Từ Account Executive đến Account Manager: Những tố chất bạn cần có

Account Management là một công việc đầy thú vị nhưng cũng không kém phần “gian truân”. Bài viết này dành cho những bạn trẻ đang theo đuổi công việc “làm dâu trăm họ” – giúp bạn hiểu rõ nhiệm vụ của từng vị trí cũng như những tố chất, kĩ năng cần trang bị.
Creative Communication

Nội dung bài viết

Account Management là một công việc đầy thú vị nhưng cũng không kém phần “gian truân”. Bài viết này dành cho những bạn trẻ đang theo đuổi công việc “làm dâu trăm họ” – giúp bạn hiểu rõ nhiệm vụ của từng vị trí cũng như những tố chất, kĩ năng cần trang bị. 

I. Account Management là công việc gì?

Account Management là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình vận hành của agency. Người làm Account là người có mối liên hệ với hầu hết nhân viên trực thuộc công ty và đối tác làm việc với công ty. 

Phía sau những con người sản xuất sản phẩm sáng tạo là bóng dáng của người Account. 

Phía sau những dòng tiền liên tục đổ về tài khoản của công ty và các đối tác cũng là bóng dáng của người Account. 

Trực tiếp làm việc và chăm sóc khách hàng cũng do một tay Account lo. 

Xem thêm: Khám phá CV của một Account Executive.

II. Account Executive ở đâu trong một dự án?

Account executive đóng vai trò là mắt xích quan trọng để kết nối những các bên giúp cho dự án được diễn ra liền mạch

Lúc bắt đầu bất cứ một chiến dịch nào thì Account Executive (Gọi tắt là AE) cần phải tìm kiếm, liên hệ gặp gỡ với khách hàng (Client) để thảo luận và xác định yêu cầu marketing – truyền thông của họ.

Sau đó AE là người cần phải tường thuật công việc và truyền tải thông tin chính xác tới bộ phận truyền thông (Media), sáng tạo (Creative), nghiên cứu (Research) để đảm bảo rằng những sản phẩm này thể hiện đúng nhất tinh thần và thông điệp mà Client mong muốn.

Song song với quá trình làm việc nội bộ, AE làm việc với các công ty đối tác (Supplier, Production house…) nhằm thống nhất được một chiến dịch truyền thông phù hợp với nhu cầu, ý tưởng và ngân sách của khách hàng.

Tiếp theo, AE cũng cần lên một kế hoạch hành động riêng cho bản thân mình. Bao gồm việc xây dựng bản đề xuất (proposal), thuyết trình và đấu thầu (pitching) về ý tưởng và ngân sách của chiến dịch để đạt được hợp đồng.

Hoạt động này thường sẽ đánh giá sự tài tình của một người AE trong việc cân bằng lợi ích hai bên: vừa đảm bảo quyền lợi của công ty, vừa làm sao để client cảm thấy hài lòng khi bỏ tiền đầu tư cho một chiến dịch truyền thông.

Sau đó, khi đã nhận được cái gật đầu đến từ phía client, cả team agency sẽ có một khoảng thời gian giới hạn để chạy dự án. Lúc này AE cần thể hiện hết khả năng của mình để trở thành cầu nối đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong giao tiếp giữa client và agency. Một mặt giúp agency đạt được kết quả sát với yêu cầu của khách hàng, mặt khác thì giúp client có thể giám sát tiến độ hoàn thành công việc.

Tới thời điểm sản phẩm truyền thông, sáng tạo đã thành hình, AE sẽ là người nhận sản phẩm từ team thực hiện và trao đổi với khách hàng. Lắng nghe các phản hồi của họ về chất lượng sản phẩm và đồng thời tư vấn cho khách hàng hướng thực hiện hợp lý và đúng đắn.

Cũng trong thời gian này, AE cũng sẽ là người trực tiếp trao đổi với team thực hiện để cải tiến sản phẩm nhằm nâng cao và thỏa mãn mức độ hài lòng sản phẩm của khách hàng.

III. Muốn hoàn thành tốt những việc kể trên thì?

Để làm tốt vai trò này người làm AE phải vừa khôn, vừa khéo và vừa phải “ngoan”. 

Người làm Account phải hiểu rằng mình không thể chỉ có trách nhiệm với công việc của riêng mình, mà còn phải lo lắng và chịu trách nhiệm với tiến độ hoàn thành công việc của người khác.

AE liên tục trong trạng thái cập nhập thông tin để có thể theo dõi, nắm quy trìnhquản lý thời gian hoạt động. Không chỉ xây dựng kế hoạch thực hiện, tận dụng và phân bổ nhân lực cho toàn dự án một cách hợp lý, AE còn cần xây dựng các báo cáo và dự báo về các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện dự án.

Hiểu rõ trình tự công việc cần được hoàn thành trong ngày là điều bất cứ người trong nghề nào cũng cần phải biết. Một ngày của người Account bắt đầu từ công việc lên kế hoạch quản lý thời gian và giám sát tiến độ dự án. Một phần để đốc thúc các bên có trách nhiệm hoàn thành công việc của mình, một phần để có thông tin để hoàn thành thời gian biểu và bảng sắp xếp thời gian của dự án. Nhằm đảm bảo quá trình vận hành trơn tru của cả team. 

Bên cạnh đó, AE cần biết sử dụng một số các công cụ nghiên cứu, tracking để thực hiện việc thống kêbáo cáo định kỳ. Thực hiện hoạt động đo lường hàng tuần hiệu quả để có thể tính được giá trị của những việc đã được hoàn thành, kiểm soát tiến độ hoạt động của dự án và khả năng hoàn thành KPI.

