Trong thời đại công nghệ số, cuộc đua giữa các thương hiệu ngân hàng ngày càng khốc liệt. Giữa muôn vàn đối thủ, việc lựa chọn đúng loại chiến dịch marketing và xác định KPI phù hợp chính là chìa khóa vàng để dẫn đầu thị trường. Cùng AIM khám phá các loại chiến dịch và KPI phổ biến trong ngành ngân hàng dưới đây nhé!
I. Chiến dịch ra mắt sản phẩm – Case study TPBank
Product launch campaign hay chiến dịch ra mắt sản phẩm là loại chiến dịch nhằm giới thiệu và đưa các sản phẩm mới ra thị trường. Một chiến dịch ra mắt hiệu quả sẽ đảm bảo sản phẩm mới của bạn đạt được thành công tối đa cũng như tiếp cận được đối tượng khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.
Đối với ngành ngân hàng, chiến dịch sẽ tập trung vào:
- Thiết lập giá bán thấp hơn so với giá của đối thủ cạnh tranh
- Đưa ra các tiện ích khác kèm theo: cung cấp cho khách hàng những tiện ích của sản phẩm như tích hợp AI, vân tay, dễ sử dụng…nâng tầm sản phẩm, khuyến khích người mua sử dụng.
- Khai thác các lợi thế của sản phẩm mới với từng nhóm đối tượng phù hợp: sản phẩm ra mắt thường sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhóm khách hàng trong nhiều thời điểm khác nhau. Cụ thể:
- Nhóm người mua trong giai đoạn đầu: tìm kiếm những lợi ích mang tính cá nhân hơn, như giao diện đẹp mắt, muốn thử ứng dụng mới, thỏa mãn sở thích là người ‘đầu tiên’.
- Nhóm khách hàng ở giai đoạn sau: bị hấp dẫn bởi các tiện ích nổi bật của sản phẩm mang lại, nhất là khi nó có sự khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường.
- Marketing trên nhiều kênh khác nhau: Kết hợp nhiều kênh quảng cáo: truyền thông đại chúng, marketing trực tiếp, email marketing, PR, website, văn hóa sản phẩm, xúc tiến bán hàng, giao tiếp nhân viên, triển lãm thương mại.
- Hợp tác với người nổi tiếng (celeb, KOL, KOC): Những người nổi tiếng có một lượng fans rất lớn. Chọn người phù hợp sẽ giúp tăng nhận thức thương hiệu, tạo niềm tin, sự quan tâm và tương tác.
Case study nổi bật: Chiến dịch ‘Định danh 5 giây, có tài khoản dùng ngay’ từ TP Bank
Mục tiêu trong chiến dịch lần này
- Mục tiêu truyền thông:
- Tăng nhận biết về công nghệ định danh điện tử eKYC mới và tính năng “mở tài khoản online dùng ngay” của ứng dụng TPBank Mobile.
- Củng cố vị thế ngân hàng số tiên phong
- Mục tiêu marketing: Tăng lượng khách hàng mới mở tài khoản ngay trên ứng dụng bằng công nghệ eKYC, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ năng động, yêu thích sự tiện lợi, nhanh chóng và quan tâm tới dịch vụ ngân hàng.
Product: Ứng dụng TPBank Mobile sau khi cải tiến
1. Chiến lược
Chiến lược: Tập trung nguồn lực cho kênh digital (với hơn 80% ngân sách)
Digital media: TVC “Một trải nghiệm 4.0 chưa từng có” kết hợp cùng đại sứ thương hiệu là Sơn Tùng M-TP về những tình huống khó đỡ, đời thường, để rồi nhân vật phải tìm đến sự trợ giúp của TPBank Mobile bởi sự tiện lợi, nhanh chóng.
30% ngân sách được dùng để truyền thông cho eKYC cùng Sơn Tùng M-TP trên các kênh social với nội dung sáng tạo, gần gũi, dễ dàng tiếp cận tới đối tượng khách hàng trẻ. Trong khi đó, 60% ngân sách được đầu tư vào nhiều nền tảng khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức về công nghệ mới này.
