn,…bất cứ hoạt động nào có thể giúp bạn thư giãn đầu óc.

Ngoài ra, dù là thực hiện brainstorm trong thời gian ngắn hay trong những “quãng” dài hơi, hãy lên lịch nghỉ ngơi để đảm bảo tâm trí của bạn (và cả đội nhóm của bạn) trong quá trình làm việc càng rõ ràng càng tốt.

III. So sánh group-brainstorming và solo-brainstorming 

Thông thường, hoạt động brainstorm thường gắn liền với hình ảnh tập thể, đội nhóm, và trong môi trường ngành quảng cáo sáng tạo cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, việc “động não” chung không phải lúc nào cũng mang đến kết tốt – khi những cái tôi, cá tính mạnh mẽ va chạm nhau nhưng không tìm thấy tiếng nói chung; hay khi các thành viên chưa “đủ” tin tưởng, thấu hiểu lẫn nhau, dẫn đến sự phòng vệ đến mức bảo thủ…

Mặt khác, ít ai chú ý đến việc brainstorm một cách “solo” – tức là một thân một mình tìm ý tưởng, đào sâu vấn đề,…, với lợi ích sau đây:

Loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài: Làm việc với một nhóm có nghĩa là bạn có thể do dự chia sẻ ý kiến của mình hoặc bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Bằng cách tự brainstorm, bạn chỉ phải đối mặt với ý nghĩ của chính mình.

Phá vỡ rập khuôn: Bằng việc tập trung hoàn toàn vào bản thân, việc brainstorm sẽ giúp truyền cảm hứng sáng tạo bằng cách cho phép não của bạn suy nghĩ theo nhiều cách mới: tự giác hơn, tự do hơn và tự chịu trách nhiệm hơn

Vậy thì, brainstorm tập thể hay một mình sẽ tốt hơn? Cùng AIM tham khảo bảng so sánh dưới đây nhé!

So sánh group-brainstorming và solo-brainstorming

 

GROUP-BRAINSTORMING

 SOLO-BRAINSTORMING 

Lợi ích

  • Dễ dàng hơn trong việc mở rộng ý tưởng với số lượng, quy mô lớn
  • Ít áp lực đối với từng cá nhân
  • Một ý tưởng có thể truyền cảm hứng cho cả nhóm cùng phát triển
  • Không cảm thấy áp lực về việc chia sẻ ý tưởng với người khác
  • Thực hiện lên ý tưởng vào bất kỳ thời gian, địa điểm tùy ý
  • Phù hợp để “đào sâu” vào nguồn cảm hứng mà không gặp trở ngại về thời gian

Bất lợi

  • Khó quản lý và thống nhất ý kiến
  • Dễ “lạc” khỏi vấn đề gốc rễ
  • Đòi hỏi tính kết nối, tinh thần đội nhóm cao
  • Ý tưởng chỉ mang tính chủ quan, thiếu sự đánh giá trên đa phương diện
  • Áp lực cá nhân cao
  • Mất nhiều thời gian hơn

 

Từ bảng so sánh trên, có những điều đáng lưu ý rằng một số người đơn giản là suy nghĩ sáng tạo tốt hơn khi làm việc một mình. Đối với tuýp người này, họ thường cảm thấy việc brainstorm trong đội nhóm là một trở ngại – điều đó cũng đồng nghĩa với việc đối với họ, tự brainstorm thông qua một giải pháp có độ phức tạp vừa phải có thể đạt được kết quả tốt hơn so với việc brainstorm nhóm.

Ở phía bên kia của “thái cực” (cũng là phần phổ biến nhất), mỗi cá nhân bên trong một tập thể thường cho rằng môi trường đội nhóm hội tụ đầy đủ các điều kiện tốt nhất để truyền cảm hứng sáng tạo. Và điều đó có nghĩa, tất nhiên, là một số người có thể gặp khó khăn khi tự brainstorm với sự hụt hơi, thiếu động lực, cảm giác thiếu kết nối,…

Chính vì thế, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn chính là kết hợp cả hai loại hình & xác định những vùng “thoải mái” của bản thân. Bạn có thể tự brainstorm ý tưởng trước mỗi buổi group-brainstorm hoặc ngược lại, miễn là bạn cho phép bản thân có một không gian riêng tư để tự do với những suy nghĩ của mình – điều này sẽ mang đến tinh thần thoải mái cho cả bạn cùng đồng đội.

IV. Các kỹ thuật brainstorm tham khảo giúp thúc đẩy sự sáng tạo của bạn

1. Starbursting (đặt câu hỏi)

Kỹ thuật Starbursting (đặt câu hỏi) giúp thúc đẩy sự sáng tạo của bạn

Đây là một kỹ thuật brainstorm trực quan, thường được sử dụng khi bạn hoặc nhóm muốn phân tích một ý tưởng cụ thể. Để bắt đầu, hãy viết ý tưởng cần phân tích (thường là big idea) vào giữa tấm bảng trắng, sau đó mở rộng nó bằng cách vẽ một ngôi sao sáu cánh. Mỗi nhánh tương ứng với một câu hỏi:

  • Ai? (Who)
  • Cái gì? (What) 
  • Khi nào? (When)
  • Hoặc? (Or)
  • Để làm gì? (For what)
  • Làm sao? (How)

Sau khi hoàn tất ngôi sao 6 cánh, việc bạn và nhóm của bạn cần làm là dành thời gian suy nghĩ về từng câu hỏi và tìm câu trả lời cho chúng, chẳng hạn như “”Ai sẽ muốn mua sản phẩm này?“” hoặc “”Khi nào chúng ta nên bắt đầu chương trình này?“”. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng xem xét các tình huống hoặc chướng ngại vật khác nhau mà trước đây bạn chưa từng nghĩ tới.