Đặc biệt, AE cần phải có khả năng đánh giá hiệu quả của ý tưởng sáng tạo đến từ người Creative. Người Account không nên giới hạn khả năng sáng tạo của người Creative nhưng cũng không quên để cho ý tưởng bay quá xa. Góp ý chân thành, thực tế, có chuyên môn và dẫn chứng. Để creative tiếp nhận một cách thiện chí, tránh những bất đồng tranh cãi không đáng có.

account là cầu nối truyền thông, và support giúp creative và client đạt được mục tiêu của project

Vì thế người Account phải trở thành một người có thể làm chủ được ngôn ngữ, không ngừng cập nhập kiến thức và tư duy phản biện

Hoạt ngôn giúp Account thuận lợi không chỉ trong hoạt động ngoại giao mà còn giúp việc kết nối thông tin giữa Client và Agency chính xác hơn.

Giao tiếp hiệu quả nghĩa là những mong đợi, sự ưu tiên và mục tiêu phải luôn rõ ràng với tất cả mọi người. Giao tiếp hiệu quả xây dựng niềm tin vững chắc trong các mối quan hệ.

AE là người phải có được sự tin tưởng của mọi người. Trong suốt dự án, AE là người sẽ giám sát ngân sách thực hiện hàng tháng của khách hàng hoặc theo hợp đồng. Sự tin tưởng loại bỏ được những hiểu lầm không đáng có trong va chạm công việc.

Nói tóm lại, bạn phải nắm vững được Tam giác nghệ thuật của một Account.

Theo thời gian, khi người Account Executive đã tích luỹ đủ kinh nghiệm thì họ sẽ gần tiến tới một vị trí công việc mới – Account Manager.

IV. Công việc của một Account Manager

Công việc của một Account Manager (AM) vẫn sẽ là quản lý dự án và “bán” được dự án cho khách hàng. Tuy nhiên, người Account Manager sẽ chịu thêm trách nhiệm ra những quyết định về chiến lược.

account manager hiểu thị trường và những mục tiêu kinh doanh,tiếp thị và truyền thông khác nhau của các client khác nhau.

AM không chỉ đơn thuần nhận brief từ khách hàng, mà còn cùng khách hàng tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của doanh nghiệp. AM dành thời gian để nghiên cứu từng client, về ngành hàng, về những vấn đề cốt lõi của người tiêu dùng, tính cách, hành vi và insight. Họ hiểu thị trường và những mục tiêu kinh doanh, mục tiêu tiếp thị và mục tiêu truyền thông khác nhau của các client khác nhau.

Với những dự án nhỏ, Account Executive cũng có thể là người tư vấn chiến lược cho khách hàng.

V. Nhận diện một Account Manager chuyên nghiệp 

AM chuyên nghiệp là một AM biết cách xây dựng mối quan hệ trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng là nền tảng của mọi mối quan hệ tốt. AM dành thời gian để khẳng định bản thân, năng lực và sự chính trực.

Họ cũng là những người nghe nhiều hơn nói. Họ đặt câu hỏi để tìm hiểu điều gì thực sự đang diễn ra. Và họ cũng không chờ đợi ai đó đến để chia sẻ với họ. Họ biết rõ team mình đang chạy từng dự án đến đâu, và những dự án này được thực thi và đo lường hiệu quả như thế nào. Nhờ sự không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và vốn sống, họ có khả năng thấu hiểu đồng nghiệp, kịp thời hổ trợ và nâng đỡ nhau hoàn thành nội dung công việc.

AM một người quan tâm đặc biệt tới sự thành công của mọi người. Điều này mang tới năng suất làm việc tập thể nâng cao, chất lượng công việc cũng từ đó được kéo lên giúp cho niềm tin của khách hàng được củng cố.

Một AM giỏi sẽ biết điều gì là quan trọng, khi nhìn tổng quan lẫn xem xét chi tiết nhỏ nhất. Họ sẵn sàng chia nhỏ công việc ra để nhận sự giúp đỡ từ các thành viên trong team.

Và bởi vì trong thế giới marketing luôn phải thay đổi, AM biết cách để định vị agency của mình thật tốt, cũng như đưa ra giải pháp sáng tạo giúp cho client nổi bật trên thị trường. AM giỏi là biết khơi dậy sự hứng thú của client đối với tiềm năng của agency mang tới cho họ.

Tại sao điều này lại quan trọng? 

Bởi vì agency cũng cần phải nổi bật.

Có được sự đồng hành của một AM sáng tạo sẽ không ngừng nâng cao vị thế của agency lên cao trong mắt các client. Điều này hướng tới tương lai loại bỏ các đối thủ cạnh tranh khác hiện diện trong đầu của Client. Mang lại nguồn khách hàng trung thành và dồi dào cho hoạt động của Agency.

VI. Tổng kết 

Muốn hoàn thành tốt được vai trò của một người Account thì bạn cần không ngừng rèn luyện và hiểu rõ 3 kĩ năng sống còn: Quản trị các mối quan hệ, quản trị dự án và khéo léo trong giao tiếp.

Kinh nghiệm đáng lưu ý ở đây cho người làm Account là tuyệt đối không được xem client chỉ là mục tiêu được quan tâm duy nhất. 

Họ biết dẫn dắt client của mình hơn là để bị kiểm soát.

Phục vụ client là vô cùng quan trọng. Khách hàng là thượng đế nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều mối quan hệ cần bận tâm khác như sự vận hành của Agency. 

Để nhận những tin tức mới nhất từ AIM, bạn hãy để lại thông tin tại mục Nhận bản tin ở cuối trang AIM Academy nhé.