Thu hút khách hàng qua những câu chuyện thương hiệu khác biệt (phần 2)

Ví dụ: Chuyện kể rằng, ngày xưa ở phía Bắc Hy Lạp, có một cô bé tên Barbara Filokostas. Cô bé trải qua tuổi thơ giữa những cánh đồng olive bạt ngàn. Bà của cô bé là người có kiến thức uyên thâm về dược liệu, đã dạy cô rằng dầu olive có thể trị lành mọi tổn thương về da.
Marketing Management

Nội dung bài viết

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu những câu chuyện thương hiệu điển hình của các doanh nghiệp có chiến lược, ý tưởng và nguồn vốn khủng. Vậy còn chúng ta, những doanh nghiệp vừa, nhỏ và mới thành lập thì sao? Nên bắt đầu kể câu chuyện thương hiệu từ đâu và có những bước nào để có câu chuyện thương hiệu độc đáo cho riêng minh?

Hãy cùng AIM giải đáp những thắc mắc muôn thuở nhưng không bao giờ cũ này nhé!

IV. Cảm hứng cho câu chuyện thương hiệu khác biệt

cảm hứng cho câu chuyện thương hiệu khác biệt mà bạn chưa khai thác

Trước khi tìm kiếm những nguồn thông tin bên ngoài, hãy nhìn lại thương hiệu, doanh nghiệp của bạn. Có điều gì ẩn giấu mà bạn chưa khai thác không? Có những người đồng nghiệp, nhân viên nào bạn chưa trò chuyện nhiều, có thể mang lại những góc nhìn thú vị cho bạn?

Việc nhìn lại con người, hoạt động của doanh nghiệp mình chính là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp bạn hình thành nên ý tưởng cho câu chuyện thương hiệu độc đáo.

1. Lịch sử doanh nghiệp của bạn

Mỗi công ty, tổ chức được thành lập đều có những mục đích lớn lao, giải quyết nhu cầu của đối tượng mục tiêu, không chỉ trong vấn đề lợi nhuận. Sau khi quyết định hướng đi cho câu chuyện của bạn, việc kể về lý do thành lập, cách công ty đạt được thành công và đương đầu với khó khăn chính là những yếu tố thúc đẩy câu chuyện thương hiệu của bạn đi xa.

Đây cũng là một cách hấp dẫn đối tượng mục tiêu khi họ nhận ra họ chính là lý do câu chuyện của bạn bắt đầu, tạo nên sự tin tưởng và sự ủng hộ của cộng đồng. 

Đọc phần 1 tại đây: Thu hút khách hàng qua những câu chuyện thương hiệu khác biệt

2. Câu chuyện về người sáng lập

Rất nhiều công ty được xây dựng trên động lực, đam mê và tinh thần của người founder. Mỗi ngày trên Facebook, báo chí, ta được nghe biết bao câu chuyện về các doanh nhân khởi nghiệp và những câu chuyện truyền cảm hứng của họ. Việc gắn câu chuyện thương hiệu với câu chuyện của người founder chắc chắn là một chiến lược tuyệt vời, tạo nên những cảm xúc chân thực nhất với đối tượng cần truyền thông.

Trước khi bắt tay vào làm, hãy cùng trả lời những câu hỏi sau:

  • Background/ Lĩnh vực mà founder giỏi và đam mê là gì?
  • Điều gì đã khiến họ thành lập công ty?
  • Tầm nhìn của founder đối với công ty?
  • Cách founder kết nối với khách hàng như thế nào?
  • Những giá trị nào mà công ty/ founder đang theo đuổi 

Câu chuyện của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên gắn liền với cái tên của vị CEO Đặng Lê Nguyên Vũ. Từ một cậu bé con nhà nông dân nghèo ở Đắk Lắk trở thành “ông vua cà phê Việt”, ông trở thành một hình mẫu điển hình cho thế hệ trẻ đang ôm giấc mơ khởi nghiệp. Bản thân Trung Nguyên cũng đang xây dựng một chương trình xã hội dài hạn để truyền thêm khát vọng, động lực cho người trẻ khởi nghiệp, hướng đến sự thịnh vượng cho bản thân và dân tộc.

