Khi mà ai nấy ào ào đổ xô đi làm nghiên cứu thị trường thì các doanh nghiệp nhỏ cũng không khỏi sốt ruột. Thế là bạn lên Google tìm kiếm thì được bao nhiêu những kết quả như làm bảng khảo sát, phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân, theo dõi hành vi… Cách nào nghe cũng hay đấy, nhưng vấn đề là tiền đâu mà làm?
Sau giây phút bế tắc đó, bạn quay trở lại tự hỏi “ơ, doanh nghiệp mình nhỏ thế này có cần làm nghiên cứu thị trường không nhỉ?”
Tất nhiên là cần rồi. Những lợi ích mà doanh nghiệp bạn sẽ có được khi làm nghiên cứu thị trường có thể kể đến như:
- Giúp bạn xây dựng kế hoạch marketing hấp dẫn hơn
- Xác định “ngách” mục tiêu của bạn rõ ràng hơn
- Cải tiến sản phẩm, dịch vụ dựa trên những vướng mắc của khách hàng
- Cập nhật xu hướng của ngành hàng
- Cắt giảm những chi phí vô ích do chi tiền sai chỗ
Nghiên cứu thị trường có ích là thế, hay ho là thế, bạn cũng muốn làm đấy, ngặt nỗi không có tiền. Đừng để cái khó bó cái khôn, hãy tham khảo ngay những phương pháp nghiên cứu thị trường giá rẻ sau đây. Cảnh báo trước là nghe sẽ có phần “hâm hâm”, nhưng bạn cứ kiên trì đọc đi, sẽ thấy hợp lý phết đấy.
I. Dạo chơi trên Quora
Đấy, đã thấy bất ngờ chưa?
Quora là một nền tảng social media dựa trên những câu hỏi và câu trả lời. Trên Quora, người dùng có thể đăng câu hỏi về bất kỳ chủ đề nào họ thích, và nhận được những câu trả lời từ người dùng khác.
Dạo chơi một vòng trên Quora, bạn sẽ bắt gặp hàng nghìn câu hỏi, và đó chẳng phải là hàng nghìn insight để khai thác hay sao?
Khi tạo tài khoản Quora, bạn sẽ chọn những chủ đề mà bạn quan tâm. Khi có những câu hỏi và câu trả lời nằm trong các chủ đề đó, bạn sẽ nhận được thông báo. Bạn sẽ nắm được những vấn đề nhức nhối của đối tượng khách hàng mục tiêu, đồng thời biết được đâu là giải pháp có giá trị nhất với họ (vì Quora xếp hạng câu trả lời dựa theo lượt votes).
Nghiên cứu thị trường trên Quora sẽ giúp bạn chạm đến những “niềm đau” mà khách hàng mục tiêu của mình gặp phải. Xem xét và giải quyết chúng bằng kế hoạch marketing của bạn, đặc biệt là khi sáng tạo content.
Ngoài ra, đôi khi thay vì làm nội dung đăng blog, hãy cân nhắc xem có thể biến nó thành một câu trả lời trên Quora hay không. Việc này sẽ giúp nội dung của bạn tăng phạm vi tiếp cận và hiển thị.
II. Lang thang Reddit
Reddit là website có lượng truy cập thuộc hàng top trên thế giới, còn được mệnh danh là “nơi trẻ trâu cư xử như dân trí thức”.
Lang thang Reddit, ngoài một lượng lớn những video đáng yêu về mèo, bạn cũng sẽ bắt gặp những cuộc trò chuyện sâu sắc đến ngạc nhiên. Những cuộc thảo luận này giống như một mỏ vàng cho những nhà nghiên cứu thị trường, thay vì bạn phải tiến hành phỏng vấn sâu một nhóm đối tượng nào đó.
Người sử dụng Reddit không cần công khai danh tính, nên họ có thể nói về một vấn đề theo cách mà bình thường họ không nói. Nếu chịu khó “đào bới” các cuộc đối thoại, bạn có khả năng chạm được đến insight sâu thẳm nhất của họ.
Reddit được tổ chức thành các subreddits – các chủ đề cụ thể, thuận lợi cho bạn tìm kiếm những cuộc thảo luận mình cần.
