Để có được các chiến dịch truyền thông quảng cáo thành công, ngoài sự góp công trực tiếp từ content “bạc tỷ”, chắc chắn không thể thiếu một Media Plan vững chắc. Với chiến lược lập kế hoạch truyền thông kỹ lưỡng, các marketer có thể theo dõi thành công của chiến dịch một cách chính xác và toàn diện, đồng thời đưa ra quyết định sáng suốt về cách tối ưu hóa hiệu suất trong tương lai.
Chính vì vậy, các marketer cần định hướng chuẩn chỉnh cho media planning – thứ bài viết này có thể cung cấp ngay sau đây.
I. Tổng quan về media planning
Media planning là gì – Đây là quá trình mà các marketer xác định cách thức, thời điểm và địa điểm mà khán giả được cung cấp một thông điệp quảng cáo đã chọn. Các media planner sẽ phân tích đối tượng, kênh và quảng cáo để xác định cách hiệu quả nhất để truyền đạt thông điệp tới đối tượng hướng đến.
Trong bối cảnh tiếp thị bận rộn và cạnh tranh ngày nay, lập kế hoạch truyền thông là điều cần thiết, vì các thương hiệu, doanh nghiệp cần phục vụ người tiêu dùng với đúng thông điệp, vào đúng thời điểm, trên đúng kênh để nhận được sự tương tác, từ đó xây dựng mối liên kết “sâu đậm” giữa thương hiệu và khách hàng.
Vậy thì: một media plan hoàn chỉnh sẽ “phác thảo” một bức tranh “toàn cảnh”: đối tượng khách hàng được nhắm đến, “địa điểm” (trên kênh nào?), thời điểm (khi nào đăng?), và thông điệp (muốn nói gì với khách hàng?).
Lưu ý: Dù cùng được gọi là “truyền thông”, nhưng “Media” rất khác so với “Communication”!
- “Media” là PHƯƠNG TIỆN truyền thông đại chúng, là tổng hợp các kênh, các phương thức để doanh nghiệp truyền tải hình ảnh, thông điệp đến khách hàng. Media bao gồm cả các kênh truyền thống như báo chí, in ấn, biển quảng cáo,… và các kênh kỹ thuật số như báo đài, tivi, máy tính, internet…
- “Communication” là QUÁ TRÌNH truyền thông – tức là liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, tình cảm, kỹ năng nhằm tạo sự liên kết lẫn nhau để dẫn tới sự thay đối trong hành vi và nhận thức. Để đảm bảo quá trình diễn ra trọn vẹn, cần đảm bảo những yếu tố sau: Nguồn (Source) hoặc Người gửi (Sender), Thông điệp (Message), Kênh (Channel) và Người tiếp nhận (Receiver)
Và bài viết này đang và sẽ hướng đến “Media” – tức là những nền tảng phương tiện mà các marketer, các doanh nghiệp, thương hiệu đang “nhắn gửi” những thông điệp đến với khách hàng của họ.
1. Mục tiêu của một Media Plan
Người lập kế hoạch truyền thông cần xác định sự kết hợp của các quảng cáo để đạt được một kết quả cụ thể. Các mục tiêu thường phải phù hợp với mục tiêu kinh doanh và mục tiêu marketing, chẳng hạn như tăng trưởng dài hạn và cải thiện ROI,…
Và việc lập kế hoạch truyền thông chính là sử dụng nhiều chiến thuật để nâng cao nhận thức về thương hiệu, tạo khách hàng tiềm năng hoặc thúc đẩy chuyển đổi để giúp tổ chức của họ hoàn thành các mục tiêu trên.
Hay nói cách khác, mục đích của media plan chính là “hiện thực hóa” những mục tiêu marketing và mục tiêu kinh doanh thông qua sử dụng, tận dụng các nền tảng phương tiện truyền thông.
2. Tầm quan trọng của một kế hoạch truyền thông – media plan
Như đã đề cập, vì media đóng vai trò như “phương tiện” truyền tải, nên Media Plan đóng vai trò như “xương sống” liên kết, sắp xếp toàn bộ nội dung, hoạt động marketing, quảng cáo,… theo một tiến trình, lịch trình cụ thể nhằm “sử dụng” nội dung đạt hiệu quả cao nhất và đạt được mục tiêu “tổng” của marketing.