Hàng loạt hoạt động thúc đẩy chiến dịch như:
Social Media Post
OOH
Event
2. Hiệu quả mà chiến dịch đạt được
Theo BrandsVietnam, kết quả chiến dịch thu được:
a. Kết quả kinh doanh
Trong vòng 1 tháng, có 30.000 khách hàng đã mở tài khoản thành công qua eKYC trên app TPBank, tương đương gần 85% lượng khách hàng mở tài khoản tại quầy giao dịch.
b. Kết quả Truyền thông
Trong 1 tháng, các kết quả chiến dịch thu về đều vượt kỳ vọng:
- Ứng dụng đạt #1 trên Google Play và AppStore (ngày 26/10), hơn 120 nghìn lượt tải ứng dụng
- Hơn 270 triệu lượt hiển thị trên tất cả các kênh Digital
- Hơn 22 triệu người dùng Internet đã xem quảng cáo
- Hơn 68 triệu lượt tương tác trên Digital
- 1,4 triệu lượt truy cập bài viết ra mắt eKYC trên website TPBank
c. Các kết quả đang chú ý khác
- Top 1 bảng xếp hạng Thương hiệu ngành Ngân hàng tháng 10/2020 (theo Younet Media)
- Top 10 chiến dịch nổi bật trên Social Media liên tiếp tháng 9, tháng 10/2020 (theo Buzzmetrics)
Riêng đại nhạc hội TPBank Musicnology ‘Beyond The Future’ cũng thành công khi thu hút:
- Hơn 19.111.000 lượt tiếp cận trong 2 tiếng livestream
- Hơn 5 nghìn lượt xem livestream trực tiếp trên fanpage TPBank cùng các đối tác VieOn, FPTPlay, Vlive, Lazada
- Hơn 19.567 người tham dự check in bằng QR code
II. Chiến dịch nâng cao nhận thức về thương hiệu – Case study ACB
Chiến dịch nâng cao nhận thức về thương hiệu nhằm giúp khách hàng làm quen với thương hiệu hoặc sản phẩm thông qua các chương trình khuyến mãi, quảng cáo, truyền thông xã hội, v.v. Một chiến dịch nâng cao nhận thức thương hiệu thành công sẽ giúp một thương hiệu hoặc sản phẩm trở nên nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh
Trong ngành ngân hàng, chiến dịch này thường tập trung vào:
- Tính chiến lược
Xác định mục tiêu, KPI, đối tượng khách hàng.
- Tập trung vào giá trị và tin cậy
Ngành ngân hàng thường chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu vững chắc và đáng tin cậy, tập trung vào việc truyền đạt giá trị, cam kết chất lượng dịch vụ, và tạo niềm tin từ phía khách hàng.
- Đa kênh truyền thông
Sử dụng nhiều kênh truyền thông như quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội, các sự kiện,.. để đạt đến đối tượng mục tiêu từ nhiều góc độ.
- Tính đổi mới
Ngành ngân hàng thường cần thể hiện sự đổi mới để thu hút khách hàng. Cụ thể là các dịch vụ mới, công nghệ tiên tiến hay đổi mới bộ nhận diện, phong cách thương hiệu.
- Sự đồng nhất
Nếu mọi người đã nhìn thấy cùng một logo trên mọi nền tảng, họ sẽ nhớ đến thương hiệu của bạn. Một thương hiệu đồng nhất trong mọi việc, sẽ trở thành một nguồn đáng tin cậy và đáng tin cậy để khách hàng quay lại nhiều lần trong tương lai.
- Đo lường hiệu suất
Chiến dịch thường kèm theo các chỉ số hiệu suất như tỷ lệ nhận thức thương hiệu, tăng trưởng khách hàng, và sự thay đổi trong hình ảnh thương hiệu để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chiến lược.
