Google Ads Display là gì? Cẩm nang về Google Ads Display cho người mới bắt đầu

Google Ads Display là gì? Google Ads Display là quảng cáo được đặt trên Google Display Network (GDN) – mạng lưới các website là đối tác của Google cho phép bạn đặt quảng cáo lên trang của họ. Google Ads Display là một hình thức quảng cáo quan trọng trong paid media mà rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng. Bài viết này sẽ giải thích những vấn đề cơ bản cho người mới tiếp cận loại hình này.
Digital Marketing

Nội dung bài viết

Google Ads Display là gì? Google Ads Display là quảng cáo được đặt trên Google Display Network (GDN) – mạng lưới các website là đối tác của Google cho phép bạn đặt quảng cáo lên trang của họ. Google Ads Display là một hình thức quảng cáo quan trọng trong paid media mà rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng. Bài viết này sẽ giải thích những vấn đề cơ bản cho người mới tiếp cận loại hình này.

Bạn thấy website A có lượng truy cập ổn và nội dung phù hợp để đặt banner quảng cáo. Nhưng không phải lúc nào họ cũng đồng ý cho bạn đặt, và giá cả thì rất khó xác định. Với “quyền lực” của Google, việc đưa quảng cáo của bạn lên các website lớn nhỏ trở nên đơn giản hơn nhiều.

I. Những khái niệm thường gặp (và dễ nhầm lẫn)

Trước tiên, hãy cùng làm rõ những cụm từ thường gặp khi tìm hiểu hay tra cứu tài liệu. Chúng nghe… na ná nhau và khá dễ nhầm. Nhưng nếu đã hiểu được bản chất thì bạn sẽ phân biệt được ngay.
Google Ads Display hay Google Display Network (GDN) nghe có vẻ là lạ? Nhưng hẳn bạn đã biết tới Google AdWords, hay tên mới là Google Ads rồi chứ?

Google Ads là chương trình quảng cáo trực tuyến trả phí của Google. Google Ads bao gồm 2 network – Search Network và Display Network.

1. Google Ads Search là gì?

Google Ads Search là quảng cáo đặt trên Search Network.
Khi quảng cáo trên Search Network, doanh nghiệp đặt những quảng cáo dạng chữ (text) trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Nghĩa là khi người dùng search từ khóa nào đó trên Google, quảng cáo của bạn sẽ hiển thị ở những vị trí đầu tiên.

2. Google Ads Display là gì?

Google Ads Display là quảng cáo đặt trên Display Network.
Google Display Network (GDN) là mạng lưới website khổng lồ trên internet, là đối tác của Google, nhà quảng cáo thông qua Google để đặt quảng cáo lên các website đó. Khi người dùng lang thang đọc tin tức, giải trí hay mua sắm ở một website, những quảng cáo này sẽ lọt vào tầm mắt và gây chú ý với họ.

II. Vì sao bạn nên sử dụng Google Ads Display?

1. Độ tiếp cận rộng

Google ước tính rằng Display Network có thể tiếp cận trên 35 triệu trang web và ứng dụng cũng như trên các sản phẩm do Google sở hữu (YouTube và Gmail) trên toàn thế giới. Và hiển nhiên, điều này là lợi thế giúp bạn mở rộng phạm vi tiếp cận ngoài Google Tìm kiếm.

2. Được thiết kế dễ dàng sử dụng

Chiến dịch hiển thị sử dụng các giải pháp máy học trên các định dạng nhắm mục tiêu, cũng như đặt giá thầu và để tiếp cận được đối tượng mới hoặc đối tượng hiện có. Trong đó:

  • Nhắm mục tiêu được tối ưu hóa (Optimized targeting): Hướng đến những phân khúc hoạt động tốt nhất gồm khách hàng tiềm năng giúp đạt được các mục tiêu chuyển đổi.

  • Đặt giá thầu thông minh (Smart bidding): Mục đích đặt giá thầu sử dụng công nghệ máy học để tối ưu hóa chuyển đổi hoặc giá trị chuyển đổi trong mỗi phiên đấu giá. Cùng với đó, điều này còn giúp bạn tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu suất hoạt động.

3. Chi phí rẻ hơn Google Ads Search

Mặc dù CTR thấp hơn, quảng cáo Display cũng có chi phí thấp hơn so với quảng cáo Search. Vì vậy đây là lựa chọn không tồi nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ và không cạnh tranh nổi trên mặt trận Search.
Nhiều hình thức thanh toán
Trên GDN, bạn có thể chọn trả phí theo CPM (cost per mile) hay PPC (pay per click). Bạn có thể tự thiết lập hình thức thanh toán để tối ưu ROI.