Nói không ngoa, Media Plan sẽ là “người trợ lý” đắc lực để con dân content thỏa sức sáng tạo mà không lo bị “lố”. Chính vì thế, khi thiết lập một kế hoạch truyền thông, cần cân nhắc những yếu tố sau:
- Quảng cáo cần tiếp cận ai?
- Ngân sách cho marketing là bao nhiêu?
- Mục tiêu chuyển đổi là gì?
- Thông báo nên được hiển thị với tần suất như thế nào?
- Phạm vi tiếp cận là gì (có bao nhiêu người sẽ nhìn thấy nó)?
- Thế nào là một kế hoạch truyền thông thành công như thế nào?
II. Các loại media plan
Để xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, các marketer phải quyết định loại phương tiện nào (truyền thống hay kỹ thuật số) sẽ tiết kiệm chi phí và mang lại doanh số “tốt nhất”, “phù hợp nhất”.
Có ba loại phương tiện truyền thông chính được xem xét khi xây dựng kế hoạch truyền thông:
1. Paid media
Paid media là các công cụ, kênh truyền thông mà thương hiệu cần chi trả một khoản tiền để quảng bá sản phẩm/ dịch vụ của mình, bao gồm các hoạt động: Quảng cáo truyền hình, quảng cáo hiển thị, quảng cáo tìm kiếm hoặc tài trợ, PPC (pay-per-click – quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột)…Với vị trí quảng cáo được đảm bảo, thương hiệu có thể tiếp cận được thị trường mục tiêu ngay lập tức.
Điều này cho phép các nhà tiếp thị kiểm soát thời gian, địa điểm và cách thức truyền tải thông điệp. Đây là cách phổ biến nhất để các thương hiệu tiếp xúc và tăng doanh số bán hàng một cách “tức thời”. Nhờ hiệu quả trong việc tiếp cận đối tượng lớn, Paid Media thường được đẩy mạnh trước khi bán hàng và giảm dần trong thời gian thấp điểm.
2. Owned media
Owned media là các công cụ, những kênh truyền thông thuộc sở hữu của thương hiệu: blog, website, ứng dụng, tài khoản mạng xã hội (fanpage)… Bằng cách tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của công ty, marketer có thể tăng phạm vi tiếp cận khách hàng và nâng cao nhận thức về thương hiệu.
Chính vì thế, các owned media thường được sử dụng khá thường xuyên vì có mức độ phổ biến rộng rãi kèm với chi phí thấp (hoặc không tốn chi phí).
Đọc ngay bài Lộ trình tự học Content Marketing (phần 1) – một trong những Owned Media cực kỳ hiệu quả!
3. Earned media
Earned media là những kênh thúc đẩy thảo luận, phản hồi của khách hàng hoặc các bên liên quan về thương hiệu, chẳng hạn như đánh giá của khách hàng hoặc một bài đăng trên Facebook. Nhờ được “sản xuất” bởi chính khách hàng, những nội dung phát sinh trên Earned Media thường đáng tin hơn so với Paid hoặc Owned Media. Những phản hồi này cũng có thể giúp cải thiện chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp/thương hiệu đang cung cấp.
Bằng cách cân nhắc chi phí và lợi ích của từng nền tảng, doanh nghiệp, thương hiệu có thể quyết định đầu tư và tiến hành lên kế hoạch đối với hình thức truyền thông phù hợp nhất với kế hoạch truyền thông.
III. Lợi ích của media plan
Marketing hiện đại thường yêu cầu các marketer tận dụng nhiều hình thức truyền thông và kế hoạch truyền thông dựa trên dữ liệu cung cấp, thông tin được cung cấp trên tất cả các nền tảng. Điều này giúp tối ưu hóa các chiến dịch và thông điệp, cũng như hợp lý hóa quy trình xem xét chiến dịch.
Lợi ích chính của lập kế hoạch truyền thông bao gồm:
- Thiết lập quy trình: Mua phương tiện truyền thông có thể là một quá trình phức tạp và tốn thời gian. Bằng cách thực hiện các kế hoạch và quy trình, các marketer có thể nâng cao hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên trên toàn diện.
- Theo dõi ngân sách: Các marketer phải biết ngân sách của họ. Do đó, một kế hoạch truyền thông tốt sẽ “bao quát” tất cả các chi phí và ước tính được ROI.
