Tuần vừa qua có lẽ là một tuần lễ đen tối của Facebook khi bị hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ đồng loạt tẩy chay, bao gồm cả những cái tên lớn như Unilever, Coca-Cola, Verizon, Starbucks, Honda… Nhưng nhiều người nghi vấn rằng, các thương hiệu này liệu có thực sự quan tâm đến vấn đề “nội dung gây thù địch, phân biệt chủng tộc” hay chỉ mượn tiếng phong trào để PR?
Dưới đây là 3 nguyên nhân có thể nhìn thấy được.
SỰ IM LẶNG CỦA FACEBOOK
Chúng ta đều biết, Facebook thu thập thông tin cá nhân, sở thích, thói quen mua sắm và có thể là cả quan điểm chính trị của người dùng để cung cấp cho các nhà quảng cáo. Nhờ đó mà lượng tiền đổ về từ quảng cáo Facebook thực sự khổng lồ.
Nguồn thu quá lớn khiến họ lờ đi những phản ánh, chỉ trích về vấn đề kiểm duyệt thông tin. Chính vì vậy mà chiến dịch lần này mang tên #stophateforprofit – ngưng kiếm lời trên những nội dung thù địch. Ông Jim Steyer, giám đốc điều hành của Common Sense Media, cho biết: “Chúng tôi đã phản ánh với Facebook hàng năm nay, nhưng họ chỉ im lặng, hoặc hứa hẹn rồi để đó.”
Sự im lặng kéo dài dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ” trong cộng đồng. Mà cộng đồng bức xúc, thì doanh nghiệp cũng không thể bình thản.
THÔNG TIN XẤU LÀM XẤU HÌNH ẢNH DOANH NGHIỆP
Vào khoảng năm 2017, một mạng xã hội khác là YouTube cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng loạt các nhà quảng cáo rút khỏi nền tảng này vì quảng cáo của họ xuất hiện bên những nội dung chính trị tiêu cực, phân biệt chủng tộc…
Chẳng thương hiệu nào lại muốn tên của mình đứng cạnh những nội dung nhạy cảm. Và chừng nào Facebook còn chưa đảm bảo được việc kiểm duyệt thông tin, thì các thương hiệu còn chưa an tâm khi cho quảng cáo của mình chạy trên nền tảng này, đặc biệt là những thương hiệu hướng tới giá trị cộng đồng, như Unilever chẳng hạn.
TIẾT KIỆM CHI PHÍ QUẢNG CÁO NHƯNG VẪN ĐẠT HIỆU QUẢ PR
Đối với những cái tên nổi tiếng như Unilever, The North Face hay Starbucks, động thái này sẽ làm khách hàng yêu quý họ hơn, vì chứng minh được “tôi là một doanh nghiệp có trách nhiệm với người dùng và với các vấn đề xã hội”. Tiếng vang từ việc này có thể lớn hơn so với rót tiền chạy quảng cáo một vài tháng trên Facebook.
Nhưng những doanh nghiệp nhỏ chưa có tiếng tăm thì vẫn không buông quảng cáo Facebook ra được. Có tẩy chay hay không cũng chẳng ai quan tâm, nhưng ngừng quảng cáo thì hoạt động kinh doanh lập tức bị ảnh hưởng. Đó là lý do ta thấy trong danh sách #stophateforprofit hầu như là những cái tên lớn.
Cuộc chơi tẩy chay này, không phải ai chơi cũng được. Do đó, quan trọng là phải tùy vào tình hình, vị thế của doanh nghiệp mà lựa chọn chiến lược cho phù hợp.
Tóm lại, nói tham gia chỉ để lấy tiếng thì chưa đủ bao quát. Nó nằm trong một chiến lược PR nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu nhất quán với những giá trị mà doanh nghiệp đã hoặc muốn hướng tới.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?
————————–
♦️ Lên chiến lược PR dựa trên business objective và communication objective và các chiến thuật thực hiện là một trong số các nội dung của khóa học Modern PR. Xem thêm thông tin tại đây.