Bắt đầu sự nghiệp với vị trí Junior Creative luôn là một hành trình đầy thử thách và không thiếu những áp lực. Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại là những bài học quý giá, giúp bạn trưởng thành và bền bỉ hơn trong ngành sáng tạo.
Trong bài viết này, một tác giả ẩn danh (Junior Creative) sẽ chia sẻ những trải nghiệm và bài học khó quên trong một năm làm việc tại agency, cùng những lời khuyên từ những người đã đi qua con đường này (Andreas Krasser, CEO của DDB Group Hong Kong) để giúp bạn vững vàng hơn trong hành trình sáng tạo của mình.
I. Cuộc đời của một Junior Creative mà chưa ai kể cho bạn nghe
Một bài đăng LinkedIn như thế này thì sao?
“Rất vui được thông báo rằng tôi đã giành Huy chương Vàng tại giải thưởng ‘Cú Sốc Của Năm’ nhờ khối lượng công việc khổng lồ chưa bao giờ được sử dụng và màn thể hiện xuất sắc trong một đợt thăng chức mà chẳng bao giờ xảy ra.”
Khi mới gia nhập một agency lớn, cảm giác phấn khích và hào nhoáng rất nhanh chóng biến mất. Tôi nhận ra mình đang đứng giữa một hệ thống phức tạp, với những dự án lớn luôn ngoài tầm với của các junior. Nếu may mắn có cơ hội tham gia, thì nó cũng kèm theo những cảnh báo nghiêm khắc về việc làm ngoài giờ và phải “nhớ đúng vị trí của mình”. Với tính cách cứng đầu, tôi coi đó là lời thách thức.
Cuộc đời của một Junior Creative mà chưa ai kể cho bạn nghe (Nguồn: Campaign UK)
Sau năm tháng kiệt quệ cố gắng chứng minh rằng một junior vẫn có thể làm việc như các anh chị senior, tôi đã làm không ngừng nghỉ, nhận vô số phản hồi từ giám đốc sáng tạo, team account và khách hàng. Tôi tạo ra rất nhiều mock-up đến mức máy tính của tôi chẳng còn đủ bộ nhớ… Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực ấy đều bị loại bỏ khi ý tưởng khác được chọn.
Thực sự rất đau lòng. Tại sao chúng ta lại ngại thừa nhận điều đó? Chúng ta luôn được dạy rằng “Chỉ là quảng cáo thôi mà” hoặc được an ủi rằng “Bạn đã làm rất tốt khi đi xa được như vậy”. Nhưng thực tế, suốt sáu tuần sau, tôi bị “dị ứng phấn hoa” vì ai hỏi về đôi mắt đỏ hoe của mình, và tôi đi dạo quanh khu phố nhiều hơn cả những gì tôi nhớ.
Nói lời tạm biệt với ý tưởng không phải phần khó nhất. Điều khó nhất là khi sếp của tôi ngồi xuống cùng tôi và partner sáng tạo đầu năm nay, nói rằng: “Hai em sẽ KHÔNG thắng đội senior đâu”. Và lần này, ông ấy đã đúng.
Là một junior thực thụ, tôi cần phải bắt đầu lại từ đầu. Thế là tôi lại làm việc trên một bản brief mới, với hy vọng mới… và cảm giác déjà vu. Tôi và “nghiên cứu” thực sự đã trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Đúng lúc chuẩn bị đánh giá sự nghiệp, tôi tự trấn an mình rằng “Mọi thứ sẽ ổn thôi,” vì trước đó, tôi được hứa hẹn sẽ có một sự thăng chức và tăng lương. Nhưng thật nực cười khi tôi thực sự tin vào điều đó. Nực cười hơn nữa khi buổi đánh giá sự nghiệp chỉ kéo dài 20 phút, toàn là lời khen ngợi ego của tôi, và kết thúc bằng câu: “Không có thăng chức nào cả”. Quả thật, tôi đã quá ngây thơ.
Lại thêm “dị ứng phấn hoa”. Lại thêm những lần đi dạo quanh khu phố. Lại thêm những bản brief và thất bại. Thêm brief, lại viết lại. Thêm brief, lại thất vọng.
Rồi… không còn gì. Không còn brief. Mọi người trấn an rằng “Đây chỉ là giai đoạn yên tĩnh thôi” và bảo tôi “hãy tận hưởng nó”. Vậy tại sao tôi lại cảm thấy bất an hơn bao giờ hết? Tại sao tôi lại bắt chuyến tàu lúc 5:43 sáng để đến văn phòng trước mọi người? Tại sao tôi lại biết tên của các cô lao công làm ca sáng sớm?
“Những tác phẩm đoạt giải thường được làm trong thời gian nhàn rỗi.”
Có quá nhiều áp lực để tôi phải chứng minh giá trị của mình. Tôi nên đọc nhiều hơn, xem nhiều phim hơn, nghe nhiều podcast hơn, sáng tạo hơn, đẩy giới hạn xa hơn. Cứ như vậy, nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
Mỗi lần lướt LinkedIn như một nhát dao đâm vào vết thương. Một dự án tôi chưa làm được, hay một sự thăng chức mà tôi chưa nhận.
Và rồi, thời gian trôi qua. Những món đồ trang trí Giáng sinh đã tràn ngập các cửa hàng, và tôi đang lên kế hoạch cho lễ mừng năm mới của mình. Một năm đã qua và tôi có một bài đăng mạng xã hội cho khách hàng, đạt 12 lượt thích, để thêm vào portfolio.
Tôi có lẽ sẽ không viết một bài đăng LinkedIn tổng kết rằng tôi đã có một năm tuyệt vời như thế nào. Nhưng có lẽ, nếu tôi đủ dũng cảm, tôi sẽ viết về tất cả những lần bị từ chối, vì, như một giám đốc sáng tạo đã từng nói với tôi trong một đêm muộn tại văn phòng: “Công việc này đầy rẫy sự từ chối.”
Và tôi nghĩ mình đã học được điều đó.
II. Hãy bình tĩnh và tự tìm cho mình một chiếc phao!
Andreas Krasser, CEO của DDB Group Hong Kong, chia sẻ rằng bài viết của tác giả ẩn danh này khiến ông nhớ lại những ngày đầu sự nghiệp, khi luôn khao khát được lắng nghe nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua. Điều này khiến ông tự hỏi: Liệu khi đã đạt đến vị trí lãnh đạo, ông có vô tình trở thành người “không nhìn thấy” những người trẻ đang chật vật như mình ngày xưa?
Với sự đồng cảm sâu sắc, Andreas quyết định viết một bài phản hồi – không phải để tô hồng thực tế mà để mang đến những lời khuyên thiết thực cho các junior creative, những người đang phải chiến đấu mỗi ngày với cảm giác mệt mỏi và áp lực.
Hãy bình tĩnh và tự tìm cho mình một chiếc phao! (Nguồn: Campaign Asia)
1. Đừng để LinkedIn làm bạn lung lay
Trong thế giới mạng xã hội, đặc biệt là LinkedIn, dễ dàng bị cuốn vào những bài đăng tự hào và những lời “khiêm tốn” giả tạo. Đừng để những điều này đánh lừa bạn. Phía sau những bài đăng lung linh là một thực tế đầy khó khăn mà không phải ai cũng kể. Andreas thừa nhận chính ông cũng từng đăng những bài tự khen, khiến người khác nghĩ rằng sự nghiệp của ông chỉ toàn “cầu vồng và kỳ lân”. Tuy nhiên, sự thật là năm nào cũng đầy thử thách.
2. Làm rõ các mục tiêu và kỳ vọng
Bạn có trách nhiệm yêu cầu cấp trên đưa ra các KPI rõ ràng và đo lường được – và nếu cần, hãy tự viết ra và thuyết phục họ đồng ý. Nếu các KPI của bạn bao gồm giải thưởng hay ý tưởng sáng tạo đột phá, quản lý cũng phải đảm bảo bạn có cơ hội làm việc với đúng brief và tham gia các dự án phù hợp.
3. Tận dụng sự hướng dẫn từ người đi trước
Thay vì coi các senior creatives là đối thủ, hãy biến họ thành nguồn học hỏi. Hỏi ý kiến, xin lời khuyên, hoặc thậm chí yêu cầu một người làm mentor cho bạn. Nếu không tìm được trong agency, hãy mở rộng ra bên ngoài. Dù việc tìm mentor có thể khó xử, nhưng nó đáng giá. Hãy bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện để học hỏi về họ trước, sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn.
4. Đưa góc nhìn thực tế vào các buổi đánh giá thành phẩm
Thay vì chỉ dựa vào cảm giác hoặc ý kiến cá nhân, hãy đưa ý tưởng của bạn ra ngoài đời thực. Hỏi ý kiến người tiêu dùng thực sự, ghi lại phản hồi của họ và sử dụng chúng để chứng minh giá trị ý tưởng của bạn.
5. Hãy chậm lại, không sao cả
Thành công không nhất thiết phải đến ngay lập tức. Những ngày đầu sự nghiệp là thời gian để bạn học hỏi, phát triển kỹ năng và khám phá chính mình. Việc định hướng rõ ràng từ KPI sẽ giúp bạn ưu tiên và tập trung vào những điều quan trọng nhất.
III. Tạm kết
Bài viết của người junior creative đã mở ra một cuộc thảo luận sâu sắc về những áp lực trong ngành sáng tạo. Andreas không chỉ đồng cảm mà còn đưa ra những lời khuyên thực tế, từ việc tránh sự ồn ào vô ích trên mạng xã hội đến việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ và học hỏi từ những người đi trước.
Thành công không phải lúc nào cũng là một đường thẳng. Những hành động nhỏ, kiên trì của bạn sẽ tích lũy theo thời gian. Hãy tập trung vào công việc, không ngừng hoàn thiện kỹ năng và đừng quên rằng: Hãy chậm lại, cũng không sao.
Nguồn: Campaign UK & Campaign Asia
Để cập nhật những thông tin mới nhất về ngành Marketing & Communication, cũng như những case study hay ho, đừng quên truy cập kho tài liệu của AIM nhé!