- Phân tích phân khúc & đối tượng: Phần lớn kế hoạch truyền thông là thấu hiểu đối tượng và thông điệp nào sẽ cộng hưởng với họ. Do đó, media plan sẽ hỗ trợ marketer thu thập thông tin, dữ liệu về đối tượng khách hàng họ đang hướng đến.
- Tối ưu hóa & thử nghiệm: Một kế hoạch truyền thông tốt sử dụng dữ liệu có sẵn để xác định độ hiệu quả của các hoạt động thực thi (hoạt động nào đang hiệu quả/ không hiệu quả, hay hoạt động nào có thể hiệu quả?).
- Cải thiện ROI: Lập kế hoạch truyền thông cho phép tạo một chiến dịch được tối ưu hóa về chi phí, hiệu quả,…,từ đó có thể cải thiện ROI.
Đọc thêm bài viết Tự học Performance Marketing chuyên sâu để hình dung rõ nét về những yếu tố nói trên.
IV. Phân biệt media planning & media buying
Vì có khái niệm Paid media – tức là những nền tảng truyền thông trả phí, nên nhiều marketer mới vào nghề thường lầm tưởng việc lên kế hoạch truyền thông (Media Planning) chính là việc mua các phương tiện truyền thông (Media Buying). Đính chính lại: Trong media, “lên kế hoạch” và “mua” là hai khái niệm khác nhau:
- “Lên kế hoạch” truyền thông là chuẩn bị tất tần tật mọi thứ về media, bao gồm cả việc “mua” kênh.
- “Mua” kênh truyền thông (Media Buying) là việc mua quảng cáo từ một công ty truyền thông như đài truyền hình, tạp chí, blog hoặc website. Nó cũng đòi hỏi phải đàm phán về giá cả và vị trí của quảng cáo, cũng như nghiên cứu các nơi tốt nhất cho vị trí quảng cáo.
Đặc biệt, đối với media buying, có những yếu tố cần lưu ý:
- Đối với quảng cáo trên TV, phải xem xét các yếu tố cần thiết, chẳng hạn như thời gian, không gian, rating, nhu cầu dẫn đầu,… Giá cả của phương tiện truyền thông sẽ phụ thuộc vào chi tiết cụ thể của chiến dịch quảng cáo, chẳng hạn như liệu nó có xuất hiện ở một thành phố, trong khu vực hoặc toàn quốc hay không.
- Trên website, giá mua phương tiện truyền thông sẽ được xác định bởi các yếu tố như: quảng cáo sẽ được được ở đâu trên trên trang, quảng cáo sẽ xuất hiện trên bao nhiêu trang của website, kích thước quảng cáo lớn bao nhiêu, quảng cáo chạy trong bao nhiêu ngày, có bao nhiêu lưu lượng truy cập vào website và nhân khẩu học người dùng của website như thế nào…
Chính vì thế, các marketer cần đánh giá các định dạng và tỷ lệ nền tảng để đảm bảo chúng phù hợp với kế hoạch, thương lượng chi phí, bắt kịp các xu hướng truyền thông và xây dựng mối quan hệ với các đối tác ở các kênh và nền tảng khác nhau để “chi tiêu” hợp lý.
Mua phương tiện truyền thông thường tận dụng một trong những chiến lược phổ biến sau:
- Đặt giá thầu thủ công
- Mua trực tiếp
- Mua có lộ trình
- Đặt giá thầu thời gian thực
V. Những điều cần lưu ý khi làm media plan
Vì tính chất quan trọng của các kênh truyền thông trong “công cuộc” quảng bá, các thương hiệu/doanh nghiệp cần thực hiện lên kế hoạch truyền thông một cách chỉn chu nhằm đạt được hiệu quả tối ưu, cũng như hạn chế tối đa rủi ro trong “thế giới ảo” luôn bất biến.
Cụ thể, marketer thường mắc những lỗi sai sau:
- Không đầu tư nhiều vào việc thử nghiệm
Đây có thể là vấn đề rất dễ mắc phải trong những bước đầu lập media planning. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp start-up còn non trẻ và quy mô nhỏ. Đa số họ đều hạn hẹp về ngân sách cũng như đầu vào còn khá ít. Tuy nhiên, chỉ cần có chiến lược cụ thể về chi tiêu thì sẽ không còn nỗi lo “lãng phí”. Có một số nền tảng media “đặc thù” rất cần sự thử nghiệm để thấu hiểu chúng. Vậy nên hãy can đảm đầu tư vào những bước đầu tiên để không bị tiêu tốn nhiều tiền về sau.