Mỗi chúng ta đều luôn muốn lắng nghe những câu chuyện của người khác, kể cả thất bại hay thành công để học hỏi những điều mà bản thân chưa trải nghiệm. Chỉ cần có được những câu trả lời hay và đầy tâm huyết cho những câu hỏi trên, câu chuyện của bạn chắc chắn sẽ trở nên cực kì hấp dẫn bởi sự tương tác và quan tâm cao từ phía khán giả.

3. Những khoảng thời gian nổi bật

Trong khoảng thời gian hoạt động, đã có bao lần công ty bạn có những sự kiện độc đáo, kể cả thành công hay thất bại? Có những thành tựu, giải thưởng hay kết quả nổi bật nào công ty đã đạt được trong thời gian qua? Những khoảng thời gian nổi bật biết đâu đó có thể trở thành nguồn cảm hứng cho câu chuyện thương hiệu của bạn.

4. Câu chuyện về khách hàng

Nói đến khách hàng, sẽ có 1001 câu chuyện bạn có thể lấy để tạo cảm hứng cho câu chuyện thương hiệu của mình. Chính khách hàng sẽ là những người lắng nghe câu chuyện của bạn, hình thành nên sản phẩm, dịch vụ và cả câu chuyện ấy. Vì vậy, một cách độc đáo để có câu chuyện thương hiệu ấn tượng là kể về khách hàng của bạn, cách họ giao tiếp với thương hiệu của bạn cũng như câu chuyện họ tìm thấy giải pháp, vấn đề nhờ sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp.

Xem thêm: 5 bước xác định và phân tích khách hàng mục tiêu chuẩn nhất cho marketers.

5. Câu chuyện về nhân viên công ty

Công ty của bạn có thể không có lịch sử đáng nhớ, founder nổi bật hay những thành tựu quan trọng, nhưng chắc chắn sẽ có nhân viên – những người chiến binh tuyệt vời đã cùng bạn trải qua thăng trầm. Họ có thể trở thành đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp từ chính câu chuyện, thành tựu cá nhân trong quá trình làm việc tại công ty.

Việc có những câu chuyện đặc biệt về công ty thông qua hình ảnh nhân viên sẽ khiến công ty của bạn không chỉ đơn thuần về công nghệ, hàng hóa hay giải pháp mà còn là sự kết nối nhân văn giữa người với người – giữa người tạo ra sản phẩm, dịch vụ và đối tượng mục tiêu. 

Khai thác câu chuyện về đội ngũ nhân viên “cao tay” nhất phải kể đến Grab. Những người tài xế, shipper xuất hiện trên hầu hết các loại nội dung và kênh truyền thông, nhắc bạn đừng bỏ bữa, nhắc bạn đừng… bom hàng, nhắc bạn về những điều tốt đẹp và đáng yêu trong cuộc sống.

Vậy là trong tay đã đủ “dao kiếm” từ chiến lược, ý tưởng, cảm hứng, đã đến lúc hành động, bắt tay vào kể câu chuyện thương hiệu của mình rồi. Hãy cùng tìm hiểu các bước quan trọng để có một câu chuyện thương hiệu thu hút ngay từ những giây đầu tiên nhé!

V. Các bước quan trọng cho câu chuyện thương hiệu ấn tượng

3 bước quan trọng cho câu chuyện thương hiệu ấn tượng

Bước 1: Xây dựng tích cách cho thương hiệu của bạn

Mỗi câu chuyện hay đều xuất hiện một nhân vật chính

Trong nhân vật chính ấy sẽ có một tính cách riêng..

Trong câu chuyện thương hiệu của bạn, nhân vật chính không ai khác chính là doanh nghiệp và nhãn hàng của bạn. Dù là anh hùng hay thường dân, nhân vật ấy sẽ trải qua nhiều khó khăn gian khổ, như chuyện chàng hoàng tử đánh bại quái vật và cưới được công chúa xinh đẹp, sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Trong công chuyện, nhân vật chính sẽ mang trong mình tính cách riêng, tuy nhiên phải khiến cho khách hàng cảm thấy gần gũi, đồng thời tạo ra những ấn tượng tốt đẹp trong lòng họ. Bạn có thể là người vui vẻ, hoạt bát, sexy, nóng nảy, hoặc bất cứ tính cách nào, với điều kiện khách hàng có thể “cảm” và yêu thích tính cách ấy. 

