Ứng dụng NFT vào chiến lược Marketing

Gần đây, NFT là một từ khóa làm mưa làm gió cũng như nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. NFT đã và đang phá vỡ bối cảnh của ngành marketing hiện tại, từ đó thúc đẩy các thương hiệu tìm ra cách sáng tạo dựa trên công nghệ mới để khuyến khích khách hàng của họ tương tác.
Marketing Management

Nội dung bài viết

Gần đây, NFT là một từ khóa làm mưa làm gió cũng như nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. NFT đã và đang phá vỡ bối cảnh của ngành marketing hiện tại, từ đó thúc đẩy các thương hiệu tìm ra cách sáng tạo dựa trên công nghệ mới để khuyến khích khách hàng của họ tương tác.

Thông qua thành công của những chiến dịch sau, chúng ta sẽ tìm hiểu ứng dụng của NFT trong marketing như thế nào? 

I. NFT là gì?

NFT (Non-Fungible Token) được tạm dịch là token không thể thay thế, là dạng tài sản số độc nhất vô nhị được lưu trữ trên nền tảng blockchain. NFT có thể tồn tại dưới nhiều dạng tệp kỹ thuật số như tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật, âm thanh, video, vật phẩm trong game hay bất kỳ sản phẩm nào của sự sáng tạo. Khác với những tài sản vật lý, hay vật phẩm có thể sản xuất hàng loạt, NFT có những điểm đặc biệt như sau:

1. Không thể phá hủy hay sao chép

Mỗi NFT có chữ ký số riêng biệt, đánh dấu sự duy nhất của nó. Và những dữ liệu của NFT được lưu trữ trên nền tảng blockchain nên không bị phá hủy hay hư hỏng theo thời gian.

2. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu và tính hợp lệ của NFT có thể được xác minh từ thời điểm dữ liệu được tải lên nền tảng blockchain. Ai cũng có thể xem tài sản NFT, nhưng chỉ người mua có quyền sở hữu chính thức.

Những điều này tạo nên sự khác biệt và thu hút của NFT. Tuy nhiên, một số người vẫn nhầm lẫn khái niệm NFT và Crypto vì đều có điểm chung là lưu trữ trên blockchain. Tuy nhiên, không giống Crypto có thể trao đổi, sử dụng như một loại tiền tệ số, thì NFT không thể trao đổi ngang giá hay hoán đổi cho nhau.

Đọc thêm: Character Marketing Là Gì? Cách Ứng Dụng Character Marketing

II. Cách ứng dụng NFT trong chiến lược marketing như thế nào?

Mới đây, DappRadar đã báo cáo tổng khối lượng giao dịch của thị trường NFT trong quý 1 năm 2022 đạt 12 tỷ USD. Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát của Adweek, có khoảng 81% người được hỏi “biết” về NFT và 40% trong số này nói rằng họ “quen thuộc” với NFT. Điều đó cho thấy rằng, NFT đang dần phổ biến và nhiều người có hứng thú với nó.

“Chúng ta đang chuyển sang một xã hội dựa trên thị trường, nơi mọi thứ sẽ có thể được sở hữu, có thể định giá, có thể truy xuất nguồn gốc và NFT chỉ là một cách ưa chuộng để làm điều đó và tạo ra thị trường xung quanh nó“, Kipp Bodnar – CMO của HubSpot đã nói trên một tập podcast Marketing Against the Grain.

Vì đây là lĩnh vực còn mới mẻ cũng như có sức nóng ở thời điểm hiện tại, nên các thương hiệu có thể triển khai những chiến lược marketing tận dụng ưu thế của NFT như sau: 

1. Cung cấp sản phẩm dạng kỹ thuật số, thu hút người dùng

Từ những sản phẩm vật lí, thương hiệu có thể tạo nên một phiên bản khác của sản phẩm ở dạng số hóa. Điều này gia tăng sự cạnh tranh, sức hút so với các đối thủ khác, đồng thời đa dạng hàng hóa của thương hiệu. Đây là một cách tạo tiếng vang cho thương hiệu trên thị trường.

2. Cá nhân hóa sản phẩm, quà tặng, cung cấp trải nghiệm mới cho người dùng

Từ sự độc đáo của NFT, các thương hiệu sản xuất sản phẩm, quà tặng được sở hữu riêng của mỗi người, đánh mạnh vào tâm lý “không đụng hàng” của người tiêu dùng. Từ đó nâng tầm thương hiệu cũng như gia tăng mức độ yêu thích của người dùng.

3. Tạo nên bộ sưu tập sản phẩm kỹ thuật số

Với những người dùng trung thành, đam mê sưu tầm sản phẩm, việc tung NFT như một chiến dịch kích cầu tiêu dùng. Thương hiệu có nhiều phiên bản để kích thích họ muốn sở hữu trọn vẹn cả bộ sưu tập sản phẩm.