4. Sử dụng hình ảnh

Não bộ xử lý thông tin tốt hơn dưới dạng hình ảnh. Nếu ở Search Network, bạn chỉ có thể sử dụng hình thức văn bản (text) thì hình thức trên GDN đa dạng hơn nhiều, bao gồm cả hình ảnh và video

5. Remarketing

Đây là một trong những điểm “lợi hại” nhất của Google Ads Display. Với tính năng remarketing, bạn có thể bám đuôi, bao vây khách hàng tiềm năng. Nếu họ đã từng tìm một sản phẩm trên search mà chưa mua, quảng cáo hiển thị sẽ làm nhiệm vụ xuất hiện ở những nơi tiếp theo họ đến, nhắc nhớ, thôi thúc họ mua sản phẩm.

Google Ads Display có ưu điểm như độ tiếp cận rộng, được thiết kế dễ dàng sử dụng và chi phí rẻ hơn Google Ads Search
nguồn ảnh: marketingsignallab

III. Nhược điểm của Google Ads Display

1. Khó khăn khi nhắm đối tượng

Nhược điểm lớn nhất của GDN là tính thụ động. Quảng cáo chỉ xuất hiện khi mọi người đang tình cờ lướt những website khác. So với Search Network, khả năng nhắm mục tiêu của nó không chính xác bằng.

Tuy nhiên, với những tùy chọn nhắm mục tiêu hiện có, GDN vẫn có thể tiếp cận đúng mục tiêu. Còn cách thực hiện thì bạn hãy đọc tiếp bài viết nhé.

2. Lượng traffic mang về website có thể kém chất lượng

Đôi lúc tiếp cận rộng quá chưa hẳn đã tốt. Sẽ có những khách hàng nhấp vào quảng cáo của bạn vì tò mò hoặc chỉ… vô tình nhấp trúng, chứ không thực sự hứng thú với sản phẩm.

Nhưng dù sao, GDN vẫn rất hiệu quả nếu bạn đang muốn tăng nhận thức về thương hiệu.

3. Quảng cáo hiển thị trên website “rác” hoặc không liên quan đến website

Nhược điểm tiếp theo là bạn không kiểm soát được quảng cáo sẽ được đăng trên website nào.

Trong hệ thống website đồ sộ của GDN thì không tránh khỏi vẫn còn tồn tại những website “rác”, hoặc website không liên quan đến quảng cáo. Bạn có thể ngăn không cho những website nào đó hiển thị quảng cáo của mình, nhưng phải làm thủ công, và với số lượng website khổng lồ thì kiểm tra hết gần như không thể.

CTR thường thấp hơn Google Ads Search

CTR trung bình trong Google Ads cho tất cả các ngành là 1.91% đối với search và 0.35% đối với display. Nguyên nhân có thể là do quảng cáo search xuất hiện khi người tiêu dùng đang có sẵn “tâm trạng mua sắm” còn display thì không.

Tuy nhiên, CTR thấp không có nghĩa là chiến dịch GDN của bạn không mang lại những khách hàng tiềm năng. Người dùng có thể không nhấp vào quảng cáo, nhưng tâm trí họ lại ghi nhớ về thương hiệu, và sau này có thể chủ động tìm kiếm lại để mua sản phẩm.

Ngoài ra, nhược điểm chung của các loại quảng cáo Google là chỉ tiếp cận được khách hàng khi họ đã có nhu cầu về sản phẩm, chứ không tạo ra nhu cầu được như quảng cáo Facebook. Đọc thêm bài viết chọn quảng cáo trên Facebook hay Google để biết đâu là hình thức phù hợp nhất với bạn.

Bạn cũng có thể nghĩ đến việc kết hợp quảng cáo Facebook với Google, hoặc Google Ads Search với Google Ads Display.

IV. Có bao nhiêu loại Google Ads Display?

Nhiều người lầm tưởng rằng GDN chỉ cung cấp cho bạn tùy chọn hiển thị quảng cáo hình ảnh. Sự thật thì nó cho phép bạn quảng cáo ở nhiều định dạng và kích thước khác nhau, gồm quảng cáo bằng văn bản, hình ảnh tĩnh và động, quảng cáo đa phương tiện và video.

1. Quảng cáo văn bản – Text Ads

Hình thức tương tự như quảng cáo trên Search Network, bao gồm 1 tiêu đề và 2 dòng nội dung

2. Quảng cáo hình ảnh – Image Ads

Một hình ảnh tĩnh sẽ chiếm trọn vị trí của ad block trên website mà nó xuất hiện. Bạn có thể tùy chỉnh hình ảnh, bố cục hay màu nền của quảng cáo.

