Metaverse (tạm dịch: siêu vũ trụ ảo) là thuật ngữ chiếm spotlight nhiều nhất những ngày qua. Tuy nghe có vẻ vĩ mô và đậm mùi… tương lai, metaverse thật ra không xa vời đến thế. Vì ngoài kia bao nhiêu thương hiệu như P&G, Unilever, Gucci… đã bước vào sân chơi này và sử dụng nó cho chiến lược marketing của mình.
Họ đã làm như thế nào vậy? Học hỏi ngay để thấy vũ trụ ảo không còn “ảo ma”. Click vào từng ảnh để đọc nội dung nhé.
I. Xây dựng nhân vật thương hiệu và cung cấp dịch vụ trong game
Đang hăng máu chơi game thì phải dừng để xem quảng cáo? Giờ đây các thương hiệu nên quên dần việc chen ngang “thô lỗ” như vậy, thay vào đó, đường đường chính chính mà bước vào trò chơi. Họ xây dựng các nhân vật đại diện cho thương hiệu, hoặc tái thiết lập thế giới thực và cung cấp các dịch vụ của họ… ngay trong game.
Thử bước vào trò Animal Crossing nhìn sương sương xem có bao nhiêu thương hiệu nhé.
Sentosa Development Corporation (tập đoàn trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp của Chính phủ Singapore với nhiệm vụ quản lý và quảng bá khu nghỉ mát trên đảo Sentosa) đã “xây dựng” đảo Sentosa ngay trong trò Animal Crossing. Họ mời người chơi ghé thăm những thắng cảnh trên đảo và tham gia các lớp học yoga virtual.
Cũng trong thế giới của Animal Crossing, Deliveroo – một dịch vụ giao thức ăn của Anh đã cử hẳn một đội shipper ảo vào game để giao đồ ăn (cũng ảo nốt), kèm theo mã khuyến mãi áp dụng trong đời thực.
Vậy những ngành tưởng chừng chẳng liên quan gì như FMCG thì sao? Thương hiệu dao cạo cho phụ nữ Venus thuộc tập đoàn P&G đã tạo ra các nhân vật với những loại da “chân thực hơn” trong các game ta thường thấy, bao gồm da tàn nhang, mụn, rạn da, vảy nến, và tất nhiên, cả lông (thương hiệu dao cạo mà). Đây là một phần của chiến dịch “My Skin, My Way” nhằm tiếp cận hiệu quả hơn nhóm khách hàng millennial và gen Z.
Unilever vẫn luôn kiên định với những hoạt động phát triển bền vững, và mang cả vào game. Thương hiệu Hellmann’s của Unilever tạo ra một hòn đảo mang tên thương hiệu, khuyến khích người chơi đổi củ cải hư thành một khoản quyên góp trong thế giới thực cho tổ chức từ thiện cứu hộ thực phẩm Canada Second Harvest.
II. Bán “hàng hiệu” digital cho nhân vật
Bạn có nhớ thuở bé ta đã tiêu tốn bao nhiêu tiền để sắm sửa áo quần hay “skin” cho các “cục cưng” trong Audition, Boom Online hay Võ Lâm Truyền Kỳ? Giờ đây, với sự hậu thuẫn của metaverse, người chơi sẽ còn cháy túi hơn vì hàng gì bán được cho người thì cũng bán được cho nhân vật trong game, kể cả hàng hiệu.
Gucci vừa qua đã tung ra bộ sưu tập thời trang digital trên nền tảng game Roblox. Bộ sưu tập bao gồm những item đặc trưng của hãng ngoài đời, người dùng có thể mua và chăm chút cho nhân vật của họ. Giá của các mặt hàng có thể còn cao hơn giá của chúng ngoài đời thực.
Hàng loạt các thương hiệu luxury khác như Louis Vuitton, Balenciaga cũng đang rốp rẻng cho ra mắt những mặt hàng phục vụ cho nhân vật trong game.
Nếu như trước kia các hãng thời trang chỉ tập trung vào D2C (direct-to-consumer) thì ngày nay D2A (direct-to-avatar) – chiến lược bán hàng nhắm đến các nhân vật đại diện – sẽ trở thành xu thế. Người dùng ngày càng quan tâm đến diện mạo nhân vật ảo hơn diện mạo của chính họ.