4. Marketing cá nhân và crowdfunding (gọi vốn cộng đồng)

Các nhà sáng tạo, thương hiệu muốn tìm kiếm sự tài trợ từ cộng đồng người hâm mộ, hay nhà đầu tư, có thể thu hút họ thông qua việc phát hành NFT như một phần thưởng. Đối với nhà đầu tư hay người hâm mộ, NFT này giống như khoản trả trước cho sản phẩm của những nghệ sĩ mà họ ưa thích. Nếu dự án, sản phẩm của thương hiệu thành công thì NFT này cũng sẽ tăng giá trị.

5. Đấu giá NFT vì mục đích từ thiện

Thông qua nguồn thu từ việc phát hành sản phẩm NFT kèm theo, thương hiệu có thể truyền tải các thông điệp về cộng đồng, thu hút thiện cảm của người dùng.

III. Các case study ứng dụng NFT thành công

1. Coca-Cola 

Cuối tháng 7/2021, để kỷ niệm Ngày Quốc tế Tình bạn, gã khổng lồ trong ngành nước giải khát Coca-Cola vừa phát hành một bộ sưu tập kỹ thuật số NFT để bán đấu giá và quyên góp số tiền bán được cho Thế vận hội đặc biệt quốc tế – sự kiện thể thao dành cho người khuyết tật trí tuệ.

Họ thực hiện điều này thông qua mối quan hệ hợp tác với Tafi, một công ty chuyên tạo hình đại diện tùy chỉnh và sản xuất nội dung 3D. Vật phẩm này được đấu giá lên tới 575 nghìn USD để kỉ niệm ngày đặc biệt này.

Cola vừa phát hành một bộ sưu tập kỹ thuật số NFT
Nguồn ảnh: Coca-Cola

2. Norwegian Cruise Line

Để chào mừng sự ra mắt của Norwegian Prima Class – một lớp tàu mới, thương hiệu đã hợp tác với một nghệ sĩ người Ý là Manuel Di Rita để tạo ra 6 tác phẩm nghệ thuật NFT. Mỗi tác phẩm đã được đưa ra đấu giá, với giá khởi điểm là 2.500 đô la và số tiền thu được sẽ được quyên góp cho Teach For America – một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh cổ vũ, phát triển giáo dục cho nước Mỹ.

Trong một thông cáo báo chí, thương hiệu chia sẻ rằng họ chọn tổ chức lễ ra mắt bằng cách sử dụng NFT vì đó là công nghệ tiên tiến, phản ánh cách họ tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của mình.

Bằng cách làm này, Norwegian đã tận dụng tiếng vang xung quanh về NFT gián tiếp để tạo ra tiếng vang xung quanh sự ra mắt của sản phẩm mới.

3. Binz

Công ty SpaceSpeakers thông báo rằng nam rapper Binz sẽ cho phát hành bộ sưu tập NFT cho ca khúc mới “Don’t Break My Heart” trên nền tảng blockchain Tuniver vào ngày 16/3. Bộ sưu tập NFT này có 4 loại định dạng: Platinum, Gold, Silver, và Bronze. Mỗi định dạng sẽ tương ứng với một tỷ lệ chia sẻ doanh thu bản quyền nhạc số nhất định của “Don’t Break My Heart” cùng những đặc quyền khác nhau dành riêng cho người hâm mộ.

Ngoài ra, người sở hữu NFT này sẽ có những ưu tiên đặc biệt khi tham gia vào những dự án trong tương lai của Binz hay những nghệ sĩ khác cùng chung nền tảng Tuniver. 

SpaceSpeakers thông báo rằng rapper Binz sẽ cho phát hành bộ sưu tập NFT cho ca khúc mới
Nguồn ảnh: SpaceSpeakers

Sự kiện này thu hút một lượng sự chú ý cực lớn trong cộng đồng tiền điện tử bởi Binz là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành NFT.

IV. Tổng kết

Trong kỷ nguyên công nghệ số như hiện tại, NFT xuất hiện và vẫn còn là vùng đất mới chưa được khai phá. Đây là thách thức cũng như cơ hội cho các thương hiệu khai thác những khía cạnh mới, đem đến nhiều trải nghiệm cho người tiêu dùng. Ở thời điểm hiện tại, những chiến dịch marketing của các thương hiệu đa phần mang tính thử nghiệm, thu hút cũng như theo dõi phản ứng của thị trường. Trong tương lai, với tốc độ phát triển nhanh chóng của NFT, tiềm năng ứng dụng những vật phẩm trong ngành tiếp thị, quảng cáo là rất lớn. 

Với sự phát triển của công nghệ, những xu hướng digital ngày càng trở nên muôn hình vạn trạng. Luôn cập nhật xu hướng nhưng cũng đừng quên nắm vững nền tảng và tư duy để không lạc lối.

Tham gia khoá học DIGITAL PLATFORM MANAGEMENT tại AIM để được cung cấp toàn diện kiến thức từ các nền tảng digital, đến media, nội dung, website và và ecommerce.

Điền form đăng ký ngay để AIM tư vấn chi tiết hơn cho bạn!

Registration