Key Visual Là Gì? Bí Thuật Để Có Một Key Visual “Thay Lời Muốn Nói”

Giữa thời đại mà khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn, họ chỉ dành một vài giây lướt qua quảng cáo của bạn, thì không phải một sản phẩm tốt, một content hay mà chính là một hình ảnh đủ đẹp, đủ độc đáo mới giữ được ánh mắt họ. Vì vậy mà một key visual “hớp hồn” người xem vẫn luôn là “con át chủ bài” trong mọi chiến dịch truyền thông.
Creative Communication

Nội dung bài viết

Giữa thời đại mà khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn, họ chỉ dành một vài giây lướt qua quảng cáo của bạn, thì không phải một sản phẩm tốt, một content hay mà chính là một hình ảnh đủ đẹp, đủ độc đáo mới giữ được ánh mắt họ. Vì vậy mà một key visual “hớp hồn” người xem vẫn luôn là “con át chủ bài” trong mọi chiến dịch truyền thông.

I. Key visual là gì?

định nghĩa và nhiệm vụ của một key visual

Key visual (KV) là một hình ảnh chủ đạo, gồm các yếu tố đồ họa sáng tạo, được lặp đi lặp lại trong truyền thông, marketing. Nó có thể được sử dụng trong một chiến dịch, hoặc được dùng xuyên suốt như một chất liệu truyền thông của thương hiệu.

KV sẽ mang nhiệm vụ truyền đạt thông tin sản phẩm, tăng cường nhận diện thương hiệu, gây ấn tượng, thiện cảm cho khách hàng, thôi thúc sự quan tâm và ý định mua hàng. Làm sao cho khách hàng nhìn qua một giây thôi mà nhớ luôn… cả đời thì càng tốt.

II. Bí quyết để có một key visual “thay lời muốn nói”

một số điều cần lưu ý khi thiết kế key visual

Để thiết kế được một KV “thần thánh”, vừa thỏa mãn phần nhìn, vừa sâu sắc về nội dung, hàm ý, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • KV nên đơn giản, truyền đạt ý dễ hiểu. Hãy nhớ rằng khách hàng chỉ “ghé” mắt đến bạn trong một vài giây cuộc đời.
  • KV cần độc đáo và không thể nhầm lẫn với những thương hiệu khác. Đã gọi là KV mà còn làm na ná người khác thì… kì lắm.
  • KV phải nhất quán với tính cách thương hiệu, dù phong cách thiết kế có thể biến đổi theo thị hiếu, xu hướng, nhưng màu sắc chủ đạo, nét đặc trưng của thương hiệu vẫn phải được đảm bảo.
  • KV có thể được sử dụng trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, từ POSM, TVC đến digital, tấn công trên mọi phương diện, “ám” vào tâm trí khách hàng.
  • KV phải đánh trúng cảm xúc của nhóm khách hàng mục tiêu của bạn. Thiết kế có cầu kì, điệu nghệ đến đâu mà không có yếu tố cảm xúc làm lay động lòng người thì cũng xem như chưa “chạm” đến đối phương.
  • KV phải phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu. Muốn “chạm” được đến họ thì phải đúng “gu” của họ. Khách hàng là ai thì KV phải mang phong cách tương xứng, sang trọng, trẻ trung hay bình dân, đời thường…
  • KV nên tinh giản phần chữ, tận dụng hình ảnh, màu sắc để làm thay phần việc của chữ viết. Thay vì dùng lời hay ý đẹp để diễn tả độ tốt, độ ngon, độ chuyên nghiệp của sản phẩm, bạn hãy nói điều đó bằng hình ảnh.

III. Key visual có phải là logo không?

Tuy cả 2 đều là hình ảnh với mục đích tạo dấu ấn thương hiệu, nhưng bản thân KV thì không phải là logo. Logo là biểu tượng thương hiệu, được sử dụng xuyên suốt, hình ảnh tối giản, chữ thường là tên thương hiệu được cách điệu.

Trong khi đó, KV có thể gồm nhiều yếu tố đồ họa hơn, có nhiệm vụ gây chú ý, tăng nhận diện thương hiệu nhiều hơn so với logo.

Tuy vậy, để đảm bảo tính thống nhất, KV và logo vẫn phải có những nét tương đồng. Không có chuyện logo một đường mà KV một nẻo.

Nếu đọc xong phần giải thích ở trên mà bạn vẫn còn mơ mơ hồ hồ thì xem những ví dụ bằng hình ảnh dưới đây sẽ hiểu ngay thôi.

1. Michelin

Logo:

logo của thương hiệu michelin

Key Visual: Chàng người Michelin

sự kết hợp của key visual và logo cho thương hiệu michelin

2. Milka

Logo:

logo của thương hiệu milka

Key Visual : Chú bò Milka

key visual là chú bò có logo milka

3. Mercedes-Benz

Logo:

logo của hãng mercedes-benz

Key Visual cho Berlin Fashion Week:

key visual cho berlin fashion week là một cô nàng quý phái đứng trước một chiếc mercedes

IV. Những key visual “đã con mắt” từ các chiến dịch nổi tiếng

Thật ra cũng không có nhiều nguyên tắc hay công thức khi nói đến KV, vì nó thuộc thế giới của sự sáng tạo, của ý tưởng và tư duy thẩm mỹ của người thiết kế.