Bước 2: Xây dựng câu chuyện

Một câu chuyện điển hình sẽ bao gồm những bước cơ bản sau:

  • Giới thiệu – cuộc sống bình thường của nhân vật dẫn đến “biến cố khởi đầu” thúc đẩy họ bước vào xung đột.

Ví dụ: Chuyện kể rằng, ngày xưa ở phía Bắc Hy Lạp, có một cô bé tên Barbara Filokostas. Cô bé trải qua tuổi thơ giữa những cánh đồng olive bạt ngàn. Bà của cô bé là người có kiến thức uyên thâm về dược liệu, đã dạy cô rằng dầu olive có thể trị lành mọi tổn thương về da. 

  • Xung đột dâng cao – Các xung đột, đấu tranh và các cạm bẫy mà nhân vật phải đối mặt trên hành trình vươn tới các mục tiêu. 

Ví dụ: Cô bé lớn lên, bước vào giảng đường và miệt mài nghiên cứu các liệu pháp thiên nhiên, mơ về một thương hiệu mỹ phẩm 100% thành phần hữu cơ. Nhưng vào những năm 90, việc ấy còn quá mới mẻ và xa vời.

  • Cao trào – phần quan trọng nhất! Đây là điểm mà mọi thứ dường như có thể hoặc không thể xảy ra, và nhân vật phải quyết định hành động ra sao để chiến thắng hoặc chấp nhận thua trong danh dự. 

Ví dụ: Sau một thời gian dài với vô vàn nỗ lực, năm 1998, thương hiệu dược mỹ phẩm hữu cơ Botáni ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn trên hành trình biến ước mơ thuở nhỏ thành hiện thực của cô bé Babara.

  • Xung đột giảm dần – các sự việc được diễn giải sau cao trào, nhân vật thắng hay thua, mọi đầu mối rời rạc được kết nối lại, kết quả dẫn đến… 

Ví dụ: Từ những ngày đầu còn xa lạ với người dùng, Botáni đã tiến rất xa, đạt được các chứng nhận hữu cơ 100% của Úc và các đơn vị uy tín trên thế giới, được yêu thích tại nhiều quốc gia.

  • Đoạn kết – xuất hiện ý nghĩa, vai trò và sứ mệnh của thương hiệu.

Ví dụ: Botáni mang đến những giá trị tinh khiết, đơn giản từ thiên nhiên, an toàn cho làn da, sức khỏe và thân thiện với môi trường. 

Mỗi bước trong từng giai đoạn đều vô cùng quan trọng cho câu chuyện của bạn, thu hút những khách hàng cũ và hấp dẫn các khách hàng mới, đồng thời định vị chính thương hiệu của bạn trên thị trường qua từng phân cảnh.

Bước 3: Hãy kể tất cả

Giống như con người chúng ta, mỗi câu chuyện đều có những khoảnh khắc đẹp, xấu hay tồi tệ. Việc kể cho đúng người, đúng thời điểm sẽ không khiến thương hiệu xấu đi mà còn tạo ra một ấn tượng chân thực, “mộc’’ nhất, tạo ra sự sống động về hình ảnh thương hiệu trong mắt đối tượng truyền thông.

Hi vọng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng thể về cách tạo nên một câu chuyện thương hiệu thu hút khách hàng và đối tượng truyền thông. Thế nhưng, câu chuyện thương hiệu chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược xây dựng thương hiệu hiệu quả cho doanh nghiệp của bạn.

Tham gia khóa học BRAND MANAGEMENT EXCELLENCE để xây dựng chiến lược thương hiệu hiệu quả, phát triển sản phẩm mới và kế hoạch IMC tối ưu.

Điền form đăng ký ngay để AIM tư vấn chi tiết hơn cho bạn!