- Không có mục tiêu rõ ràng và số liệu đo lường cụ thể
Trước khi đầu tư tiền vào bất kỳ chiến lược truyền thông nào, điều đầu tiên các marketer cần làm là có được mục tiêu xác định hoặc thành tự phải đạt được thật rõ ràng. Chính vì media plan phụ thuộc vào marketing plan và business plan, nên nhất thiết phải làm rõ về những chỉ số, dữ liệu để có một kế hoạch truyền thông có hiệu quả và ít tiêu tốn ngân sách nhất.
- “Bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”
Một trong những điều marketer phải quan tâm trong media planning đó chính là phải đa dạng hoá chi tiêu. Có nghĩa là không “dồn hết” quá nhiều ngân sách vào một phương án truyền thông, mà thay vào đó là chia thật hợp lý các khoản tiền của mình vào từng mảng truyền thông khác nhau. Vì những mảng ấy sẽ mang đến một lượng khách hàng tiềm năng không hề nhỏ. Ngoài ra, chúng ta có thể hạ thấp rủi ro về thất bại nhờ vào xem xét và điều chỉnh lại kế hoạch thông qua theo dõi kết quả thường xuyên.
- Không quan sát “bức tranh tổng thể”
Marketing và truyền thông luôn thay đổi, việc của marketer là luôn cập nhật và đổi mới. Tuy nhiên, để có thể “thích ứng” kịp thời, các marketer cần quan sát tổng quan tình hình, xem xét sự việc theo chiều hướng dài hạn; từ đó điều chỉnh media plan theo những “hướng đi” phù hợp.
- Không kiểm tra tiến độ thường xuyên
Lỗi này thường mắc với ở những mô hình kinh doanh quy mô nhỏ – nơi thương hiệu/doanh nghiệp có xu hướng “mặc kệ” các chỉ số cho đến khi cầm trên tay bản báo cáo mỗi cuối tháng – Dữ liệu đều có câu chuyện.
Tần suất xem xét các chỉ số mỗi ngày phản ánh media planning của bạn hoạt động ra sao; kế hoạch truyền thông liệu có đang đi đúng hướng; hay thậm chí là cho chúng ta biết chúng ta cần thay đổi Media Planning sao cho phù hợp. Biết cách phân tích và xem xét sẽ giúp chúng ta nhận ra tín hiệu tốt và xấu từ rất sớm.
Không chỉ những lỗi sai, các marketer sẽ phải đối mặt với những thử thách “khó nhằn” trong quá trình Media Planning. Cụ thể:
- Đặt mục tiêu ở cấp độ người tiêu dùng: Kế hoạch truyền thông phải hiểu người tiêu dùng ở cấp độ chi tiết để xác định loại thông điệp nào phù hợp với họ, yêu cầu phân tích chiến lược marketing chuyên sâu và giải pháp đo lường đa kênh
- Lựa chọn nền tảng phù hợp: Các thương hiệu cũng phải biết các kênh và nền tảng khác nhau mà các đối tượng mục tiêu thường tương tác (và khi nào họ tương tác). Điều này sẽ cho phép việc chọn phương tiện truyền thông để chạy chiến dịch một cách hiệu quả và phù hợp với ngân sách và chi tiêu truyền thông.
- Tập trung ngân sách lớn: Lập kế hoạch truyền thông thường “phụ thuộc” vào ngân sách nhiều hơn là sự tương tác của khách hàng – tức là rất khó (và không mấy khôn ngoan) có thể “chi tiền” mạnh tay vào chỉ một hay hai kênh có lượng tương tác cao. Lập kế hoạch truyền thông hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt trong việc phân bổ ngân sách cho các kênh khác nhau nhằm đạt hiệu quả truyền thông tối đa và hạn chế rủi ro về thiếu hụt ngân sách.
- Tích hợp và sử dụng thành thạo các phép đo lường: Vì có rất nhiều kênh trực tuyến và ngoại tuyến, các marketer sẽ gặp khó khăn trong việc đo lường sự thành công của các chiến dịch cùng lúc với nhau để xác định xem chiến dịch nào hiệu quả nhất và chiến dịch nào cần được cập nhật.