Trong tương lai gần, các nhà mốt cũng có thể tung ra các bộ sưu tập digital như một phép thử trước khi sản xuất bộ sưu tập ngoài đời thực.
III. NFT – Tem chống hàng giả, hàng nhái
Tiếp nối câu chuyện ở trên, các thương hiệu bắt đầu bán các phiên bản digital của hàng hóa. Tuy nhiên, dù là đời thực hay trên vũ trụ ảo, hàng giả, hàng nhái luôn là một vấn đề gây đau đầu. Bỏ hàng trăm triệu mua một chiếc túi xách ảo mà nhiều người có thể copy được?
NFT sẽ giúp các thương hiệu giải quyết câu chuyện này. NFT (non-fungible token) là những tài sản kĩ thuật số được bảo vệ trên blockchain. Khi ai đó mua NFT, họ mua 1 token độc nhất trên “sổ cái” blockchain để chứng minh rằng họ sở hữu một tài sản digital duy nhất.
Nhờ có sự bảo hộ của NFT mà các thương hiệu có thể tự tin bán hàng hóa digital có giá thậm chí còn cao hơn giá thực của chúng. Việc này chứng tỏ tiềm năng khổng lồ của nền kinh tế metaverse.
Tuy vậy, vẫn có vô số những tranh luận xoay quanh giá trị thực của NFT. Trong một số trường hợp, NFT không có sự đảm bảo về giá trị lâu dài của tài sản. Nhưng vì nó đang phủ sóng khắp mọi diễn đàn, mọi bản tin hay mặt báo, nhiều thương hiệu tham gia vào cuộc chơi NFT chỉ để… lấy tiếng mà không nghĩ đến chiến lược dài hạn.
Các chuyên gia cho rằng cá nhân và thương hiệu nên suy nghĩ về NFT để khai thác tiềm năng lâu dài chứ không phải chỉ để “bắt trend”.
Ngoài NFT ra thì công nghệ blockchain còn có ảnh hưởng như thế nào đến marketing? Bạn có thể xem thêm bài viết những ứng dụng của blockchain trong marketing để hiểu rõ hơn.
IV. Tổ chức sự kiện tương tác trực tuyến
Massive interactive live events (MILEs) là hình thức sự kiện trực tuyến trong thế giới ảo cho phép một số lượng lớn người tham dự và tương tác. Hiện nay hầu hết MILEs là dạng thức dành riêng cho game, nhưng khả năng tiếp cận của nó có thể được ứng dụng cho nhiều ngành nghề.
Về âm nhạc, rapper nổi tiếng Travis Scott đã cháy hết mình trong một live concert trong… game Fornite, thu hút 12.3 triệu game thủ tham dự. Sự hợp tác này đã giành Grand Prix in Digital Craft tại giải thưởng sáng tạo danh giá Cannes Lions.
Trong thời trang, Balenciaga cũng trình làng một video game mang tên Afterworld, sử dụng công cụ thiết kế trò chơi Unreal Engine của Epic Games để trình làng bộ sưu tập mùa thu 2021 đầy ấn tượng.
Ví dụ này mở ra tiềm năng choáng ngợp để các thương hiệu khai thác hình thức tổ chức sự kiện mới này và ứng dụng cho concert, festival hay show thời trang, v.v…
Sự kiện là một trong những hoạt động marketing quan trọng để thương hiệu kết nối với khách hàng. Những ngăn trở do dịch bệnh và giãn cách xã hội khiến virtual event bắt đầu được cân nhắc, và trong tương lai khi chúng ta tiến tới metaverse, virtual event sẽ còn được quan tâm dài dài.
Metaverse, NFT metaverse là những cụm từ xuất hiện liên tục trên sóng tìm kiếm và mang những tiềm năng không thể phủ nhận. Bây giờ cũng không còn sớm để các thương hiệu tìm hiểu và từng bước đưa metaverse vào chiến lược marketing của mình, đặc biệt nếu đối tượng mục tiêu của bạn là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, đừng vì mải “theo trend” mà quên mất mục đích hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Hãy nhìn metaverse như một bài toán đường dài và tiếp cận từng bước một. Chúc bạn thành công.
Để nhận những tin tức mới nhất từ AIM, bạn hãy để lại thông tin tại mục Nhận bản tin ở cuối trang AIM Academy nhé