Case study nổi bật: Chiến dịch kỷ niệm 30 năm thành lập của ACB
Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB, chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy đã có tiết mục biểu diễn rực rỡ trên sân khấu với liên khúc chơi piano, hát và nhảy được dàn dựng công phu. Tiết mục ngay lập tức trở thành ngòi nổ truyền thông chiếm sóng toàn bộ mạng xã hội và các trang báo lớn, trở thành chủ đề bàn tán trên khắp cõi mạng.
1. Chiến lược
Tận dụng WOM
Video bị rò rỉ bất ngờ,lại còn từ một hoạt động nội bộ, khiến mọi người tò mò, tìm kiếm thông tin, đẩy lượt thảo luận, chia sẻ và lượt search từ khoá tăng cao trên các nền tảng. Các thông tin được tìm kiếm nhiều nhất xoay quanh:
Những câu chuyện bên lề về chủ tịch ACB Trần Hùng Huy như gia thế, học vấn, sở thích, đời sống …
Việc ACB im lặng trước nghi vấn đây là chiến dịch truyền thông có chủ đích, khiến cho dân mạng càng có nhiều suy đoán và tò mò hơn. Từ đó, câu chuyện và cả thương hiệu ACB được PR…tự nhiên
Công thức “Chủ tịch”
Khi nhắc tới các chủ tịch, mọi người thường nghĩ tới hình ảnh nghiêm nghị, thành đạt, đôi lúc còn khó tiếp xúc và mang đến cảm giác xa lạ cho mọi người xung quanh. Nhưng khi các “Chủ tịch” gỡ bỏ hình tượng, quẩy hết mình và biểu diễn những tài lẻ của bản thân như hát nhảy, thì việc viral cũng là điều dễ hiểu.
Tạo ra một scandal có thể kiểm soát
Trong marketing, scandal có nghĩa rằng chúng ta làm một việc gì đó, đi ngược lại với niềm tin hoặc là thói quen của xã hội. Không phải tất cả scandal đều xấu. Những yếu tố liên quan như sản phẩm tốt, hình tượng tốt, câu chuyện tốt đã có sẵn, chỉ cần một cú hích để tiếp cận đến công chúng mục tiêu.
2. Hiệu quả chiến dịch
Theo thống kê của YouNet Social Trend:
- Top 1 trong bảng xếp hạng chủ đề Âm nhạc hot nhất, vượt qua cả chương trình Rap Việt mùa 3 chỉ sau 24h
- Các phiên bản khác nhau của tiết mục đã đem về tổng cộng 290 triệu lượt view, trên 30 ngàn lượt thảo luận. Tin tức liên quan đến sự kiện phủ sóng hơn 80 mặt báo lớn và hàng trăm báo điện tử khác dẫn nguồn.
- YouNet Media cũng ghi nhận 58.670 tương tác và 6.750 lượt thảo luận về màn trình diễn này trên các nền tảng mạng xã hội.
Các từ khoá liên quan như “Trần Hùng Huy”, “chủ tịch ACB nhảy dưới mưa” đạt hơn 11 triệu lượt hiển thị trong 0,44 giây và dẫn đầu bảng xếp hạng Google trending. Sự xuất hiện bùng nổ của chủ tịch Trần Hùng Huy đã giúp ACB tiết kiệm được hàng tỉ đồng chi phí truyền thông, đồng thời mang lại hiệu quả vượt ngoài mong đợi.
Dù không khiến cổ phiếu của ACB tăng mạnh sau màn trình diễn, nhưng ngân hàng này vẫn thu về sự tăng trưởng tích cực 0,2% lên 21.800 đồng/cổ phiếu ở cuối ngày 06/06. Cùng với đó, ACB là cổ phiếu được tự doanh mua ròng mạnh nhất, giá trị 44,39 tỷ đồng ở phiên ngày 05/06.