Vậy mới thấy, làm media đôi khi còn căng thẳng hơn việc bí “content” nhiều…!
Tìm hiểu thêm về cách lập kế hoạch truyền thông trong bài viết này: Media Strategy Planning: Hoạch Định Chiến Lược Kênh Truyền Thông
VI. Xây dựng media plan với 4 bước
Lập kế hoạch truyền thông là một quy trình chi tiết đòi hỏi người lập kế hoạch phải xem xét nhu cầu của người tiêu dùng mục tiêu cũng như mục tiêu của doanh nghiệp để bản kế hoạch được “chỉn chu” nhất.
Dưới đây là các bước cần thiết và những cân nhắc mà các marketer cần thực hiện khi lập một kế hoạch truyền thông:
Bước 1. Xác định mục tiêu chiến lược và mục tiêu truyền thông
Đây là bước thường bị “đơn giản hóa” quá mức – với câu trả lời thường là “thúc đẩy chuyển đổi” hoặc “tương tác”. Tuy nhiên, các mục tiêu có thể khác nhau tùy theo bộ phận hoặc có thể có nhiều mục tiêu cho một chiến dịch. Bộ phận bán hàng có thể nhắm mục tiêu tăng doanh thu trong khi mục tiêu tiếp thị có thể là tăng nhận thức về thương hiệu… Biết được mục tiêu chính của chiến dịch sẽ xác định được cách thực hiện chiến, cũng như thông điệp của nó.
Khi các mục tiêu đã rõ ràng, các nhà hoạch định truyền thông cần tiến hành nghiên cứu xu hướng thị trường và bối cảnh cạnh tranh. Hành động này sẽ cung cấp tầm nhìn về nơi các thương hiệu và mục tiêu tương tự đã đạt được thành công trong quá khứ, cung cấp thông tin cho các quyết định lập kế hoạch. Ví dụ: “Nếu một thương hiệu từ lâu đã dựa vào các chiến dịch email nhưng nghiên cứu cho thấy rằng các đối thủ cạnh tranh đã thành công hơn với quảng cáo gốc, thì có lẽ đã đến lúc thay đổi kế hoạch.”
Và tất nhiên, khi xác định mục tiêu và thiết lập mục tiêu, kế hoạch truyền thông phải tính đến ngân sách. Lưu ý, bạn cần tránh chỉ định số tiền nghiêm ngặt cho các kênh cụ thể. Cách tiếp cận linh hoạt đối với ngân sách cho marketing sẽ cho phép thực hiện tối ưu hóa khi các chiến dịch “chạy”.
Bước 2. Xác định đối tượng mục tiêu (Target Audiences)
Marketing ngày nay được thúc đẩy bằng cách tạo ra trải nghiệm khách hàng tích cực. Khi phát triển thông điệp và chọn nơi hiển thị trên toàn bộ phương tiện truyền thông, các marketer cần tập trung vào nhu cầu của đối tượng cụ thể.
Trước tiên là xác định phân khúc khán giả mà thương hiệu đang hướng đến.
Kế đến, xem xét phân bổ các phép đo và phân tích tương tác để hiểu loại quảng cáo mà người dùng “thường” tương tác, từ đó xác định quảng cáo nào hiệu quả nhất.
Cuối cùng trong bước này là đảm bảo kết hợp dữ liệu cấp độ người được thu thập thông qua phương pháp đo lường thống nhất để có được kết quả phù hợp nhất.
Bước 3. Xem xét tần suất & phạm vi tiếp cận
Một thành phần quan trọng khác của kế hoạch truyền thông là phạm vi tiếp cận và tần suất.
- Phạm vi tiếp cận đề cập đến số lượng người mà chiến dịch sẽ tiếp cận trong một khoảng thời gian cụ thể.
- Tần suất đề cập đến số lần người tiêu dùng sẽ xem quảng cáo trong suốt chiến dịch.
Có một vài cách tiếp cận phổ biến mà các marketer có thể xem xét thực hiện khi lựa chọn tần suất:
- Liên tục: Quảng cáo sẽ chạy theo một lịch trình nhất quán trong suốt chiến dịch (ví dụ 2 clip quảng cáo/ tuần). Chiến lược liên tục thường được sử dụng cho những hàng hóa không theo mùa và yêu cầu củng cố thường xuyên để giữ vững vị trí hàng đầu.