Nếu đang tập tành làm một KV cho chiến dịch, sản phẩm của mình, bạn hãy dành thời gian tham khảo những mẫu KV đình đám trong chiến dịch của các thương hiệu nổi tiếng, đa ngành nghề. Bạn sẽ “ngộ” ra đâu là hướng đi đúng cho một KV, xu hướng nào đang thịnh hành và tìm kiếm nguồn ý tưởng cho riêng mình.

1. Omo Matic Wonderland

KV là sự kết hợp giữa các giác quan tự nhiên với công nghệ cao

Omo Việt Nam thực hiện một chiến dịch mới với mục đích quảng bá sản phẩm của họ là sự kết hợp giữa các giác quan tự nhiên với công nghệ cao.

KV lấy ý tưởng chủ đạo là 2 bàn tay, 1 bàn tay người và 1 bàn tay robot từ 2 phía chạm vào nhau. Sau nhiều lần chỉnh sửa, họ đã quyết định để 2 bàn tay tạo thành hình trái tim nhằm nhấn mạnh sự giao thoa này.

Đọc thêm: Các thương hiệu nói gì về chính họ thông qua màu sắc logo?

2. Vincom Black Friday

KV dành cho black friday của vincom hướng đến những cô gái trẻ trung, sành điệu, thích mua sắm

KV của Vincom trong hầu hết các chiến dịch đều là sự kết hợp giữa hình ảnh người thật và background đồ họa. KV dành cho Black Friday cũng theo một concept tương tự, với nhân vật, thiết kế và màu sắc hướng đến những cô gái trẻ trung, sành điệu, thích mua sắm. Tất nhiên cũng không thể thiếu hình ảnh ruy băng đỏ là điểm nhấn đi xuyên suốt các thiết kế.

3. Vincom Summer

vincom truyền tải thông điệp dễ hiểu nhưng không cũ, không nhàm chán nhờ visual hiện đại, đẹp mắt.

Mùa hè không chỉ có cát trắng nắng vàng và những địa điểm du lịch. Các trung tâm thương mại của Vincom cũng sẽ là một điểm đến lý tưởng cho các gia đình để cùng nhau vui chơi, mua sắm, tận hưởng bầu không khí sôi động và đầy sắc màu. Vincom truyền tải thông điệp dễ hiểu nhưng không cũ, không nhàm chán nhờ phần visual hiện đại, đẹp mắt.

4. The Hub Connecting the world

KV của The Hub là cả một thế giới thu nhỏ, đủ mọi tiện nghi, kết nối thế giới, màu sắc đa dạng, vui tươi, hình ảnh 3d

The Hub là một trung tâm thương mại rộng 62.000 m2, bao gồm khu mua sắm, các nhà hàng, quán bar cao cấp và khách sạn 5 sao, đồng thời có cả dịch vụ đưa đón đến ga và sân bay quốc tế Hồng Kiều (Thượng Hải).

KV thể hiện ý tưởng The Hub là cả một thế giới thu nhỏ, cung cấp cho bạn đủ mọi tiện nghi, kết nối thế giới. Màu sắc đa dạng, vui tươi nhắm đến đối tượng khách hàng là những người có lối sống hiện đại, ưa dịch chuyển. Thiết kế 3D cũng là một trong những xu hướng thịnh hành trong thời gian gần đây.

5. Le Tisane Sogni D’oro

 KV là tách trà là một búp hoa, thể hiện sự tinh khiết, lành mạnh cũng như bầu không khí thanh tịnh mà một tách trà có

Le Tisane Sogni D’oro là một sản phẩm trà tự nhiên và hướng đến sức khỏe. Người tiêu dùng càng ngày càng hướng đến những gì tự nhiên nhất, nên đây là một điểm mạnh không thể không nhắc đến trong KV.

Chỉ với một chi tiết nhỏ nhưng “đắt”, tách trà là một búp hoa, đội ngũ thiết kế của hãng đã lột tả được sự tinh khiết, lành mạnh cũng như bầu không khí thanh tịnh mà một tách trà có thể mang lại cho bạn.

A picture is worth a thousand words”. Sáng tạo KV không chỉ đẹp là đủ, đó là nghệ thuật nói bằng hình ảnh. Làm sao để khách hàng nhìn vào KV của bạn và thấy trong đó dạt dào những cảm xúc, những thông điệp, chứ không phải nhìn vào một bức tranh đẹp vô hồn và “đố khách biết bạn đang nghĩ gì”.

Key visual không chỉ dành cho những thương hiệu lớn, những chiến dịch tầm cỡ quốc gia. Một chiến dịch be bé thôi nhưng nếu biết tận dụng nguồn tài nguyên hình ảnh sẽ tạo được thiện cảm và gây hiệu ứng tốt hơn bạn nghĩ.

Đến với khóa học CREATIVE IDEAS tại AIM Academy, các giảng viên sẽ giúp bạn sáng tạo vừa có nghệ thuật, vừa có chiến lược, “trí óc bay bổng và đôi chân vẫn chạm đất để ideas có thể đi và phát triển được”. Tư duy đúng và phù hợp sẽ góp phần giúp cho quá trình tạo ra key visual của bạn chuẩn chỉnh hơn.

Nhanh tay để lại thông tin để nhận được tư vấn chi tiết và ưu đãi tốt từ nhà AIM.