Chẳng hạn doanh nghiệp của bạn kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về fitness, bạn sẽ quan tâm đến các subreddits như:
- /r/fitness
- /r/loseit
- /r/gainit
- /r/bodybuilding
- /r/running
- /r/bodyweightfitness
III. Xem mọi người đang đọc sách gì
Lại nghe lạ đời rồi. Nghiên cứu thị trường thì liên quan gì đến đọc sách?
Bình tĩnh mà suy nghĩ nào. Có phải cuốn sách nào đang bán chạy nhất thì đó chính là chủ đề đang được nhiều người quan tâm nhất, đánh trúng insight của số đông nhất phải không? Hãy lên thăm dò các bảng xếp hạng sách bán chạy của các trang web bán sách hàng đầu tại Việt Nam như Tiki.vn, Fahasha.com, Bookbuy.vn…
Ngoài ra, đừng bỏ qua những phần review, đánh giá sách của người đọc. Bạn sẽ lắng nghe được những vấn đề, tâm tư, mong muốn bằng chính ngôn từ diễn đạt của họ.
Những đánh giá mang tính tích cực sẽ giúp bạn hiểu mọi người đang nhận được giá trị từ điều gì. Những đánh giá tiêu cực còn có ích hơn, giúp bạn biết đâu là “nỗi đau” vẫn còn nhức nhối mà quyển sách chưa thể giải quyết. Và việc giải quyết giờ đây dành cho ai, bạn biết rồi chứ?
IV. Cũng làm khảo sát như ai
Khi nghĩ đến khảo sát, mọi người thường nghĩ đến những cuộc khảo sát quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia. Đúng là có một số loại khảo sát thị trường cần một lượng mẫu khổng lồ, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Với doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể làm khảo sát nhẹ nhàng hơn với quy mô nhỏ hơn. Chẳng hạn như khảo sát khách hàng sau khi mua hàng để giúp bạn hiểu được mức độ hài lòng của họ, và động lực nào đã thôi thúc họ mua hàng.
Tương tự, bạn cũng có thể đặt câu hỏi khảo sát dành cho những khách hàng “hụt”, những người đã không mua sản phẩm. Tìm hiểu xem điều gì ngăn cản quyết định mua của họ.
Ngay cả khi mỗi khảo sát trên chỉ bao gồm 2 câu hỏi nhỏ thôi, bạn cũng đã có được dữ liệu để điều chỉnh cho những lần tiếp theo.
V. “Nằm vùng” trong các nhóm Facebook
Mỗi lĩnh vực sẽ có rất nhiều các nhóm, các cộng đồng lớn nhỏ trên Facebook với những cuộc tranh luận sôi nổi. Nếu tìm được những nhóm chất lượng thì đúng là “lướt” một ngày đàng học một sàng khôn.
Doanh nghiệp của bạn có thể chủ động xây dựng các nhóm để “hội tụ” nhóm khách hàng mục tiêu của mình và tạo nên những cuộc thảo luận giữa họ. Đương nhiên việc này sẽ mất nhiều thời gian và công sức, nhưng nó mang về rất nhiều lợi ích, không chỉ là về nghiên cứu thị trường.
Hoặc nếu không, bạn cứ “nằm vùng” trong các nhóm nhiều thành viên có sẵn, quan sát và tham gia vào những cuộc trò chuyện. Trong các nhóm này, mọi người khá cởi mở trong việc thể hiện sự hài lòng cũng như thất vọng về một đối tượng nào đó. Bạn sẽ thấy mình thu được những dữ liệu vượt xa những hiểu biết bề mặt.
Đọc thêm: 8 Chiến Thuật Digital Marketing Dành Cho Doanh Nghiệp Nhỏ
VI. “Thám thính” đối thủ cạnh tranh
Nghiên cứu thị trường không chỉ là nghiên cứu ngành hàng, khách hàng mà còn bao gồm cả nghiên cứu đối thủ.