- Flighting: là một quy trình trong đó các nhà quảng cáo lên lịch thực hiện các chương trình quảng cáo trong khoảng thời gian tối ưu, rồi sau thời gian đó họ không thực hiện thêm hoạt động nào khác. Khoảng thời gian chạy chương trình quảng cáo đang được gọi là “flight” (tạm dịch: chuyến bay). Hình thức này hoạt động tốt cho các sản phẩm theo mùa hoặc cho những sản phẩm có ngân sách quảng cáo ít hơn.
- Pulsing: là sự kết hợp của hai phương pháp trên. Điều đó có nghĩa là có một luồng quảng cáo chạy liên tục nhưng tần suất và khối lượng quảng cáo tăng và giảm dựa trên hiệu quả của chiến dịch.
Bước 4: Phân tích và tối ưu hóa hiệu suất chiến dịch
Một trong những bước quan trọng nhất để xây dựng chiến lược lập kế hoạch truyền thông là liên tục theo dõi và phân tích hiệu suất. Sẽ không khôn ngoan nếu chỉ “thiết lập và quên nó đi”, chiến dịch marketing đòi hỏi sự quản lý liên tục để thúc đẩy ROI tối đa. Bước này cho phép các planner xác định các cơ hội để tối ưu hóa hiệu suất trong thời gian thực dựa trên những gì hiệu quả hoặc không hiệu quả cho từng chiến dịch.
Bổ sung kiến thức ngay với ví dụ cụ thể về các bước trên thông qua mô hình Marketing Funnel
VII. Một số mẹo xây dựng media plan hiệu quả
Ngoài 4 bước cụ thể trên, bạn có thể xem xét ghi nhớ một số mẹo sau để quá trình lập kế hoạch truyền thông trở nên dễ dàng hơn:
- Xác định Reach: Chọn các địa điểm và xác định thời gian tiếp cận tốt nhất đối tượng mục tiêu của bạn. Ví dụ: mua không gian quảng cáo trong một sự kiện truyền hình trực tiếp (chẳng hạn như một trận đấu thể thao) đảm bảo rằng người xem sẽ xem chương trình trực tiếp và không “skip” quảng cáo.
- Thiết lập mục tiêu rõ ràng: Hãy dành thời gian trả lời cụ thể và chi tiết những câu hỏi trong quá trình lên kế hoạch: Đây có phải là một chiến dịch xây dựng thương hiệu hay bạn đang tìm kiếm khách hàng tiềm năng? Bạn muốn tiếp cận bao nhiêu người?…
- Xem xét cách gia tăng tương tác: Làm thế nào để khuyến khích mọi người nói về thương hiệu của bạn? Đảm bảo rằng quảng cáo của bạn có định hướng rõ ràng về những gì sẽ cộng hưởng với đối tượng mục tiêu này dựa trên những đặc điểm về nhân khẩu học và lượng người xem. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn có cách kiểm tra tính hiệu quả của quảng cáo.
- Phân bổ mô hình: Đảm bảo rằng bạn đang sử dụng mô hình marketing có thể theo dõi phương tiện truyền thông trực tuyến và ngoại tuyến một cách hiệu quả. Sử dụng mô hình phân bổ phù hợp có thể đảm bảo nhóm của bạn đưa ra các lựa chọn hợp lý khi lập kế hoạch truyền thông.
VIII. Tạm kết
Với việc lập kế hoạch truyền thông toàn diện, các thương hiệu, doanh nghiệp có thể “tự chủ” hơn trong việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu nhằm cải thiện ROI, thúc đẩy chuyển đổi… Chính vì thế, xây dựng media plan luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong bản kế hoạch marketing tổng thể.
Hay nói cách khác, bất cứ marketer nào cũng nên học hỏi, tìm hiểu về media, cũng như học cách xây dựng media plan.
Vừa hay, AIM Academy đề xuất cho bạn tham gia khóa học STRATEGIC COMMUNICATION PLANNING – nơi bạn có thể học tất tần tật về xây dựng, hoạch định kế hoạch truyền thông, cùng những kiến thức cần thiết liên quan khác
Đăng ký ngay để được nhận những ưu đãi học viên từ AIM Academy nào!