3. Quảng cáo đa phương tiện – Rich media Ads

Bao gồm các yếu tố tương tác, ảnh động hoặc các khía cạnh khác thay đổi tùy thuộc vào người đang xem quảng cáo và cách họ tương tác với nó. Chẳng hạn như hình ảnh các sản phẩm di chuyển theo dạng carousel.

4. Quảng cáo video – Video Ads

Video Ads ngày càng “hot” kể từ khi YouTube gia nhập hệ thống GDN. Bạn có thể tận dụng Google Ads để đặt quảng cáo của mình bên cạnh các video YouTube.

5. Quảng cáo mua sắm – Shopping ads

Shopping Ads đang ngày càng trở nên phổ biến, tỉ lệ click vào Google Shopping đang tăng gấp nhiều lần so với các hình thức khác, là công cụ giúp các doanh nghiệp cũng như là cá nhân tăng doanh thu, có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

6. Quảng cáo hiển thị hình ảnh thích ứng – Responsive Display Ads

Quảng cáo Responsive đóng một vai trò rất hữu ích trong chương trình Google Ads. Trong đó, RDA sẽ giúp bạn giảm được chi phí quản lý danh mục đầu tư quảng cáo trong các nhóm quảng cáo và chiến dịch.

7. Quảng cáo tìm kiếm thích ứng – Responsive Search Ads

Khi Responsive Search Ads được tiến hành khởi chạy, nhà quảng cáo sẽ có thể tiết kiệm được nhiều thời gian hơn do Google tự động sẽ làm những việc còn lại.

V. Google Ads Display có những kích thước nào?

Google Display Network có hơn 20 block size quảng cáo khác nhau. Mỗi website đăng ký hiển thị quảng cáo Google (được gọi là Google AdSense) sẽ chọn ad block phù hợp nhất với bố cục website của họ. Để quảng cáo của mình đặt ở đâu cũng được thì tốt nhất là bạn nên tạo quảng cáo ở nhiều kích thước khác nhau.

Các nhà quảng cáo có thể tải lên hình ảnh động hoặc tĩnh hoặc quảng cáo HTML5 với những kích thước sau:

  • Hình vuông và hình chữ nhật
  • Hình chữ nhật đứng
  • Hình chữ nhật dài
  • Mobile

Quảng cáo được tải lên ở dạng GIF, JPG, PNG, SWF, ZIP và không được lớn hơn 150KB.

Quảng cáo hình ảnh hoặc đa phương tiện sẽ có tỷ lệ click vào gấp đôi so với quảng cáo văn bản, nhưng chúng sẽ ít hiển thị hơn. Vì Google có thể “nhét” hơn 1 quảng cáo văn bản vào 1 ad block nhưng chỉ đặt được 1 hình ảnh vào vị trí tương tự. Do đó giá tiền đặt quảng cáo hình ảnh thường cao hơn.

Nếu bạn không có tài nguyên để tạo quảng cáo hình ảnh thì hoàn toàn có thể sử dụng Trình tạo quảng cáo hiển thị của Google – Google’s Display Ad Builder.

Hãy đảm bảo trong mỗi quảng cáo đều có sự xuất hiện của thương hiệu, thông điệp kêu gọi hành động, thiết kế phù hợp với “style” website của bạn. Các doanh nghiệp cũng thường sử dụng những nút CTA như “click vào đây” hoặc “mua ngay”.

Đọc thêm: Case Study Google Ads – Học Hỏi Cách Thiết Lập Quảng Cáo Trên Google Thành Công Từ Doanh Nghiệp

VI. Nhắm đối tượng mục tiêu trên Google Display Network

Độ phủ của GDN rộng là thế, nhưng bạn không cần tiếp cận đến tất cả mọi người (và cũng không dư ngân sách để làm chuyện đó). Bạn có thể thu hẹp phạm vi tiếp cận, chỉ nhắm đến những người có khả năng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn bằng tính năng targeting.

1. Nhắm mục tiêu theo vị trí (Placement Targeting)

tính năng targeting giúp thu hẹp phạm vi tiếp cận, chỉ nhắm đến những người quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn

Nhắm mục tiêu theo vị trí nghĩa là việc bạn lựa chọn trang web mà bạn muốn quảng cáo xuất hiện trên đó. Phương thức này hiệu quả khi bạn đã có mục tiêu nhân khẩu học cụ thể. Bạn nên tìm những trang web có xu hướng cung cấp lợi ích cho nhóm khách hàng tiềm năng của bạn, có nhiều khả năng họ sẽ ghé thăm.

2. Nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh (Contextual Targeting)

Đây là hình thức phổ biến nhất. Nó sử dụng các từ khóa liên quan đến sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp. Trước tiên, bạn tạo một danh sách từ khóa và Google sẽ tối ưu quảng cáo của bạn để xuất hiện trên những website liên quan đến các từ khóa đó.
Thay vì tạo ra các truy vấn tìm kiếm như ở bên Search Network, bạn nên tạo một danh sách 5-20 cụm từ ngắn có liên quan mật thiết với chủ đề quảng cáo.
Bạn cũng sẽ cần chú ý đến danh sách các website mà quảng cáo sẽ xuất hiện để điều chỉnh danh sách từ khóa cho phù hợp.

3. Nhắm mục tiêu theo chủ đề (Topic Targeting)

Nhắm mục tiêu theo chủ đề cho phép bạn lựa chọn những chủ đề trang trong danh sách hiện có. Nghĩa là quảng cáo sẽ chỉ hiển thị trên các trang về một chủ đề nhất định nào đó.
Nhược điểm của hình thức này là bạn không thể đi sâu vào nhiều chủ đề, nghĩa là mức độ liên quan giữa trang với quảng cáo không cao như mong đợi.

Do đó, để tối ưu, bạn nên kết hợp nhắm mục tiêu theo chủ đề với một phương thức nhắm mục tiêu khác để đảm bảo mức độ chính xác khi tiếp cận.

4. Nhắm mục tiêu theo sở thích (Interest Targeting)

Bạn cũng sẽ được cung cấp một danh mục sở thích có sẵn tương tự danh sách các chủ đề, nhưng phương thức nhắm mục tiêu này lại vận hành rất khác.

Nhắm mục tiêu theo sở thích cho phép nhà quảng cáo nhắm mục tiêu người dùng, chứ không phải nội dung trang. Có nghĩa là người dùng đang xem bất cứ nội dung gì thì quảng cáo cũng có thể hiện ra (với điều kiện website đó nằm trong hệ thống GDN).

Google có thể lưu trữ cookie trên máy tính của người dùng mỗi lần họ truy cập một trang trong ad network của họ. Chúng được gọi là cookie DoubleClick. Google sẽ không lưu trữ những thông tin như khách truy cập là ai, và nhà quảng cáo sẽ không thể xem dữ liệu này ở cấp độ của một người dùng.

Tuy nhiên, nếu một người thường xem các trang về một danh mục sở thích cụ thể, thì họ sẽ được thêm vào danh sách những người mà Google cho là “quan tâm đến danh mục đó”. Bạn có thể xem những thông tin mà Google có về bạn trong “My Account”.

5. Nhắm mục tiêu trên YouTube

Hầu hết các nhà quảng cáo chỉ nghĩ mạng hiển thị chỉ xuất hiện trên các đối tác của Google. Song, điều đó đúng những vẫn chưa đủ khi nó còn xuất hiện ngay cả YouTube, và các ứng dụng có liên quan.

Vì vậy, bạn nên định hướng nhắm mục tiêu hiển thị quảng cáo trên video của kênh YouTube khi bạn nhận diện được rằng người xem kênh YouTube có sự quan tâm đến nội dung và có thể là khách hàng của bạn.

6. Nhắm mục tiêu từ khóa

Trước khi chọn được từ khóa cho chiến dịch, bạn cần biết cài đặt từ khóa. Nếu bạn nhắm đến từ khóa, sẽ xuất hiện hai lựa chọn là đối tượng (Audiences) và nội dung (Content). Trong đó: 

  • Đối tượng (Audiences): quảng cáo của bạn sẽ được hiển thị đối với những đối tượng có hứng thú với từ khóa. Lưu ý khi cài đặt lựa chọn này, Google cho phép thay đổi cài đặt “đối tượng” để người dùng tạo đối tượng có quyết định thay thế. Điều đó, giúp dễ quản lý các quảng cáo hiển thị của bạn cho những người quan tâm đến những từ khóa nhất định. 
  • Nội dung (Content): quảng cáo sẽ nhắm mục tiêu theo hướng ngữ cảnh. Đồng nghĩa với việc, Google sẽ xác định danh sách từ khóa của bạn, sau đó tiến đến việc tìm trang web hoặc app có liên quan đến từ khóa và đặt quảng cáo, dựa trên nội dung, cấu trúc link và cấu trúc trang.
  • Nhắm mục tiêu theo thiết bị: mục tiêu theo thiết bị cho phép nhắm mục tiêu quảng cáo của mình đến những người dựa trên thiết bị họ đang sử dụng. 