Phù hợp với: Brainstorm nhóm quy mô lớn, phân tích sâu vào các ý tưởng

2. Phương pháp “5 Whys” (tạm dịch: “5 câu hỏi Tại sao”)

Phương pháp phân tích nguyên nhân gốc rễ giúp thúc đẩy sự sáng tạo của bạn

Tương tự như starbursting, phương pháp “5 câu hỏi tại sao” được sử dụng để đánh giá sức mạnh của một ý tưởng. Bạn cần chọn một ý tưởng hoặc chủ đề, sau đó thử thách bản thân trả lời liên tiếp ít nhất năm câu hỏi bắt đầu bằng “Tại sao”. Để giúp tổ chức các ý tưởng một cách “hệ thống” hơn, bạn có thể thiết kế một lưu đồ (flowchart) hoặc sơ đồ nguyên nhân – kết quả (sơ đồ xương cá) để sử dụng cùng với kỹ thuật này.

Phù hợp với: Brainstorm cá nhân hoặc nhóm, phân tích sâu vào các ý tưởng

3. Phân tích SWOT

Phân tích SWOT giúp thúc đẩy sự sáng tạo của bạn

Trong lĩnh vực marketing, chắc chắn bạn đã từng ít nhất một lần thực hiện (hoặc biết đến) phân tích SWOT như một phần trong kế hoạch chiến lược. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng công cụ này cũng là một kỹ thuật brainstorm tuyệt vời để đánh giá độ chất lượng của một ý tưởng. Để làm điều này, hãy đặt ý tưởng vào 4 trục bên dưới và xác định xem ý tưởng của bạn có đáng để theo đuổi hay không:

  • Strength – Điểm mạnh: Ý tưởng có lợi thế hoặc nổi bật so với cách tiếp cận của đối thủ cạnh tranh của bạn ở mức độ nào?
  • Weakness – Điểm yếu: Ý tưởng có những điểm tiêu cực có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nó không?
  • Opportunities – Cơ hội: Bạn có thể nhận được gì khác từ ý tưởng này?
  • Threats – Các mối đe dọa: Những trở ngại nào có thể gây nguy hiểm cho dự án nếu bạn quyết định tiếp tục với ý tưởng của mình?

Phù hợp với: Brainstorm cá nhân hoặc nhóm, phân tích sâu vào các ý tưởng

4. Ma trận “How – Now – Wow”

Ma trận “How Now Wow” là một kỹ thuật dùng để xếp hạng các ý tưởng dựa trên mức độ đổi mới và mức độ dễ thực hiện của chúng. Khi bạn đã thu thập được một số ý tưởng riêng lẻ hoặc theo nhóm, hãy thảo luận với các đồng nghiệp của mình và phân loại các ý tưởng của bạn trên ma trận như sau:

  • Ý tưởng “How”: Ban đầu, nhưng chưa cụ thể.
  • Ý tưởng “Now”: Đã được chứng minh và dễ thực hiện.
  • Ý tưởng “Wow”: Độc đáo, sáng tạo và dễ thực hiện.

Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng mục tiêu của bạn là thu thập càng nhiều ý tưởng “Wow” càng tốt. Những điều này cho phép bạn thúc đẩy sự phát triển của ý tưởng, giúp đa dạng hóa các ý tưởng được trao đổi trong nội bộ. 

Phù hợp với: Brainstorm cá nhân hoặc nhóm, tìm giải pháp khả thi

5. Factor Analysis – Phân tích nhân tố

Đúng như tên gọi, kỹ thuật này giúp phân tích các yếu tố cơ bản hoặc nguyên nhân của một vấn đề. Trên thực tế, bạn chỉ cần tự hỏi những câu hỏi sau, một mình hoặc theo nhóm:

  • Nguồn gốc của [bản chất của vấn đề] là gì?
  • Sau đó là “Làm thế nào để giải thích [câu trả lời cho câu hỏi trước]?

Cũng giống như phương pháp “5 Whys”, bạn càng phân tích vấn đề sâu hơn, bạn sẽ càng hiểu rõ điều gì hiệu quả và điều gì không. Bạn sẽ giải quyết mọi vấn đề trước khi chúng trở thành trở ngại thực sự và tự tin thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình.

Phù hợp với: Brainstorm cá nhân hoặc nhóm, phân tích sâu các ý tưởng

Đọc tiếp: Brainstorm Là Gì? Các Kỹ Thuật Brainstorm Hiệu Quả (Phần 2) 

Tìm hiểu thêm về CÁC KHOÁ HỌC đa dạng và chuyên nghiệp trong lĩnh vực Marketing and Communication của AIM Academy ngay nhé!