Đọc thêm: Bank Marketing Là Gì? Tổng Quan & Đặc Điểm Chiến Lược Marketing Ngành Ngân Hàng
III. Chiến dịch thu hút/bán hàng khách hàng mới – Case study VIB
Chiến dịch thu hút/bán hàng khách hàng là việc thúc đẩy nhận diện và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng. Cung cấp cho họ các giá trị để giải quyết các nhu cầu, các nỗi đau của họ.
Với ngành ngân hàng, chiến dịch này cần tập trung vào:
1. Tạo sự khác biệt, nổi bật cho thương hiệu
Trong trường hợp khách hàng chưa biết/biết chưa nhiều về thương hiệu, bạn cần khiến họ ấn tượng ngay lập tức, đến thu hút sự quan tâm và thúc đẩy tìm hiểu sản phẩm. Điều này đặc biệt đúng với ngành ngân hàng khi các sản phẩm, dịch vụ đang bão hòa trên thị trường và thương hiệu phải cạnh tranh với nhiều đối thủ. Vì vậy, sự khác biệt sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ.
2. Tăng cường các chiến dịch quảng cáo, marketing
Thay vì dàn trải ngân sách, thương hiệu chọn lọc hoạt động marketing cần ưu tiên. Việc tích hợp nhiều kênh truyền thông đa dạng cũng giúp tiếp cận đối tượng mục tiêu đa kênh.
3. Đưa ra hình thức khuyến mãi phù hợp, hấp dẫn
Đây là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng. Cụ thể, với ngành ngân hàng, khi bạn đăng ký mở thẻ hoặc để lại thông tin, bạn sẽ nhận được một số phần quà nhỏ kèm theo hoặc cung cấp những khuyến mãi đặc biệt.
4. Hợp tác/tài trợ các đơn vị liên quan để cùng phát triển
Bạn có thể hợp tác cùng đơn vị khác để cùng phát triển cũng như thu hút được nhiều khách hàng mới hơn. Hợp tác ở đây có thể là tài trợ, chương trình khuyến mãi kết hợp (ví dụ: mở thẻ sẽ nhận được voucher giảm giá của cửa hàng abc).
IV. Case study nổi bật: Chiến dịch hợp tác/tài trợ của VIB cùng show truyền hình The Masked Singer
Chiến dịch truyền thông thẻ VIB kết hợp chương trình The Masked Singer Việt Nam 2023. Bên cạnh những màn trình diễn mãn nhãn và giây phút giải trí cùng dàn giám khảo và khách mời, sự xuất hiện của nhà tài trợ chính – Ngân hàng Quốc tế VIB (VIB) tại The Masked Singer Vietnam mùa 3 đã tạo nên ấn tượng khó phai.
1. Chiến lược
Nguồn: Báo Kinh tế đô Thị
Nội dung chất lượng
Mùa 3 của The Masked Singer Vietnam đã khép lại, nhưng dư âm của chương trình vẫn còn vang vọng trong lòng khán giả. Nội dung hấp dẫn, sản xuất chuyên nghiệp, dàn ca sĩ “khủng” cùng những ca khúc “viral” đã tạo nên sức hút khó cưỡng cho chương trình. Bên cạnh tính giải trí, The Masked Singer Vietnam mùa 3 vẫn giữ được tính chuyên môn cao, thể hiện qua những màn nhận xét của dàn giám khảo.
Sự đầu tư kỹ lưỡng vào mascot, âm thanh, ánh sáng,.. đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời. Thông qua The Masked Singer Vietnam, VIB đã thành công “nâng tầm” hình ảnh thương hiệu, ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi sự chất lượng, chuyên nghiệp.
‘Nhảy’ trúng đối tượng
Cả chương trình lẫn VIB đều hướng tới chung một đối tượng mục tiêu – khách hàng trẻ, có khả năng tài chính tốt, yêu thích và dễ dàng nắm bắt được những công nghệ mới. Việc trở thành nhà tài trợ chương trình đã giúp thương hiệu đạt được mục tiêu phân khúc khách hàng trẻ (thế hệ Millennials và Gen Z) dự kiến chiếm khoảng 80-85% danh mục khách hàng của VIB đến năm 2026.