Đặt điều chỉnh giá thầu được nhắm mục tiêu theo máy tính bảng, điện thoại di động,… Nhấp vào “thiết bị” trong menu, đặt quảng cáo của mình nhắm vào các thiết bị cụ thể:

  • Máy tính: thiết bị xách tay hoặc để bàn có màn hình lớn hơn 7 theo đường chéo.
  • Di động: đây là những thiết bị cầm tay bao gồm điện thoại.
  • Màn hình TV: thiết bị phát trực tiếp nội dung TV như TV thông minh, các thiết bị kết nối như Chromecast. Lưu ý tuỳ chọn mục tiêu này chỉ có sẵn cho các chiến dịch hiển thị và video.

7. Remarketing

Remarketing cho phép bạn gửi cookie trên máy tính của khách truy cập truy cập trang web của bạn cho Google. Sau đó Google sẽ hiển thị quảng cáo cụ thể cho những người đó khi họ truy cập bất kì website nào trên Google Display Network.

Remarketing có thể hoạt động rất đơn giản, như hiển thị quảng cáo cho bất kì ai đã truy cập website của bạn, nhưng nó cũng làm được những hoạt động phức tạp hơn. Chẳng hạn như nhắm mục tiêu những người đã xem video trên trang chủ của bạn, hoặc ở lại trên website của bạn trong một khoảng thời gian nhất định.

Càng thiết lập được nhiều danh sách remarketing, bạn càng có chiến lược hơn khi nhắm mục tiêu trên Display Network.

Google liên tục mở rộng các tùy chọn remarketing trong vài năm qua. Thậm chí bạn có thể tải lên danh sách email của khách hàng để nhắm mục tiêu.

Google Ads Display hoạt động hiệu quả nhất khi bạn sử dụng kết hợp các phương pháp nhắm mục tiêu.

Nếu nhà quảng cáo áp dụng nhiều hơn 1 phương pháp cho 1 nhóm quảng cáo, thì quảng cáo của họ sẽ chỉ hiển thị cho những người phù hợp với cả 2 tiêu chí nhắm mục tiêu.
Việc này sẽ làm giảm số lần hiển thị tiềm năng của quảng cáo, nhưng sẽ giúp bạn có các nhóm quảng cáo được nhắm mục tiêu rất tốt.

VII. Tối ưu hoá chiến dịch

Khi tối ưu hóa các chiến dịch Display, bạn nên thường xuyên xem lại các báo cáo vị trí tự động. Xem vị trí nào hoạt động tốt thì thêm vào chiến dịch vị trí được quản lý. Website nào hoạt động kém, mức độ liên quan thấp thì thêm vào nhóm “negative placements” trong chiến dịch vị trí tự động.

Ngoài ra, những kĩ thuật tối ưu hóa khác cho các chiến dịch trên Display Network còn bao gồm:

  • Loại trừ các danh mục không liên quan (Excluding irrelevant categories)
  • Loại trừ các đối tượng không liên quan (Excluding irrelevant audiences)
  • Loại trừ những trang web và chủ đề không liên quan (Exclude specific websites and videos)
  • Thêm tiện ích nhấn để gọi (click-to-call) nếu bạn đang nhắm mục tiêu đến thiết bị di động
  • Đánh giá lại mức độ tiếp cận bằng cách sử dụng dimensions tab. Tăng ngân sách nếu bạn muốn tăng khả năng tiếp cận.
  • Đánh giá lại hiệu quả quảng cáo theo vị trí địa lý, loại trừ những khu vực cho hiệu quả kém.
  • Sử dụng quảng cáo về hình ảnh và quảng cáo responsive ở nhiều kích thước và định dạng
  • Tìm thêm khách hàng theo nhắm mục tiêu theo từ khóa và đối tượng trong thị trường
  • Có rất nhiều chiến lược khác để bạn cải thiện hiệu suất các chiến dịch trên Display Network. Nhưng nếu bạn là người mới bắt đầu, hãy tập trung theo dõi báo cáo về vị trí (placement) là tốt nhất.

Kết hợp đa kênh trong quảng cáo một cách khéo léo sẽ giúp doanh nghiệp vừa tìm kiếm và chuyển đổi được khách hàng, vừa không lãng phí ngân sách. Nắm vững các hình thức quảng cáo Google từ search, display đến video, từ lý thuyết đến thực hành với khoá học GOOGLE ADS ALL IN ONE

Điền form đăng ký ngay để AIM tư vấn chi tiết hơn cho bạn!