Trước hết hãy xác định những đối thủ bạn cho là “đáng gờm”. Hãy sử dụng những công cụ như Buzzsumo để tìm nội dung được chia sẻ nhiều nhất về một chủ đề nào đó, hoặc SEMrush để tìm nội dung được xếp hạng cao nhất trong các công cụ tìm kiếm.
Ngoài nghiên cứu nội dung, hãy để ý đến những mặt khác mà các đối thủ của bạn đang làm tốt, chẳng hạn như loại tin nhắn mà họ đang sử dụng trên website, hay họ tạo ra cross-sell và upsell như thế nào… Vậy “thám thính” đối thủ bằng cách nào đây?
- Thu thập tất cả những thông tin mà đối thủ công khai: Website, tờ rơi, các loại tài liệu quảng cáo…
- Tham gia những sự kiện mà họ tổ chức.
- Đăng ký nhận email của họ, bạn có thể xem loại email mà họ thường sử dụng.
Không có gì đảm bảo rằng các đối thủ của bạn đang làm mọi thứ theo cách tốt nhất. Không phải cái gì cũng nên “bắt chước”. Hãy chỉ quan sát cách làm của họ để có những ý tưởng cải thiện doanh nghiệp của mình.
VII. Theo dõi và phân tích hành vi người dùng
Nếu như khảo sát cho bạn biết những gì mọi người nói họ muốn, thì theo dõi hành vi giúp bạn biết những gì họ THỰC SỰ muốn.
Theo dõi hành vi người dùng trên trang web hoặc tương tác của họ với email của bạn sẽ là cách giúp bạn biết nỗ lực tiếp thị nào là hiệu quả và nên điều chỉnh những gì trong tương lai.
Google Analytics là một công cụ cho thấy chính xác những gì người dùng thực hiện trên trang web của bạn, chẳng hạn như nội dung nào được xem nhiều nhất, những page nào có tỷ lệ chuyển đổi tốt nhất…
Những phần mềm về email marketing như Mailchimp hỗ trợ bạn theo dõi lượt mở email, nhấp chuột vào liên kết, lượt trả lời/chuyển tiếp email để đánh giá được những chủ đề mà họ quan tâm nhất.
VIII. Phỏng vấn trực tiếp đối tượng
Dù có nhiều cách “lòng vòng” để bạn hiểu được khách hàng mục tiêu của mình, nhưng tốt hơn hết vẫn là trực tiếp ngồi xuống và trò chuyện cùng họ.
Nói chuyện, phỏng vấn một khách hàng trong 45 phút, bạn sẽ nhận ra nhiều điều về chính doanh nghiệp mình mà trước đây chưa từng biết đến. Tương tác trực tiếp giúp bạn chủ động đào sâu insight hơn là đọc thảo luận trên mạng hay khảo sát bằng văn bản. Quan trọng là bạn phải biết cách đặt những câu hỏi “đắt” và khiến cho người được phỏng vấn thoải mái, cởi mở khi trả lời.
Tham khảo cách lập bảng câu hỏi phỏng vấn trong nghiên cứu thị trường để biết cách chạm đến insight, mong muốn và “niềm đau” của khách hàng.
Nếu không ngồi phỏng vấn “mặt đối mặt”, bạn có thể phỏng vấn qua điện thoại. Thậm chỉ chỉ cần trò chuyện với 10 khách hàng thôi là bạn đã rút ra nhiều bài học để cải thiện sản phẩm, dịch vụ hay kế hoạch marketing của mình.
Các doanh nghiệp nhỏ thường thờ ơ với nghiên cứu thị trường, với tâm lý là “đợi khi nào có nhiều tiền rồi làm, rồi thuê hẳn công ty nghiên cứu làm cho oách” hoặc “thôi cũng chả cần thiết, khó quá bỏ qua”. Nhưng tiền ít thì làm theo cách ít tiền, không bao giờ là quá sớm để bạn hiểu thị trường, hiểu khách hàng của mình hơn.
Còn nhiều những kỹ thuật nghiên cứu thị trường khác sẽ được tiết lộ trong khóa học MARKET RESEARCH đừng bỏ lỡ nhé!
Điền form thông tin ngay, AIM sẽ tư vấn phù hợp theo nhu cầu của bạn!