Bên cạnh đó, một chương trình truyền hình thực tế “tạo trend” như The Masked Singer chính là điểm chạm phù hợp để VIB khẳng định khẩu hiệu “Dẫn đầu xu thế thẻ” của mình. Những năm gần đây, các chiến dịch marketing của VIB tập trung vào tính sáng tạo, mới lạ. Sự kết hợp với The Masked Singer chính là mảnh ghép hoàn thiện cho tổng thể chiến dịch marketing khẳng định khẩu hiệu.
Xuất hiện tự nhiên, tinh tế
Sự xuất hiện của VIB không chỉ là một hoạt động tài trợ thông thường, mà còn là một chiến lược truyền thông thông minh, góp phần tôn vinh giá trị âm nhạc.
Thay vì quảng cáo gượng ép, VIB khéo léo lồng ghép hình ảnh thương hiệu một cách tự nhiên:
- Logo VIB xuất hiện tại các vị trí đẹp như bàn giám khảo, trên các bình nước, màn hình chờ…
- Mascot thẻ tín dụng VIB được sử dụng sáng tạo, cụ thể hóa sản phẩm, mang đến sự đồng nhất cho chương trình.
- Lan tỏa hình ảnh VIB hiện đại, sáng tạo, trẻ trung, khẳng định vị thế.
VIB còn tận dụng sức nóng của chương trình để thu hút khách hàng. Cụ thể, khách hàng mở thẻ VIB nhận vé xem chương trình từ GA đến VVIP và các quà tặng liên quan đến chương trình như bình đựng nước,…
Sự kết hợp giữa VIB và Vie Channel & VieON là minh chứng cho sức mạnh của sự đồng điệu, cùng chung mục tiêu và giá trị cốt lõi. Chương trình đã giúp VIB tiếp cận gần hơn với tệp khách hàng trẻ, khẳng định vị thế là một thương hiệu năng động, sáng tạo và luôn bắt kịp xu hướng.
2. Kết quả chiến dịch
- Chương trình âm nhạc đạt kỷ lục hơn 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng.
- Google thống kê 6 thương hiệu dẫn đầu xu hướng tìm kiếm thẻ tín dụng trong năm 2023. VIB được đánh giá vượt trội về độ nhận diện và thu hút thương hiệu trên nền tảng tìm kiếm lớn nhất hiện nay.
- VIB tăng trưởng dương trên tất cả chỉ số gồm lượt tìm kiếm, số nhấp chuột, số nhấp chuột trên mỗi dữ liệu tìm kiếm, riêng số click tăng 20,24%.
- Theo số liệu từ ngân hàng, người xem show đã tăng mức độ gợi nhớ thương hiệu VIB gấp 3 lần, tăng ý định mở thẻ tín dụng hơn 2,5 lần, lượt tìm kiếm tăng 10% và lượng khách hàng tiềm năng tăng 72%. Thông điệp “Dẫn đầu xu thế thẻ” và hình ảnh thẻ tín dụng hiện đại – trẻ trung dần quen thuộc với hàng triệu khán giả.
AIM sẽ lên tiếp phần 2 của bài Bank Marketing Strategy – Các Loại Chiến Dịch Marketing Và KPI Tương Ứng Ngành Ngân Hàng ngay!
V. Tạm kết
Bạn đang muốn học “trọn bộ” & bài bản về digital marketing từ cơ bản đến nâng cao?
Vậy thì chương trình DIGITAL MARKETING – hành trình 9 tháng đầy bứt phá sẽ là lựa chọn hàng đầu của bạn. Trong chương trình này, bạn sẽ được tiếp cận hệ thống kiến thức toàn diện về các nền tảng digital đến thực hành chuyên sâu trên từng kênh, mài dũa kỹ năng thực chiến dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.
Điền form thông tin nhận tư vấn và AIM sẽ giải đáp chi tiết cho bạn nhé!
Bài viết này có sự tham khảo và chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau.